TP.HCM đang bị "nông thôn hóa"?

Ý kiến phản biện 18/11/2017 06:31

Sự lãng phí thời gian, tiền bạc, "quốc nạn" nhậu nhẹt, giờ giấc "dây thun", tùy tiện vứt rác bừa bãi, tùy tiện phát ngôn, văng tục, tụ tập đông người… là những biểu hiện của văn hóa, lối sống nông thôn có ảnh hưởng sâu đậm đến cư dân TP.


 

nông thôn hóa
Hội thảo khoa học Tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM diễn ra sáng 17-11 tại Viện Nghiên cứu phát triển. Ảnh: MAI HOA

Quan điểm này được Ths Nguyễn Quang Trung, nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ TP.HCM gửi đến Hội thảo khoa học, tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM hướng tới mục tiêu xây dựng TP sống tốt do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 17-11.

Ông Nguyễn Quang Trung đưa ra khái niệm nông thôn hóa là sự hiện hữu của văn hóa, lối sống nông thôn nơi cư dân TP, là sự ảnh hưởng sâu đậm của nông thôn ở TP. "Đây là thách thức của TP.HCM trong phát triển đô thị", ông Trung nêu quan điểm.

Ông cũng đưa ra 6 biểu hiện của sự nông thôn hóa là tính chấp hành pháp luật thấp, lãng phí, thói quen tùy tiện, xu hướng "cơi nới", nông nghiệp tự phát, tâm lý đám đông.   

Chẳng hạn, sự lãng phí thời gian, tiền bạc, "quốc nạn" nhậu nhẹt, giờ giấc "dây thun", tùy tiện vứt rác bừa bãi ra đường, xuống sông, cống rãnh, tùy tiện phát ngôn, văng tục, tụ tập đông người… Hoặc trồng cây nhếch nhác, thả rông thú cưng, nuôi gia cầm, gia súc tại nhà…

Nguyên nhân là nguồn gốc nông thôn của thị dân, sự phát triển văn hóa và con người không theo kịp tốc độ đô thị hóa, thiếu tác phong công nghiệp, tình trạng đô thị quá tải, trình độ quản lý đô thị chưa cao.

Từ những phân tích đó, ông Nguyễn Quang Trung đưa ra kiến nghị, muốn xây dựng TP sống tốt thì trước tiên cần đô thị hóa tinh thần, đô thị hóa con người. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Ths.Lê Văn Thành, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng mâu thuẫn giữa mong muốn hiện đại hóa TP với thực trạng lộn xộng hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào là một bài toán nan giải. Ông Thành và nhiều đại biểu khác đưa ra một hệ thống tiêu chí của TP sống tốt.

Trong đó, đáng chú ý là các tiêu chí giảm dần nạn kẹt xe, tăng diện tích đất dành cho giao thông lên gấp 3 lần so với hiện nay. Phương tiện vận tải công cộng đảm bảo được 40% khối lượng đi lại của người dân.

Ngoài ra, còn các tiêu chí về cung cấp nước sạch và điện đầy đủ, chống ngập nước, giảm ô nhiễm. 100% rác được xử lý tốt. Quản lý tốt dân nhập cư. Khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn, giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất chỉ cách nhau 5 lần…

Liên kết vùng, tháo điểm nghẽn cho TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, điều hành hội thảo. Các đại biểu chuyên gia đã trình bày và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, tiêu chí thành phố sống tốt. GS.TS Nguyễn Trọng Hòa đặt ra vấn đề quy hoạch vùng, cho rằng TP.HCM phải liên kết tốt với các địa phương trong vùng để giải tỏa các điểm nghẽn về áp lực dân cư, nhà ở, giao thông...

"Tôi cho rằng TP.HCM không nhất thiết phải trở thành một siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới, mà nên liên kết vùng, phát triển các đô thị xung quanh", ông Hòa nói. Còn TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng chừng nào tư tưởng sở hữu đất đai của các địa phương còn nặng nề, khi đó liên kết vùng sẽ khó mà thực hiện được.

Ý kiến của bạn

Bình luận