TP.HCM cần bao nhiêu tiền mới hết ngập để người dân bớt khổ?

Ý kiến phản biện 23/05/2018 11:02

Các chuyên gia và người dân băn khoăn TP.HCM phải cần bao nhiêu tiền triển khai các công trình chống ngập để người dân không còn sống trong bì bõm ngập nước.

h1
TP.HCM phải cần bao nhiêu tiền triển khai các công trình chống ngập để người dân không còn bì bõm trong ngập nước.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, trận mưa ngày 19/5, đỉnh triều trên sông Sài Gòn đo tại Trạm Phú An là +1,23m; lượng mưa đo được thấp nhất tại trạm Thanh Đa là 36,9mm và cao nhất tại trạm Tân Sơn Hòa là 119,3mm. Theo đó trên địa bàn thành phố đã xảy ra tình trạng ngập trên nhiều tuyến đường. Cụ thể, có 10 tuyến đường ngập nước với chiều sâu, thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 30 phút đến 3 giờ gồm các tuyến: Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương. Đặc biệt trên tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh thời gian rút nước khoảng 5 giờ sau khi kết thúc mưa.

Theo Sở GTVT TP.HCM mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên xuất hiện tình trạng tụ nước trên 22 tuyến đường, thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 10 phút đến 20 phút, gồm các tuyến đường: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Calmette, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Quốc lộ 1A, Hồ Ngọc Lãm, An Dương Vương (quận 8), Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá.

Lý giải về tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Ngập úng tái diễn ở nhiều khu vực tại thành phố là do thiếu vốn thực hiện các quy hoạch chống ngập. TP.HCM hiện đang thực hiện 2 quy hoạch với số vốn lên tới 96.329 tỉ đồng. Giai đoạn trước năm 2016 đã có 3 dự án triển khai, với tổng số vốn 22.948 tỉ đồng nên giai đoạn 2016-2020 cần 73.379 tỉ đồng. Dù vậy, tổng số vốn còn thiếu để thực hiện 2 quy hoạch nêu trên vẫn lên tới 46.527 tỉ đồng. Việc chống ngập chưa đem lại hiệu quả như mong đợi một phần do công tác dự báo không lường hết những diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu khiến hệ thống thoát nước trở nên lỗi thời”.

Nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt các dự án chống ngập, cải thiện môi trường quy mô lớn với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ngoài ra còn có nhiều dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các tuyến đường, khu dân cư được triển khai, đưa vào sử dụng. Đến nay thành phố cũng đang tiếp tục chống ngập xét đến biến đổi khí hậu với dự án 10 nghìn tỷ đồng thế nhưng ngập vẫn hoàn ngập khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những công trình chống ngập.

ảnh (52)
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vừa được TP.HCM đầu tư lắp máy bơm chống ngập nhưng mưa lớn vẫn ngập.

Ông Nguyễn Văn Hải (60 tuổi, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) bức xúc nói: “Biết bao nhiêu dự án chống ngập hàng nghìn tỉ đồng được thành phố đầu tư triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng cứ mưa là ngập khiến cuộc sống của người dân chúng tôi khốn khổ vô cùng. Không biết cần bao nhiêu tiền, triển khai bao nhiêu công trình chống ngập nữa thì người dân mới hết bì bõm lội nước".

TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, các công trình chống ngập hiện nay của thành phố không có chiến lược rõ ràng, chưa đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả như: Chống ngập bằng việc lắp máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nâng cấp đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), dự án chống ngập 10 nghìn tỷ của Trung Nam giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, nhưng đến nay lại ngưng thi công do nguồn vốn chưa cấp đủ. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực.

Có một số khu vực nền đất bị lún so với các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Đồng thời cần chú trọng đến việc quản lý. Công ty thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước không nên đỗ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây, ông Cương nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận