TPHCM 45 năm từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng khu vực

Tác giả: Mỹ lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 30/04/2020 07:05

Với vai trò chủ lực và có sức ảnh hưởng lớn, TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, sau 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, diện mạo giao thông TP. Hồ Chí Minh đã thay đổi toàn diện với nhiều dự án trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng nói riêng và của cả nước nói chung.

image001
Cầu vượt kết nối Bến xe Miền Đông mới

Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng giao thông thành phố

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hồ Chí Minh cần 83.061 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn thành phố. Đây là số vốn mà UBND thành phố đề xuất với Bộ GTVT nhằm phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, UBND thành phố đề xuất 12 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương với dự kiến nhu cầu khoảng 45.161 tỷ đồng, trong đó gồm 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 5.536 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương do địa phương quản lý, cụ thể là: Dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ…; Dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh và Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Cùng với đó, có 8 dự án với tổng số vốn là 39.625 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương do Bộ GTVT quản lý, đó là: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 3 với 4 dự án thành phần (Dự án thành phần 2A từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Tỉnh lộ 25B, Dự án thành phần 2B từ nút giao Lê Văn Việt đến điểm nối vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), đoạn Bình Chuẩn - QL22, đoạn QL22 - Bến Lức); hai nút giao trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm; Dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh dự kiến danh mục nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có tính chất liên vùng hoặc kết nối với các tỉnh lân cận.

Danh mục này có 9 dự án với tổng nhu cầu vốn 37.900 tỷ đồng, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài với chiều dài 53,5km, quy mô 4 làn xe. Dự án đường song song QL50 (kết nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Long An) có tổng chiều dài 6,8km, quy mô 6 làn xe. Bên cạnh đó là các dự án xây dựng đường nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái với chiều dài 3,82km, quy mô 6 làn xe; dự án xây dựng đường nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

HINH 1 - CÁC DỰ ÁN TPHCM
Bản đồ quy hoạch dự án giao thông TP. Hồ Chí Minh

Dự án cải tạo, mở rộng đoạn QL1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh giới tỉnh Long An); mở rộng QL22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa), đặc biệt là dự án nâng cấp, mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu)…

Ưu tiên những dự án cấp thiết, giảm ùn tắc cho khu vực

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh khẳng định, năm 2020 sẽ là một năm khởi sắc đối với cơ sở hạ tầng GTVT TP. Hồ Chí. Thành phố đã đồng ý bố trí hơn 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm 2020 cho ngành GTGT. Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để tiến hành đầu tư xây dựng hàng loạt dự án trọng điểm nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, giải quyết ùn tắc tại các điểm “nóng” như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, nút giao An Sương…

Theo đó, Sở GTVT thành phố đặt mục tiêu tăng thêm 23km chiều dài đường; tăng thêm 505.000m2 diện tích đường và xây dựng thêm 5 cây cầu. Nguồn vốn đầu tư xây dựng được lấy từ ngân sách thành phố và các hình thức huy động khác. Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên thực hiện với các khu vực điểm “nóng” về kẹt xe trên địa bàn. Cụ thể, khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, quận Tân Phú) thực hiện mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; cải tạo đường Cộng Hòa; nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh; nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý; mở rộng đường Tân Sơn; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng đường Trường Chinh. Ngoài ra, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, cầu Mỹ Thủy 3 là hai dự án quan trọng ở phía Đông thành phố đang được ngành GTVT tích cực triển khai.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban QLDA) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp song các đơn vị thi công vẫn đang nỗ lực làm việc để đưa hai công trình quan trọng là cầu vượt Bến xe Miền Đông mới, cầu Mỹ Thủy 3 hoàn thành đúng tiến độ. Đây là các dự án làm tăng năng lực kết nối giao thông khu vực phía Đông thành phố.

24/24 giờ thi công cầu vượt Bến xe Miền Đông mới

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Ban QLDA cho biết, Dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên QL1 (tên gọi cũ là Xa lộ Hà Nội) đang thi công hạng mục hầm chui. Theo đó, điểm đầu công trình cách cổng chính Bến xe Miền Đông mới trên QL1 khoảng 976m về phía cầu Sài Gòn. Điểm cuối công trình sẽ cách cổng chính Bến xe Miền Đông mới trên QL1 khoảng 533m về phía cầu Tân Vạn. Tổng chiều dài công trình khoảng 1.500m.

Dự án sẽ có một số cầu vượt quan trọng, điển hình là cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc gia. Cầu vượt này dành cho các dòng xe lưu thông từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông mới. Cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe dành cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Dự kiến, hạng mục này hoàn thành trong tháng 12/2020.

Bên cạnh đó, Dự án cầu Mỹ Thủy 3 cũng rất quan trọng trong việc góp phần giảm tải khu vực phía Đông thành phố, do đó dự án này cũng đang được các đơn vị thi công tích cực triển khai để đẩy nhanh tiến độ. Cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống với chiều dài 124m, thiết kế 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và 2 có tổng chiều rộng 60m dành cho 10 làn xe ô tô và hai làn xe máy lưu thông (hiện mỗi cầu chỉ cho 02 làn ô tô và 01 làn xe máy di chuyển). Công trình có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Theo Ban QLDA, cầu Mỹ Thủy 3 chỉ là một hạng mục trong tổng dự án nút giao thông Mỹ Thủy. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ tăng khả năng kết nối, lưu thông từ đường Đồng Văn Cống tới khu vực Cát Lái, từ đó giảm thiểu tình trạng kẹt xe như hiện nay.

Như vậy, trong tương lai gần, TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều dự án giao thông trọng điểm được xây dựng giúp giải quyết những bất cập, ùn tắc, góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận