TP. Hồ Chí Minh: Không xếp lớp theo kết quả học tập của học sinh

22/08/2019 06:18

Các trường cần phải xếp lớp một cách khoa học, phân bố đối tượng học sinh đủ mọi trình độ, để giáo viên vận dụng, triển khai đồng thời nhiều phương pháp.

hoi_nghi_tong_ket-09_27_35_680
Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019. (Ảnh: PL)

Ngày 20/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho rằng, các trường cần tổ chức xếp lớp khoa học, phân bố đối tượng học sinh đủ mọi trình độ, để giáo viên vận dụng, triển khai đồng thời nhiều phương pháp, cũng như khuyến khích sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện có tình trạng nhiều trường xếp lớp theo kết quả học tập của học sinh, lấy điểm từ cao xuống thấp, dẫn đến tình trạng có lớp học toàn học sinh lưu ban, gây khó khăn cho giáo viên trong việc triển khai công tác giảng dạy. Vì vậy, các trường cần phải xếp lớp một cách khoa học, phân bố đối tượng học sinh đủ mọi trình độ, để giáo viên vận dụng, triển khai đồng thời nhiều phương pháp.

Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019. (Ảnh: PL)

Phó Giám đốc GD&ĐT TP nhấn mạnh, trong năm học mới, các trường trên địa bàn Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh, hoàn thiện công tác quản trị, quản lý, tất cả mọi hoạt động trong nhà trường cần phải được công khai, minh bạch, kể cả công tác phân công, đánh giá thi đua, khen thưởng giáo viên, xếp loại học sinh.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bậc trung học vẫn còn tình trạng xếp hạng làm cho học sinh mệt mỏi. Bên cạnh đó, tưởng rằng xếp hạng đó sẽ tạo động lực thúc đẩy cho học sinh, nhưng đây là sai lầm. Vì nếu sử dụng công cụ này không đúng đối tượng, không đúng cách sẽ gây phản ứng ngược lại, vô tình gây ra áp lực cho học sinh.

Ông Lê Duy Tân nhắn nhủ, trong năm học này, nếu có tiến hành xếp hạng học sinh trong lớp, nhà trường và giáo viên chỉ được cung cấp thông tin cho những nhà làm chính sách, những người làm kế hoạch phục vụ cho công tác giáo dục, chứ không cung cấp thông tin cho phụ huynh hay học sinh.

Chia sẻ ý kiến của mình tại hội nghị, ông Hồ Tấn Minh – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh khẳng định, TP phấn đấu đến năm 2020 có 50% học sinh THCS ra trường đạt chuẩn ngoại ngữ quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiên cứu xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức khảo sát trực tuyến trình độ học sinh theo chuẩn quốc tế, đồng thời sử dụng đội ngũ giáo viên người bản ngữ đạt chuẩn về trình độ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông.

Trong năm học mới, bậc học trung học sẽ tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, quản lý giáo dục, xây dựng trường học theo định hướng hội nhập quốc tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận