Tổng thống Trump nên nghĩ về bài học Hàn Quốc

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 17/09/2017 10:31

Cái giá của việc bảo hộ thương mại quá mức chính là sự phát triển non kém của các ngành sản xuất nội địa và sự trì trệ nền kinh tế.

hanquocbloomberg_jkuj

Ảnh: Bloomberg

Ít nhất ở hiện tại, các chuyên gia tư vấn kinh tế dường như đã thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump không hủy bỏ hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc. 

Chính Tổng thống Donald Trump có vẻ như đã hài lòng với điều đó bởi nhờ vậy ông đổi được sự nhượng bộ từ phía Hàn Quốc. Thế nhưng có thể đó cũng không chắc là một lựa chọn hoàn toàn khôn ngoan, theo khẳng định của bài báo mới đây trên Bloomberg. 

Sự trỗi dậy của kinh tế Hàn Quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh của thương mại giúp tạo ra việc làm và của cải. Vào thập niên 1960, các chuyên gia kinh tế đau đầu với bài toán làm sao cứu thế giới các nước đang phát triển khỏi đói nghèo. 

Rất nhiều nước mới độc lập tại châu Phi và châu Á mới thoát khỏi chế độ thực dân còn vô cùng khó khăn. Ở thời điểm đó, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc mới chỉ ở mức 120USD/người/năm, tương đương với Kenya và Madagascar. 

Khi đó, không ít chuyên gia tin rằng cách tốt nhất để những nước mới thoát khỏi chế độ thuộc địa phát triển kinh tế nhanh nhất chính là tách rời hẳn khỏi ảnh hưởng của nước từng đô họ họ trước đó. Bởi nếu tình trạng đó tiếp diễn, chắc chắn các nước mới độc lập sẽ còn lâu mới có thể phát triển được các ngành sản xuất nội địa.

Nhiều chuyên gia khác trong khi đó cho rằng chính phủ các nước nên tăng mạnh các hàng rào thuế quan để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Chính phủ của nhiều nước từng trải qua chế độ thuộc địa trước đây, sau khoảng thời gian quá khó khăn mới giành được độc lập, đã bám chặt lấy quan điểm đó.

Vì vậy mới có trường hợp như Ấn Độ, chính phủ áp hàng loạt chính sách phản thương mại, hạn chế nhập khẩu đến mức tối đa.

Trong khi đó, Hàn Quốc chọn đi theo con đường hoàn toàn ngược lại. Thay cho việc quay lưng với kinh tế toàn cầu, Hàn Quốc muốn thâm nhập càng sâu vào hệ thống toàn cầu càng tốt. Chính phủ Hàn Quốc định hướng phát triển nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu, xuất khẩu trở thành mục tiêu ưu tiên của quốc gia, mọi chính sách đều dành để tập trung cho xuất khẩu. 

Chính sách của Hàn Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ Nhật, sau Chiến tranh Thế giới, Nhật cũng theo đuổi định hướng phát triển dựa vào xuất khẩu. Ở thời điểm Hàn Quốc lựa chọn đi theo con đường phát triển giống Nhật, những quốc gia đưa ra chính sách giống Hàn Quốc vẫn bị coi như thiểu số. 

Con đường khác nhau cho ra những kết quả khác nhau. Đầu thập niên 1960, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ là 90USD/người/năm. Đến năm 1990, con số này là 380USD/người/năm. 

Trong cùng khoảng thời gian trên, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc tăng 53 lần lên 6.360USD/người/năm. Cuối cùng vào năm 1991, có lẽ cũng đã nhận ra sai lầm của mình, chính phủ Ấn Độ theo đuổi chính sách phát triển xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhờ vậy cũng tăng nhanh chóng. 

“Học thuyết phụ thuộc” cuối cùng đã sai lầm bởi đơn giản các quốc gia nghèo không thể tự tạo ra nguồn cầu để đủ mạnh để hỗ trợ cho các ngành mới phát triển, ngoài ra, họ cũng không có lợi thế so sánh để cạnh tranh trên toàn cầu. Cuối cùng, nhiều khi chính phủ phải hỗ trợ cho nhóm ngành này gây hao tổn ngân sách.

Định hướng phát triển dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc thành công bởi các ngành sản xuất trong nước phát triển dựa trên nguồn cầu của các thị trường nước ngoài như Mỹ. Hàn Quốc đã tận dụng được lợi thế so sánh trong hệ thống thương mại toàn cầu, theo đó, mức lương thấp có lợi trong các ngành thâm dụng lao động như sản xuất đồ chơi hay giầy dép. 

Hàn Quốc nhờ vậy tạo được nhiều việc làm cho người dân. Sau đó, Hàn Quốc sử dụng nguồn tiền thu được từ xuất khẩu để tiếp tục phát triển các ngành công nghệ cao như sản xuất ship, màn hình LCD, ô tô và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Định hướng phát triển đúng đã giúp Hàn Quốc dần ghi được dấu ấn đối với các ngành sản xuất công nghệ cao. 

Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ Hàn Quốc thực sự ủng hộ tự do thương mại. Bằng mọi cách họ cố gắng bảo vệ các ngành non yếu khỏi sức ép cạnh tranh từ nước ngoài. Cùng lúc đó, họ vẫn cố gắng tăng thị phần xuất khẩu trên thế giới. 

Tân Tổng thống của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, vẫn đang cố gắng tiếp tục bảo vệ cho hiệp định thương mại tự do với Mỹ. 

Đáng tiếc, trong lúc đó, nhiều chính trị gia Mỹ đang theo đuổi chính sách ngược lại. Họ muốn chỉ chú trọng phát triển cho sản xuất trong nội địa Mỹ mà không nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí chấp nhận trợ cấp mạnh tay cho doanh nghiệp bằng tiền của ngân sách. 

Tuy nhiên họ không chịu nhìn nhận rằng, các hiệp định tự do thương mại không những giúp doanh nghiệp Mỹ phải tự hoàn thiện mình trong sức ép cạnh tranh từ nước ngoài, họ còn giúp cho hàng Mỹ đến được nhiều thị trường khác trên thế giới. 

Chính vì vậy, nếu trong tương lai, Tổng thống Donald Trump muốn ngưng hiệp định thương mại với Hàn Quốc hay bất kỳ nước nào, ông hãy nghĩ đến cái giá mà chính nước Mỹ sẽ phải trả.

Ý kiến của bạn

Bình luận