Tổng kết Dự án BIPP: Khởi đầu cho tương lai

Tác giả: Đăng Minh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 22/11/2018 17:55

“Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” BIPP kết thúc nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho tương lai, cho việc tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Dự án BIPP đã trở thành một minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Bỉ”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại Lễ tổng kết của Dự án song phương BIPP giữa Bộ KH&CN và Cơ quan phát triển Bỉ (Enabel) tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11.


TT Tung tai du an BIPP
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định “Tổng kết dự án BIPP khởi đầu cho tương lai”

Tạo “bệ phóng” cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tham dự sự kiện có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, trưởng ban chỉ đạo dự án; ông Paul Jansen – Đại sứ Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam; bà Krista Vertraelen – Đại diện thường trú Cơ quan phát triển Bỉ tại Việt Nam, đồng trưởng ban chỉ đạo dự án; ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN. Đặc biệt, tham dự sự kiện có sự hiện diện của các đại biểu đến từ Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, cơ quan phát triển Bỉ Enabel, các cơ quan quốc tế, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và các đơn vị thụ hưởng của dự án BIPP.

Phát biểu tại Lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Kể từ khi Hiệp định hợp tác KH&CN giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ được ký ngày 25/9/2002 tại Brussels, nhiều dự án nghiên cứu chung giữa 2 nước đã được triển khai trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Công nghệ viễn thám, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ năng lượng tái tạo, chế phẩm sinh học từ nguồn hợp chất thiên nhiên, đa dạng sinh học, nuôi trồng thủy sản bền vững, biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai…Đặc biệt từ năm 2014, Chính phủ Vương quốc Bỉ đã viện trợ vốn ODA khôn hoàn lại cho Việt Nam để triển khai dự án BIPP nhằm giúp xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa ra thị trường thông qua hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Dự án BIPP đã thử nghiệm vận hành mô hình Quỹ hỗ trợ ươm tạo Innofund và thí điểm tài trợ hai mô hình trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ trong viện nghiên cứu và trường đại học để từ đó nhân được các thông tin từ thực tiễn tốt nhất phục vụ cho việc hoạch định chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Qua gần 5 năm triển khai, Dự án BIPP đã hỗ trợ hiệu quả Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển hoạt động ươm tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng cơ bản và tư duy khởi nghiệp vững chắc cho các doanh nhân tương lai; đồng thời hỗ trợ trực tiếp, tích cực đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam trong việc tiếp cận và hội nhập vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.

Ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: Dự án BIPP được thiết kế nhằm cải thiện khung chính sách về ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - một yếu tố cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự án BIPP được Chính phủ Vương quốc Bỉ hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính với 5 năm thực hiện, từ năm 2014 đến tháng 12 năm 2018.

 

ong Tran Dac Hien tai du an BIPP
Ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN báo cáo kết quả chính của Dự án

Dự án BIPP đã hỗ trợ Bộ KH&CN tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cũng như các khách hàng của họ. Những đề xuất cho khung chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ đã được rút ra từ việc thí điểm vận hành hai cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc viện nghiên cứu ở Hà Nội và thuộc trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp (NTBIC) và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa tp. Hồ Chí Minh (HCMUT-TBI), và thông qua thử nghiệm cơ chế quỹ hỗ trợ ươm tạo (quỹ InnoFund) dùng để hỗ trợ một số cơ sở ươm tạo khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, góp phần vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

Ông Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam khẳng định: “Tôi thực sự ấn tượng với sự phát triển hoạt động kinh doanh và sáng tạo KH&CN của Việt Nam. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam”.

Ngai Đại sứ Bỉ du an tong ket BIPP
Ông Paul Jansen – Đại sứ Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ tổng kết dự án BIPP

Ông Paul Jansen chia sẻ thêm: tại Vương quốc Bỉ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là xương sống của nền kinh tế. Việc đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và tăng cường sáng tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng rất cần môi trường pháp lý thuận lợi và văn hóa về chuyển giao công nghệ từ các tổ chức hàn lâm cho lĩnh vực tư nhân. Vương quốc Bỉ có tỷ lệ trường đại học sáng tạo trên đầu người cao nhất tại châu Âu. Điều này giúp tạo ra rất nhiều công ty spin-off mỗi năm. Khoản đầu tư vào đổi mới sáng tạo luôn mang lại nhiều lợi ích ở mọi nơi trên thế giới. Trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam sẽ thu được thành quả từ những hoạt động đầu tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Hỗ trợ chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam

Trong hơn 4 năm qua, dự án BIPP đã đi sâu vào các khía cạnh của hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từ việc phổ biến, phân tích các chính sách hiện hành đến việc xây dựng lộ trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2025, từ thí điểm vận hành cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đến thử nghiệm cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động ươm tạo cho các cơ sở ươm tạo và khách hàng của các cơ sở ươm tạo. Đến nay, tất cả các mục tiêu cụ thể của dự án đều đã đạt được.

Hai mô hình ươm tạo trong trường Đại học và Viện nghiên cứu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Dự án hỗ trợ vận hành thí điểm theo phương thức mới nhằm tạo điều kiện để phát triển một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành và phát triển, cũng như thương mại hóa những thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động ươm tạo. Thông qua thí điểm này, các bài học kinh nghiệm để cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ phát triển bền vững đã được đưa ra. Đối với một cơ sở ươm tạo mới hình thành, những hoạt động quan trọng gồm: nhận diện và lựa chọn các đối tượng ươm tạo tiềm năng, xây dựng và cải thiện hệ thống quản lý, quan hệ công chúng và các hoạt động tiếp thị, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng cổng thông tin và các nguồn lực ươm tạo ảo. Các hoạt động ươm tạo do các cơ sở ươm tạo cung cấp có tác dụng quan trọng trong giai đoạn hiện nay bao gồm: tư vấn và huấn luyện về chuyển giao công nghệ, sản phẩm, đào tạo về quản lý tài chính và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các đối tượng ươm tạo với các nhà đầu tư tiềm năng, hỗ trợ thực thi mô hình kinh doanh và các chiến lược tiếp thị cho các doanh nghiệp đang được ươm tạo. Các sự kiện giao lưu và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do các cơ sở ươm tạo tiến hành bao gồm: ngày hội khởi nghiệp, hội nghị bàn tròn về khởi nghiệp, bản tin trực tuyến, đào tạo Lean startup, hội trại đào tạo về đổi mới tư duy và xây dựng doanh nghiệp.

Thông qua các hoạt động nêu trên, hai cơ sở ươm tạo thí điểm, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (NTBIC) và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc Trường Đại học Bách khoa tp. Hồ Chí Minh (HCMUT-TBI), đã thúc đẩy sự thành lập và phát triển của một số công ty khởi nghiệp về công nghệ, đóng góp thêm vào việc tạo việc làm, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phát triển kinh doanh và các dịch vụ tài chính. 

Quỹ InnoFund là một hợp phần quan trọng của dự án nhằm thử nghiệm một cơ chế quỹ hỗ trợ cho hoạt động tiền ươm tạo và ươm tạo. Quỹ InnoFund đã tài trợ cho 20 dự án với tổng kinh phí tài trợ cho mỗi dự án trung bình là 550 triệu đồng, tương đương 23.400 EURO. Các dự án được nhận tài trợ từ Quỹ Innofund gồm: 10 cơ sở ươm tạo từ các các trường đại học, khu công nghệ cao, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, khu vực tư nhân; 3 nhóm nghiên cứu ươm tạo công nghệ; 5 doanh nghiệp khởi nghiệp; và 2 doanh nghiệp khoa học và công nghệ ươm tạo công nghệ mới. Quỹ InnoFund hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, điều hành để cung cấp các dịch vụ ươm tạo một cách hiệu quả hơn. Đối với các nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp đang được ươm tạo, Quỹ Innofund cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được ươm tạo.

Bên cạnh xây dựng năng lực cung ứng dịch vụ ươm tạo đạt chuẩn, nhằm mục tiêu tạo nền tảng phát triển bền vững cho các cơ sở ươm tạo mới hình thành, trở thành hình mẫu về ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của một số cơ sở ươm tạo có kinh nghiệm, góp phần phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm trong việc thử nghiệm vận hành Quỹ InnoFund cũng đã đưa ra được những kinh nghiêm tốt trên các khía cạnh sau: sổ tay quản lý quỹ cung cấp và hướng dẫn việc lựa chọn, thực hiện, đánh giá các dự án nhận hỗ trợ từ InnoFund; quy trình và tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ; quản lý dự án và cơ chế tài trợ; đánh giá hiệu quả can thiệp ngành.   

Hai hoạt động thí điểm vận hành hai mô hình ươm tạo trong trường Đại học và Viện nghiên cứu, thử nghiệm cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động ươm tạo (Quỹ InnoFund), thông qua hệ thống theo dõi toàn diện, đã được phản ánh vào quá trình phát triển, thực thi và phổ biến chính sách thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Khung pháp lý cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Việt Nam đã được Dự án BIPP phổ biến cho công đồng ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua một ấn phẩm song ngữ. Lộ trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2025 do các chuyên gia Việt Nam và quốc tế xây dựng đã cung cấp những dữ liệu và luận cứ quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách thúc đẩy hoạt động ươm tạo, một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Dự án BIPP còn tạo cơ hội gặp gỡ, thảo luận giữa các bên có liên quan trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam thông qua một loạt hội thảo về xây dựng mạng lưới hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, về hỗ trợ ươm tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên và Gia Lai.

cac dai bieu trao doi tai Du an BIPP
Các đại biểu trao đổi tại dự án BIPP

 

Phát biểu tại Lễ tổng kết dự án, ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, đã đưa ra các bài học kinh nghiệm sau một quá trình triển khai như: Cơ chế tài trợ cho các hoạt động tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN của BIPP là phù hợp với thực tiễn Việt Nam góp phần giảm thiểu rủi ro khởi nghiệp, gia tăng khả năng tồn tại và phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam mới hình thành nên còn nhiều hạn chế. Khung pháp lý và chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo doanh nghiệp vừa thiếu và chưa đồng bộ, cần phải được nghiên cứu để sớm khắc phục. Nhận thức của doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, cá nhân khởi nghiệp về vai trò bà đỡ cũng như các lợi ích của việc ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ và chưa đồng đều; Bản than các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp còn thiếu một chiến lược phát triển bền vững, chương trình hành động mang tính dài hạn, chủ động và tự chủ nên thường gặp rất nhiều khó khăn khi không còn nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước hoặc các nguồn tài trợ khác; Sự phối hợp hiện có giữa chương trình tài trợ của Dự án BIPP với các nội dung hỗ trợ các chương trình KH&CN quốc gia trong cùng lĩnh vực chưa chặt chẽ, cần được điều chỉnh và thực hiện tốt hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài trợ, hỗ trợ.

trao qua cho Bo KHCN tai du an BIPP
Đơn vị thụ hưởng Dự án BIPP tặng quà cho Bộ KH&CN và cơ quan phát triển Bỉ

 

Trao qua cho En bel tai du an BIPP

Theo đó, ông Trần Đắc Hiến đã đưa ra các khuyến nghị: cần tập trung nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; Thúc đẩy việc phát triển đa dạng các mô hình vườm ươm trong các trường đại học, trong doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí 50% từ Nhà nước – 50% đối ứng của doanh nghiệp cho các cơ sở ươm tạo và các dự án ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo; Xây dựng chính sách khuyến nghị thành lập các Quỹ đầu tư, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư để huy động vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư cho hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp. Phần lợi nhuận tạo ra từ Quỹ này sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Có cơ chế miễn giảm thuế thu nhập đối với các Quỹ này như với doanh nghiệp KH&CN.

chup anh luu niem tai BIPP
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ tổng kết dự án BIPP
Ý kiến của bạn

Bình luận