Tổng công ty Thăng Long lấy công nghệ làm lợi thế cạnh tranh

Tác giả: Hoàng thạch

saosaosaosaosao
Doanh nhân 12/02/2016 15:10

Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, những người thợ cầu Thăng Long luôn cần mẫn tô điểm cho đất nước hàng trăm công trình mang tầm vóc quốc gia, đánh đấu sự chuyển mình của đất nước. Mỗi công trình luôn in đậm dấu ấn bàn tay khối óc, sự sáng tạo của người thợ. Họ luôn tiên phong trong việc nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, đưa công nghệ làm cầu hiện đại của thế giới vào Việt Nam. Trong chiến lược phát triển, Tổng công ty Thăng Long luôn coi ứng dụng khoa học công nghệ là đòn bẩy tạo giá trị doanh nghiệp.

20160112_091219
Dự án cầu vượt nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng - công trình đầu tiên Tổng công ty Thăng Long ứng dụng công nghệ cọc vít NS-ECO

 Lấy công nghệ làm lợi thế cạnh tranh

Tổng công ty Thăng Long là một trong những doanh nghiệp lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào các dự án hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Thăng Long đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới của thế giới vào thi công các dự án cầu như: Công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, cọc khoan nhồi đường kính lớn, đúc hẫng cân bằng khẩu độ lớn, dầm bê tông super T khẩu độ lớn… đã được thực hiện thành công tại nhiều dự án như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Kiền, cầu Pá Uôn…, từ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư và Tổng công ty.

Theo KS. Lê Đỗ Khang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long, trong chiến lược phát triển, Tổng công ty luôn chú trọng ứng dụng và phát triển công nghệ mới vào sản xuất. Tổng công ty xác định lấy công nghệ làm lợi thế cạnh tranh, do đó đã tập trung đầu tư vào những công nghệ mới, chủ yếu là tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác là các tổng công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, mà trước mắt là các đối tác Nhật Bản.

Thời gia qua, Tổng công ty Thăng Long và Công ty Nippon steel & Sumitomo Metal đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Một trong những công nghệ đầu tiên mà Thăng Long ứng dụng là công nghệ cọc vít NS-ECO. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác, phía đối tác đã tập huấn và từng bước chuyển giao công nghệ cho Thăng Long. Dự án cầu vượt nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng (Hà Nội) là dự án đầu tiên mà Thăng Long ứng dụng công nghệ này. Bên cạnh công nghệ cọc vít NS-ECO, Tổng công ty đang tiến hành nghiên cứu để tiếp tục đưa một số công nghệ khác vào sản xuất. Hiện tại, Tổng công ty đã thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Hàng năm, Thăng Long thường đưa ra các chỉ tiêu để đánh giá mức độ của ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. 

Đưa công nghệ hiện đại vào làm cầu

Dự án cầu vượt nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng nằm ngay cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, có mật độ giao thông lớn. Việc triển khai thi công dự án này gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thi công chật hẹp, vừa thi công vừa bảo đảm giao thông, từ đó đã đặt ra cho nhà thầu - Tổng công ty Thăng Long bài toán về điều kiện thi công. Trước yêu cầu đó, Thăng Long đã quyết định chọn công nghệ cọc vít NS-ECO vào dự án này, đây cũng là nơi để thợ cầu Thăng Long học hỏi và từng bước làm chủ công nghệ mới.

Cọc vít NS-ECO là cọc ống thép được hàn cánh xoắn ở mũi cọc, giúp dễ dàng thi công, tạo khả năng chịu lực cao và sức kháng nhổ lớn. Trong quá trình thi công, máy chính sẽ xoay cọc và lưỡi cắt ở biên sẽ đào và đóng cọc vào nền đất giống như đóng vít vào gỗ. Cọc vít NS-ECO có thể áp dụng cho cọc đường kính 100 - 1600mm và chiều dày thép từ 6 - 25,4mm, đường kính ống soắn có thể áp dụng từ 1,5 đến 2,0 lần đường kính của cọc ống thép, đường kính cánh xoắn tối đa là 2.400mm, độ sâu xuyên cọc tối đa là 70m; khả năng chịu tải lớn hơn cọc khoan nhồi nhờ vào lưỡi cắt cánh xoắn ở mũi cọc.

Bên cạnh đó, cọc vít NS-ECO có ưu điểm được triển khai thi công trong điều kiện diện tích thi công hẹp, chiều rộng cần thiết cho thi công của cọc vít chỉ khoảng từ 8 - 10m trong trường hợp dùng máy xoay ống vách và chỉ cần 6m nếu dùng loại máy kiểu cột dẫn. Trong khi đó, với công nghệ cọc khoan nhồi thì chiều rộng cần thiết là trên 20m. Bên cạnh đó, công nghệ này sẽ giảm tiếng ồn, độ rung chấn thấp, không gây ô nhiễm môi trường, không có đất thải, không ảnh hưởng đến nước ngầm, giảm thiểu được lượng xe, máy thi công, khả năng thi công nhanh, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án, thân thiện với môi trường. Hiện nay, cọc vít NS-ECO đã được sản xuất tại Việt Nam, từ đó giúp giảm chi phí giá thành cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Ông Fukumura - đại diện Công ty Nippon & Sumikin Enginering cho biết, cọc vít NS-ECO là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay trong xây dựng các công trình giao thông. Hiện nay, ở Nhật Bản, công nghệ NS-ECO được sử dụng rộng rãi làm cọc móng ở các công trình cầu vượt, cầu cạn, móng cho các đường tàu cao tốc ở các đô thị lớn.

20160112_092849

KS. Sawad Takeshi Chỉ huy trưởng công nghệ Công ty Nippon Steel & Sumikin Engineering

 

Thân thiện với môi trường

Công nghệ NS-ECO được Công ty Nippon Steel & Sumikin Engineering nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong các công trình ở Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến. Với đặc điểm thân thiện với môi trường, chúng tôi phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này vì mục tiêu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công nghệ này rất thích hợp với những điều kiện thi công địa hình chật hẹp như các khu đô thị hay đường hầm…

Trong quá trình thi công, khi gặp địa chất phức tạp, mô-men cánh xoắn sẽ báo để có thể thay đổi và kiểm chứng địa chất, từ đó cho phép đưa ra các phương án tối ưu nhất để thay đổi tăng hoặc giảm chiều sâu của cọc khoan, hoặc có thể hàn thêm ống thép để chiều sâu đạt đến độ an toàn - đây là một trong những điểm nổi trội của công nghệ này. Một đặc điểm ưu việt nữa là điều kiện thi công không cần bê tông, do đó không phải chờ thời gian để bê tông đông cứng bởi khi khoan đạt đến nền đất cứng chịu lực thì lập tức có thể thi công các công đoạn tiếp theo.

NS-ECO có dây chuyền thi công rất gọn nhẹ, hiện trường thi công rất sạch sẽ vì không phải đào bới, sử dụng bê tông và các hóa chất liên quan, từ đó giúp thi công cọc NS-ECO được tiển khai nhanh hơn rất nhiều so với các công nghệ khác. Giá thành của công nghệ này làm cho chủ đầu tư, nhà thầu phải cân nhắc. Với đặc điểm công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, khi chuyển giao công nghệ cho Tổng công ty Thăng Long, chúng tôi phải mang máy móc, thiết bị, đội ngũ kỹ sư từ Nhật Bản sang làm cho giá thành có tăng lên. Sau này, khi đội ngũ kỹ sư của Thăng Long có thể làm chủ được công nghệ thì giá thành sẽ hạ xuống, thậm chí còn rẻ hơn so với các công nghệ khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận