Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Vượt chông gai tiến ra biển lớn

Tác giả: Nam Cường

saosaosaosaosao
Doanh nhân 09/02/2019 14:37

Mặc dù thị trường vận tải biển thế giới vẫn còn nhiều khó khăn do giá cước thấp, nhưng khối vận tải biển tăng trưởng cao đã giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đạt được những kết quả khả quan trong năm 2018.

 

vinaline
 

Vận tải biển tăng tốc

Theo báo cáo của Vinalines, năm 2018 tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 13.896 tỷ đồng, bằng 113,5% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 244 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra. Một trong những điểm sáng trong bức tranh Vinalines năm 2018 là sản lượng vận tải biển đạt 24,3 triệu tấn, tăng 13,1% so với kế hoạch; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 97,8 triệu tấn, tăng 10,7% so với năm 2017. Khối cảng biển tiếp tục đạt hiệu quả cao trong hoạt động với tổng lợi nhuận vượt kế hoạch 4,5%, khối vận tải biển đã giảm lỗ đến 70%.

Không ngừng mở rộng thị trường

Nhằm mở rộng thị trường kinh doanh, Tổng công ty đã làm việc với trên 50 đối tác nước ngoài là những hãng tàu lớn, các tuyến vận tải chính, tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, Vinalines đã tham gia các đoàn công tác của Chính phủ tại một số hội nghị cấp cao, ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển trong lĩnh vực cảng biển, chuyển giao công nghệ, đào tạo tại các thị trường: Úc, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…

Cũng trong năm 2018, Vinalines tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường kinh doanh như: Cung ứng chuỗi logistics; cảng SSIT đón tàu container lần đầu tiên của hãng tàu SMC sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng chuyển đổi từ làm hàng rời kết hợp khai thác hàng container; ký kết vận chuyển đường biển hợp đồng COA vận chuyển than, cliker, thạch cao, xi măng tuyến Đông Nam Á; mở nhiều tuyến vận tải: Tuyến container nội Á từ Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh - Hồng Kông; tuyến sà lan Hải Phòng - Việt Trì nhằm vận chuyển đa phương thức và giảm lưu thông đường bộ theo chủ trương của Bộ GTVT; đón các tuyến vận tải lớn trên thế giới tại các cảng biển: Tuyến quốc tế vận tải ACS nối các cảng lớn của châu Á với cảng container quốc tế Cái Lân - CICT; tuyến vận tải TVT1 nối các cảng lớn của châu Á với cảng Hải Phòng; tuyến FAL3 của hãng tàu CMA - CGM nối các cảng lớn châu Mỹ, châu Âu với cảng CMIT; thành lập Trung tâm khai thác container thuộc Tổng công ty trên cơ sở sắp xếp lại đội tàu container từ Công ty Vận tải biển container Vinalines nhằm đón đầu khi thị trường phục hồi và từng bước tham gia thị trường container nội Á.

Bên cạnh đó, Vinalines tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu khối doanh nghiệp vận tải biển, từ đó đã giảm lỗ mạnh (từ lỗ kế hoạch trên 1.000 tỷ đồng xuống 200 tỷ đồng, giảm 31%, trong đó hai doanh nghiệp không còn lỗ. Các doanh nghiệp khối cảng biển và dịch vụ hàng hải thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, quy trình kinh doanh… Trong đó, tập trung tái cơ cấu trong năm 2018 là cảng Hải Phòng, kết quả vượt mức 3,6% chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất, hoàn tất công tác sắp xếp mô hình tổ chức tại các chi nhánh và đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Tổng công ty còn đẩy mạnh tăng cường hợp tác với hãng tàu Wanhai, phát triển thêm 3 tuyến dịch vụ vào cảng, kết nối các thủ tục thông quan điện tử với hải quan và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bến 3, 4 cảng Lạch Huyện.

Song song với đó, hoạt động đầu tư luôn được Tổng công ty chú trọng. Thời gian qua, Vinalines đã đưa vào khai thác các dự án đầu tư cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), cảng Vinalines Hậu Giang, tiếp tục triển khai dự án cảng Vinalines Đình Vũ, thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án cảng Lạch Huyện, cảng Liên Chiểu. Vinalines tiếp tục thoái giảm vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành không hiệu quả để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.Để hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao thì hoạt động quản trị doanh nghiệp phải được quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, Tổng công ty đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai, ứng dụng công cụ quản trị tiên tiến nhằm đổi mới phương thức quản trị và nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, tiếp tục rút ngắn chuẩn hóa các quy trình hoạt động, đặc biệt là chính sách về nhân sự phát triển nguồn nhân lực. Nhằm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động, Tổng công ty đã chào bán cổ phần ra công chúng và đang hoàn thiện những bước cuối cùng của quá trình cổ phần hóa để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần

Ý kiến của bạn

Bình luận