Tọa đàm thân thế, sự nghiệp cố Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Lưu

Tác giả: PV (Tổng hợp)

saosaosaosaosao
Xã hội 29/12/2020 13:24

Tọa đàm "GS.TS Bùi Danh Lưu - Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo tâm huyết của Ngành GTVT" diễn ra tại T/c Môi trường và Đô thị VN, sáng 29/12.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28/8/1935 - 28/8/2020) và 10 năm ngày mất (30/12/2010 - 30/12/2020) của GS.TS Bùi Danh Lưu, cố Bộ trưởng Bộ GTVT.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Việt Nam; Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã và đang công tác tại Bộ GTVT và  thân nhân của cố Bộ trưởng.

Sau gần 3 giờ diễn ra tọa đàm, các ý kiến tham luận đã khắc họa rõ nét hơn hình ảnh GS.TS Bùi Danh Lưu, một vị Bộ trưởng Tài năng, tâm huyết, quyết liệt đổi mới để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phát triển của Ngành GTVT và đất nước.

toadam
Quang cảnh buổi tọa đàm.
toadam1

GS.TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh), sinh ngày 28/8/1935 tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình nho học.

Năm 1953, khi đang là học sinh cấp III (PTTH), ông tham gia Ban vận tải tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, ông về trường học tiếp rồi được điều về Tổng cục Đường sắt làm liên lạc viên, đảm bảo giao thông trong kháng chiến chống Mỹ ở khu IV.

toadam2

Năm 1970, ông được cử sang Tiệp Khắc du học và về nước năm 1976 với tấm bằng Phó Tiến sĩ. Năm 1982 ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GTVT và trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT năm 1986.

Từ Phó Viện trưởng lên Thứ trưởng chỉ trong… 17 ngày!

Một buổi chiều cuối tháng 9/1982, Bộ trưởng Bộ GTVT (khi ấy là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đột xuất đến thăm Viện Kỹ thuật GTVT nơi ông Bùi Danh Lưu đang làm Phó Viện trưởng. Kết thúc buổi làm việc, tướng Đồng Sỹ Nguyên bất ngờ cho gọi ông Bùi Danh Lưu và vị Viên trưởng vào phòng trao đổi về việc sẽ đề đạt một trong hai người giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT. 

Sau đó, TS Bùi Danh Lưu được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật trực thuộc Bộ GTVT. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, chỉ vỏn vẹn 17 ngày sau khi lên chức Vụ trưởng, ông Bùi Danh Lưu lại được lệnh lên gặp và được Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên thông báo Trung ương đã quyết định bổ nhiệm ông  làm Thứ trưởng Bộ GTVT.

Vậy là Bùi Danh Lưu từ Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông vận tải lên Vụ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ GTVT trong thời gian chỉ đúng 17 ngày. Đây được coi là kỉ lục về đề bạt cán bộ công chức của Việt Nam.

“Cha đẻ” cầu Chương Dương

Những năm 80 của thế kỷ 20, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra. Vì vậy, việc dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một. Lúc đó Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên muốn xây dựng một cầu treo và giao cho Viện Viện Kỹ thuật GTVT thiết kế, thực hiện. Tuy nhiên, vị Thứ trưởng trẻ tuổi Bùi Danh Lưu lại đề xuất làm một cây cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ chỉ bằng làm cầu treo.

Ông trực tiếp chỉ đạo công tác thiết kế cây cầu và chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án. Cuối cùng ông đã thuyết phục được Bộ trưởng và Chính phủ phê duyệt dự án và đích thân ông chỉ huy công trình. Người ta kể lại rằng Bùi Danh Lưu đã chỉ đạo chế tác những trụ sắt thép viện trợ quân sự thành những trụ dầm cầu theo một cách sáng tạo rất Việt Nam tức là trên thế giới chả có ai làm như thế cả.

1609209831-gs-ts-bui-danh-luu1
GS.TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” cầu Chương Dương khi có công đầu xây nên cây cầu này.

Ông đã trực tiếp chỉ huy thi công cầu Chương Dương và chỉ sau thời gian ngắn kỷ lục 1 năm 9 tháng, cầu Chương Dương được khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Đến giờ đây vẫn được chiến công hy hữu trong lịch sử.

Cầu Chương Dương là “cú hích” mạnh “giải thoát” cho cầu Long Biên già nua đang oằn mình gánh giao thông cho Hà Nội. Sự sâu sát, quyết liệt của Thứ trưởng Bùi Danh Lưu là động lực không nhỏ thúc đẩy tiến độ công trình.

Cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử với tên tuổi đồng chí Bùi Danh Lưu. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.

Cầu Chương Dương đến bây giờ vẫn được coi là biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường Việt Nam. Theo mục tiêu ban đầu cấp trên nêu ra để thiết kế, nó chỉ cần được sử dụng trong 10 năm là “hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng đến nay sau hơn 30 năm sử dụng, cầu Chương Dương vẫn đang vận hành tốt.

Biết tin lên chức Bộ trưởng qua radio

Tháng 6 năm 1986, sau thành tích xây dựng Cầu Chương Dương, Thư trưởng Bùi Danh Lưu bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Khi đó, ông đang cùng đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế vùng Tây Bắc, nên không hề hay biết việc mình được lên chức Bộ trưởng.

Đến Lai Châu, đêm ngủ ở nhà khách của tỉnh, Thứ trưởng Bùi Danh Lưu cùng anh em trong đoàn công tác chỉ nghe có người nói Bộ GTVT vừa có Bộ trưởng mới. Người đưa tin lại nói Bộ trưởng là một ông họ Bùi gì đó, nhưng vì sóng radio chập chờn nên không nghe rõ. 

Sáng hôm sau, khi xe vừa chuẩn bị chuyển bánh thì một đoàn khách khá đông gồm đủ mặt cán bộ lãnh đạo tỉnh Lai Châu kéo đến. Ông Bí thư tỉnh uỷ ôm bó hoa rất đẹp đến tặng và nói: “Xin chúc mừng tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu”. Tỉnh chúng tôi rất vinh dự được là địa phương đầu tiên đón đồng chí đến thăm trên cương vị mới. Tất cả anh em trong đoàn đều bất ngờ nhưng Bùi Danh Lưu là người bất ngờ nhất.

Về sau, khi kể lại câu chuyện này, chính bản thân GS.TS Bùi Danh Lưu vẫn cười. Ông bảo: "Không thú vị sao được?! Hôm rời Hà Nội, tôi còn là Thứ trưởng; chỉ mấy ngày sau, từ Tây Bắc trở về, tôi đã là Bộ trưởng".

Từ đó, ông liên tục được tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVTBĐ. Thời gian ông giữ chức lên đến 10 năm từ 1986 đến 1996.

Tháng 12 năm 1986 trong Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII. Đặc biệt là khoá VIII, ông không thuộc diện nhân sự Trung ương giới thiệu tái cử, nhưng cơ sở vẫn giới thiệu để bầu và ông vẫn trúng phiếu cao. Trong cuộc bầu cử ngày 19 tháng 4 năm 1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Tháng 12 năm 1987, tại Đại hội thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời (2010).

Ngoài ra, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ trưởng của 11 quyết sách đổi mới toàn diện ngành GTVT

GS.TS Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành GTVT và Bưu điện. Từ khi được cử đi du học trở về nước, trong cương vị Viện phó Viện…, ông đã không ngừng nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn. Ông cũng là người góp công xây dựng nên nhiều công trình giao thông được sử dụng đến tận ngày nay.

Trong những năm làm Thứ trưởng, GS.TS Bùi Danh Lưu là trợ thủ đắc lực của Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên trong nhiều chủ trương và công việc cụ thể thúc đẩy ngành giao thông phát triển. Nhưng đặc biệt, những đóng góp quý giá của Bùi Danh Lưu phải kể đến khi ông làm Bộ trưởng Bộ GTVT gánh trên vai ngành được coi là chủ lực của đất nước.

1609210196-toa-dam-2911

GS.TS Bùi Danh Lưu lên nhậm chức Bộ trưởng vào năm 1986. Đó là thời kỳ đất nước lầm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ngành GTVT cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của dân tộc khi đó, là một bức tranh cực kỳ bi đát.

Trước tình thế đó, để cứu lấy ngành GTVT Bùi Danh Lưu đã có những quyết sách sáng suốt đạt thành quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đưa ra Chương trình 11 điểm phát triển ngành giao thông vận tải.

Trước hết đó là hành động “tự phẫu thuật chính mình” thay đổi lớn về ngành GTVT: Chấm dứt mô hình đơn vị hỗn hợp, tách công tác quản lý khỏi sản xuất kinh doanh khi cho lập các Cục chuyên ngành - hoàn toàn làm công tác quản lý nhà nước và các Tổng công ty kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kinh doanh và nộp tiền cho ngân sách. Quyết sách này tác động mạnh trong toàn ngành. Sau khi tách ra, người và nghề duy tu được trả lại đúng tên, nhiều hoạt động được chấn chỉnh hoặc khôi phục trở lại.

Khi đó, nhiều đường liên thôn liên xã nhỏ hẹp, cầu cống tạm bợ, vẫn còn hơn nghìn xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu trực tiếp phát động Chương trình phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên phạm vi cả nước. Cách làm hợp lòng dân được hầu hết các địa phương hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả cao, cải thiện một bước rất đáng kể bộ mặt giao thông nông thôn. Sau 10 năm ông giữ vai trò Bộ trưởng, đã có thêm gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm.

Chính sách táo bạo thứ hai đó là xã hội hoá kinh doanh vận tải, huy động xe tư nhân tham gia vận tải. Và chỉ trong một thời gian ngắn, tình thế đã đảo ngược, cung cầu từ hụt hẫng nghiêm trọng trở lại cân bằng mà nhân tố quyết định là do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chủ yếu là tư nhân đầu tư phương tiện mới chiếm tỉ trọng lên đến 70 đến 80% tham gia kinh doanh vận tải.

Một quyết sách đúng đắn khác của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đó là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” (thu phí giao thông) để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông. Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án BOT và PPP sau này. Đến nay chúng ta đã rất quen thuộc với việc thu phí giao thông hay cách thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) nhưng vào thời điểm GS.TS Bùi Danh Lưu làm Bộ trưởng điều đó còn rất xa lạ. Những phương sách mới này lúc đó bị phản đối kịch liệt bởi thói quen bao cấp kéo dài.

Hay như quyết sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi tắt đón đầu. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mang tính đột phá được ông đẩy mạnh khiến cho trong thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu mới có hàng loạt cầu lớn đẹp ra đời như cầu Mỹ Thuận, Cầu Phong Châu, Cầu Đò Quan, Cầu Lạc Quần,…

Chương trình 11 điểm của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động giao thông vận tải trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.

Trong suốt 10 năm làm Bộ trưởng, ông đã có rất nhiều những quyết sách đúng đắn tạo ra bước ngoặt, mở đường cho sự phát triển của ngành GTVTBĐ, thoát ra khỏi thế bí để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Với vốn tri thức được đào tạo bài bản, tầm nhìn hơn người, với bản lĩnh và tâm huyết dành cho ngành GTVTBĐ, GS.TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã “vực” ngành giao thông qua khỏi khủng hoảng những năm thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 và bắt đầu có những bước phát triển khởi đầu cho sự bùng phát mạnh mẽ trong thế kỷ sau.

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hàng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ý kiến của bạn

Bình luận