Tổ chức sơ cấp cứu TNGT trên thế giới - khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

12/12/2015 05:49

Tại Việt Nam, TNGT đường bộ là nguyên nhân thứ nhất, chiếm tới 96,5% số vụ, 97,4% số người chết và 98,7% số người bị thương trong tổng số TNGT.

ª ThS. Nguyễn Phương Nam

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

ª GS. Charlie Mock

Đại học Washington (Seattle - Mỹ)

Người phản biện: TS. Nguyễn Đức Chính

Tóm tắt: Tại Việt Nam, TNGT đường bộ là nguyên nhân thứ nhất, chiếm tới 96,5% số vụ, 97,4% số người chết và 98,7% số người bị thương trong tổng số TNGT. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hàng năm có khoảng 9.000 - 10.000 người tử vong do TNGT đường bộ. Rất ít trường hợp nạn nhân TNGT được cấp cứu ngay tại hiện trường, hoặc nếu được cấp cứu thì chất lượng cấp cứu còn kém, chỉ có 5 - 10% nạn nhân trong đó được cấp cứu, khoảng ½ là cấp cứu không đúng.

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là ở Việt Nam chỉ có một số tỉnh, thành phố lớn có trung tâm cấp cứu 115 và các trung tâm này hiện nay mới chỉ đáp ứng được 10% các cuộc gọi cấp cứu tai nạn. Thứ hai là mạng lưới tình nguyện viên (tình nguyện viên chữ thập đỏ, cựu chiến binh…), nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo về cấp cứu tai nạn thương tích và không được trang bị dụng cụ và trang thiết bị cần thiết. Ngoài ra, nhiều người tham gia cấp cứu ban đầu có tâm lý e ngại khi thực hiện cấp cứu do lo ngại liên lụy với các cơ quan luật pháp và bản thân người bị thương. Bằng chứng trên thế giới cho thấy cung cấp chăm sóc chấn thương trước viện đúng và kịp thời có thể giảm 20% - 25% tử vong.

Hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện cơ bản gồm các cấu phần sau:

1. Thông tin

2. Vận chuyển cấp cứu

3. Cấp cứu ban đầu tại hiện trường

4. Chăm sóc nâng cao tại cơ sở y tế

Tùy vào điều kiện kinh tế của từng quốc gia mà việc tổ chức hệ thống cấp cứu khác nhau. Những quốc gia thu nhập cao như Hoa Kỳ tập trung đầu tư đào tạo cho cảnh sát, cứu hỏa, paramedic, nhằm cung cấp sơ cấp cứu ban đầu. Hệ thống thông tin được điều hành trung tâm thông qua tổng đài 911. Hệ thống vận chuyển cấp cứu được liên kết chặt chẽ giữa phương tiện cấp cứu như xe cứu thương, trực thăng cấp cứu với các trung tâm y tế. Một số quốc gia thu nhập thấp như Ghana tập trung đào tạo cho tình nguyện viên cấp cứu như lái xe taxi và cung cấp một số vật tư tiêu hao đơn giản cũng đã cho thấy hiệu quả trong việc cấp cứu nạn nhân TNGT. Sau khi các lái xe dự lớp tập huấn, đã có những cải thiện đáng kể trong loại sơ cấp cứu do họ thực hiện.

Việc xây dựng một hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện trước hết cần một hệ thống pháp luật đầy đủ nhằm cung cấp hỗ trợ và bảo vệ cần thiết cho người tham gia cấp cứu nạn nhân. Bài viết cung cấp kinh nghiệm tổ chức hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số khía cạnh luật pháp nhằm giúp Việt Nam có những định hướng phù hợp để phát triển hệ thống này trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách, sơ cứu tai nạn giao thông.

Abstract: In Viet Nam, road traffic crashes is the leading cause of deaths among all transport fatalities, accounting for 96,5% of incidents, 97,4% number of deaths and 98,7% of the injured. According to the National Traffic Safety Committee (NTSC), annually, there are about 9.000 - 10.000 road fatalities in Viet Nam. Only a small number of victims, about 5% to 10%,  received first aid at site, and if first aid is given, the quality of first aid is poor with half of the cases being done incorrectly.

There are a number of reasons leading to this situation. Firstly, EMS service (115) is only available in a small number of large provinces/cities and can only meet 10% of the call. Secondly, the network of volunteers (red cross, veterans, etc…), village health workers have not been trained on basic first aid and not equipped with basic supply and consumables. On the other hand, many responders are reluctant to provide first aid due to the fear of being involved in proceedings with the authorities and the victims themselves. International evidences have shown that timely and quality prehospital care services can reduce mortalities by 20% - 25%.

A basic prehospital care system comprise the following elements:

1. Information/communication

2. Transportation/referral

3. Basic first aid at site

4. Advanced care at health facility

Depending on the resources available of each country, different levels of prehospital care system can be set up. High income countries like the US focus on training for police, fire fighters, paramedic on basic firs aid. The information system is coordinated through a centralized call center through number 911. The transportation service is linked closely between ambulances, helicopter ambulances and medical centers. Some low income countries such as Ghana focuses training on basic first aid for volunteers such as taxi drivers and provision of basic first aid supplies. This has also shown positive results in the provision of first aid to victims. After trainings, significant improvements have been made on the types of first aid given by them.

A prehospital care system would first require an adequate legal framework to provide support and protection for people providing first aid to victims. This paper provides some examples of prehospital care systems in the world, especially on the legal aspects  in order to help Viet Nam to have appropriate orientation for developing such system in the coming period.

Keywords: The policy, first aid traffic accident.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, TNGT đường bộ là nguyên nhân thứ nhất, chiếm tới 96,5% số vụ, 97,4% số người chết và 98,7% số người bị thương trong tổng số TNGT. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hàng năm có khoảng 9.000 - 10.000 người tử vong do TNGT đường bộ (1).

Rất ít trường hợp nạn nhân TNGT được cấp cứu ngay tại hiện trường, hoặc nếu được cấp cứu thì chất lượng cấp cứu còn kém, chỉ có 5 - 10% nạn nhân trong đó được cấp cứu, khoảng ½ là cấp cứu không đúng (2). Theo nghiên cứu hồi cứu các trường hợp tử vong do TNGT đường bộ ở huyện Từ Liêm - Hà Nội, từ năm 1999 - 2004 do Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện, chỉ có 30% trường hợp được cấp cứu tại hiện trường, trong số đó có 10% được nhân viên y tế cấp cứu (3).

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là ở Việt Nam chỉ có một số tỉnh, thành phố lớn có trung tâm cấp cứu 115 và các trung tâm này hiện nay mới chỉ đáp ứng được 10% các cuộc gọi cấp cứu tai nạn. Thứ hai là mạng lưới tình nguyện viên (tình nguyện viên chữ thập đỏ, cựu chiến binh…), nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo về cấp cứu tai nạn thương tích và không được trang bị dụng cụ và trang thiết bị cần thiết. Ngoài ra, nhiều người tham gia cấp cứu còn có tâm lý e ngại khi thực hiện sơ cứu người bị thương vì sợ liên lụy tới bản thân và cơ quan pháp luật.ý

Bằng chứng trên thế giới cho thấy cung cấp chăm sóc chấn thương trước viện đúng và kịp thời có thể giảm 20% - 25% tử vong (4). Việc xây dựng một hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện hiệu quả sẽ góp phần giảm tỉ lệ người chết và bị thương do TNGT như đã được đề ra trong Chiến lược đảm bảo ATGT đường bộ đến năm 2020.

2. Tổ chức cấp cứu TNGT ở một số quốc gia trên thế giới

Chăm sóc chấn thương trước viện sớm cho nạn nhân trong những giờ đầu tiên có thể góp phần giảm đáng kể mức độ nặng và khả năng tử vong của nạn nhân TNGT. Các cấp độ của hệ thống CSCTTV được mô tả trong Hình 2.1.

hinh21
Hình 2.1

 

2.1. Hệ thống thông tin

Trong hệ thống chăm sóc chấn thương trước bệnh viện, điều phối thông tin về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương đóng vai trò hạt nhân của cả chu trình để phòng tránh tử vong và những di chứng không đáng có cho bệnh nhân.

Hệ thống thông tin của các nước phát triển cho phép người gọi miễn phí nhằm cung cấp thông tin cấp cứu.

Bảng 2.1. Số điện thoại cấp cứu tại một số quốc gia

bang21

 

Thông tin cấp cứu được duy trì liên tục trong suốt quá trình cấp cứu và vận chuyển. Khi có cuộc gọi tới, các cán bộ vận chuyển cấp cứu sau khi được thông tin về tình trạng chấn thương, số lượng bệnh nhân và địa điểm cuộc gọi... nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Trong khi xe cấp cứu đang trên đường, dịch vụ tư vấn và hướng dẫn xử trí cấp cứu tiếp tục thực hiện cho người gọi điện. Ngay cả khi đang ở hiện trường hoặc đang chuyển bệnh nhân đến viện, cán bộ y tế trên xe cứu thương vẫn tiếp tục liên lạc với bệnh viện hoặc trung tâm cấp cứu để đảm bảo rằng mọi nguồn lực cần thiết để cứu chữa bệnh nhân đã sẵn sàng ngay khi tới bệnh viện. Hệ thống định vị toàn cầu hỗ trợ xác định chính xác vị trí gọi đến và địa điểm xe cấp cứu trên đường, từ đó, hỗ trợ công tác vận chuyển trong thời gian ngắn nhất tiếp cận hiện trường và bệnh viện.

Tại các một số quốc gia  tại châu Á, hệ thống thông tin cấp cứu đã được thiết lập, tuy nhiên độ bao phủ còn thấp. Một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và Phillipine có hệ thống thông tin kết hợp giữa y tế, cứu hỏa và cảnh sát cho phép kết nối giữa bệnh viện, dịch vụ cấp cứu và cảnh sát. Việc áp dụng một số thống nhất phục vụ cấp cứu và các dịch vụ khẩn cấp khác giúp người dân dễ liên lạc xin hỗ trợ. Tuy nhiên, việc điều phối thông tin đối với hệ thống này đòi hỏi năng lực phân loại cao, đồng thời việc phối hợp giữa các cơ quan cũng là một vấn đề quan trọng, đặc biệt trong các trường hợp thảm họa.

2.2. Chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện

Các nước có hệ thống cấp cứu phát triển đều có hệ thống pháp luật đầy đủ, đặc biệt là Luật Good Samaritan (GSL) nhằm bảo vệ cho những cá nhân cung cấp hỗ trợ cho người khác đang bị thương, đau yếu hay gặp nguy hiểm hoặc bị mất khả năng (6,7). Sự bảo vệ này nhằm loại bỏ sự lưỡng lự của người đi đường khi giúp đỡ người bị nạn do lo ngại có liên lụy với pháp luật.

Hiện nay, hầu hết các nước châu Âu và Hoa Kỳ đã có luật Good Samaritan bảo vệ người giúp những người bị nạn (8). Trong khu vực, Trung Quốc năm 2013 đã ban hành Luật này nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới cấp cứu trước viện.

2.3. Phát triển mạng lưới sơ cấp cứu trước viện

Theo nghiên cứu của Charlie Mock tại Mê hi cô và Gha-Na, phần lớn tử vong đối với nạn nhân TNTT xảy ra ở giai đoạn trước khi đến bệnh viện. Do vậy, phát triển năng lực cho hệ thông cấp cứu trước viện là cực kỳ cần thiết. Xét điều kiện kinh tế của các nước đang phát triển và mức đầu tư cho y tế (Bảng 2.2), ta thấy việc đầu tư phát triển cấp độ I của hệ thống cấp cứu trước viện là phù hợp.

Bảng 2.2

bang22

 

Kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực phát triển hệ thống cấp cứu trước viện theo mô hình của các nước thu nhập cao đã chứng tỏ không hiệu quả. Malaysia đầu tư phát triển mạng lưới cấp cứu trước viện theo mô hình các nước thu nhập cao tại thủ đô Kuala Lumpur với mức trung bình 2,5 triệu USD một năm.

Hệ thống của Kuala Lumpur tập trung đầu tư vào việc phát triển mạng lưới xe cấp cứu mà không chú trọng phát triển mạng lưới tình nguyện viên. Hiệu quả của hệ thống theo nghiên cứu của Hauswald & Yeoh (1997) cho thấy, chỉ cứu được 7 người. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra việc áp dụng mô hình cấp cứu của các nước thu nhập cao tại những nơi có điều kiện khác chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi.

Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống sơ cấp cứu dựa vào tình nguyện viên được đào tạo cơ bản tại phía Bắc Irac và vùng khai mỏ của Campuchia đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỉ lệ tử vong từ 40% xuống 9%.

3. Bàn luận và kiến nghị

Xây dựng và vận hành hệ thống cấp cứu trước viện hiệu quả có thể góp phần giảm từ 20% đến 25% tỉ lệ tử vong cho nạn nhân. Phát triện hệ thống cấp cứu trước viện cần được dựa trên điều kiện phát triển của quốc gia. Với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, một hệ thống dựa vào mạng lưới tình nguyện viên và các kỹ thuật viên được đào tạo sơ cấp cứu cơ bản có thể góp phần tiếp cận với nạn nhân và cung cấp nhanh các xử trí.

Mặt khác, yếu tố tiên quyết để hệ thống sơ cấp cứu trước viện phát triển là cần có một hệ thống pháp ly đầy đủ nhằm hỗ trợ và bảo vệ những người cung cấp dịch vụ sơ cấp cứu cho nạn nhân. Đồng thời, công tác đào tạo, đào tạo thường xuyên và chế độ đãi ngộ cho công tác sơ cấp cứu ban đầu cũng cần có chính sách phù hợp.

Một hệ thống thông tin thuận lợi và được duy trì thông suốt, liên tục là một phần không thể tách rời của một hệ thống cấp cứu hiệu quả, góp phần giảm thiểu biến chứng và tử vong cho nạn nhân.

Tài liệu tham khảo

[1]. Ủy ban ATGT Quốc gia.

[2]. Nguyễn Đức Chính, Phạm Hải Bằng, Đặng Văn Quế và cs (2006), Nghiên cứu tình hình tử vong liên quan đến tai nạn thương tích tại Bệnh viện Việt Đức trong thời gian 2002 - 2003, Báo cáo toàn văn hội nghị quốc tế Phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[3]. Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Bích Liên và cs (2006), Thực trạng cấp cứu cho bệnh nhân tai nạn thương tích nguy hiểm ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, Báo cáo toàn văn hội nghị quốc tế Phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn. NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[4]. World Health Organization (2006), Pre- hospital trauma care systems, Geneva.

[5]. Chính phủ (19/7/2013), Đề án Tổ chức cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, Hà Nội.

[6]. John T. Pardun (1998), Good Samaritan Laws: A Global Perspective, 20 Loy. L.A. Int’l & Comp. L. Rev. 591.

[7]. Gulam, H. and J. Devereaux (2007), A Brief Primer on Good Samaritan Laws for Healthcare Professionals. Australian Health Review, 31(3): p. 478-482.

[8]. Jaek, F., et al, The Good Samaritan Law Across Europe. 2014  [cited 2015 October 1]; Available from: http://www.daneurope.org/c/document_library/get_file?uuid=c09228f3-a745-480b-9549-d9fc8bbbd535&groupId=10103.

Ý kiến của bạn

Bình luận