TNGT thảm khốc do xe tải: Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Bạn đọc 15/05/2017 05:55

Thời gian qua, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra những vụ xe tải đi ngược chiều, gây tai nạn thảm khốc.

hjteuong
Hiện trường vụ tai nạn trên QL1A đoạn qua thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) ngày 2/5. Ảnh: Nguyễn Thành

Bên cạnh việc lên án hành vi cố tình vi phạm pháp luật, gây hậu quả kinh hoàng của một số tài xế, dư luận không khỏi trăn trở, phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe? Giải pháp nào để ngăn ngừa có hiệu quả những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đó?

Những “tử thần” sau tay lái

Khoảng 17 giờ ngày 2/5, trên QL1A đoạn qua thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), xe tải BKS: 98C - 002.17 do tài xế Đào Mạnh Hà điều khiển, đi ngược chiều với tốc độ cao, đã chèn qua xe máy BKS 12B - 086.35, khiến 2 người thiệt mạng. Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng, ngày 7/5, tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp tục xảy ra một vụ TNGT thảm khốc hơn nhiều. Cụ thể, chiếc xe tải BKS 77C - 139.37 do tài xế Võ Văn Quý điều khiển, chạy ngược chiều với tốc độ 105km/giờ, đã đâm trực diện vào xe khách BKS: 18B - 018.32. Hậu quả 13 người tử vong, 32 người khác bị thương, bản thân tài xế Võ Văn Quý đang rơi vào tình trạng nguy kịch.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ - CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đi ngược chiều của ô tô là từ 800.000 - 1.200.000 đồng; ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng; tước bằng lái từ 1 - 6 tháng. Đây được xem là mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên việc vi phạm, tái phạm gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp diễn.

Nguyên nhân chung của cả 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đều do xe tải chạy ngược chiều với tốc độ cao, đâm trực diện vào phương tiện đang lưu thông theo đúng chiều đường của mình.

Thậm chí, trong vụ TNGT tại Bắc Giang, Ủy ban ATGT Quốc gia còn yêu cầu cơ quan chức năng địa phương làm rõ tình tiết có hay không việc lái xe tải cố ý đâm tử vong 2 nạn nhân. Còn trong vụ TNGT tại Gia Lai, báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam qua trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GPS) cho thấy, xe tải BKS 77C - 139.37 đã chạy trên 100km/giờ suốt 25km, trước khi gây tai nạn.

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Hành vi cố ý đi vào đường ngược chiều với tốc độ cao, gây hại đến tính mạng của bao nhiêu người như vậy là tội ác”. Theo ông Nga, mức phạt hiện áp dụng với hành vi này không đủ sức răn đe, đặc biệt với tài xế xe tải, xe khách. Cần đưa hành vi đi ngược chiều, đặc biệt là trên cao tốc vào danh mục các tội danh phải bị truy tố và phạt tù. “Tội ác cần phải được xét xử và trừng phạt đích đáng chứ không thể chỉ áp dụng biện pháp hành chính, nhắc nhở, cảnh cáo thông thường” - ông Nga chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay có chú trọng đúng mức vào việc hình thành ý thức đạo đức nghề nghiệp của các tài xế không, hay chỉ chạy theo số lượng để sản sinh ra những lái xe “tử thần”, coi thường luật pháp và tính mạng con người?

Giám sát hay thu thập dữ liệu hành trình?

Có một thực tế là, dù trên các xe vận tải đều có lắp đặt thiết bị GPS, nhưng trong các vụ tai nạn, thiết bị này chỉ phát huy mỗi một tác dụng là thu thập dữ liệu, còn vai trò giám sát thì gần như vô hiệu. “Nếu đúng vai trò là thiết bị giám sát thì khi xe tải chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, tín hiệu báo về phải được lực lượng giám sát chuyển hóa thành những thông báo cho lực lượng kiểm soát giao thông trên đường để có biện pháp kịp thời, ngăn chặn những “hung thần” hoặc chí ít là cảnh báo cho người tham gia giao thông tránh né từ xa. Nhưng thực tế, GPS hiện nay vẫn chỉ là chiếc hộp lưu dữ liệu đơn thuần, phục vụ công tác thu thập thông tin khi TNGT đã xảy ra rồi." - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên chỉ rõ và cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này do Bộ GTVT giao cho một nhóm chuyên trách tại Vụ Vận tải quản lý thông tin dữ liệu GPS. "Như vậy là đang làm thay cả Sở GTVT địa phương, cả DN mà hiệu quả đối với công tác đảm bảo ATGT gần như không có” - ông Liên nói.

Về vấn đề này, giới chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GTVT cần phải giao việc theo dõi GPS về cho các Sở GTVT địa phương và các DN để trực tiếp theo dõi, quản lý và có những can thiệp kịp thời khi phát hiện lái xe vi phạm. “Giả sử khi những chiếc xe tải “hung thần” tại Bắc Giang hay Gia Lai vừa bắt đầu vào đường ngược chiều hay chạy quá tốc độ, có tín hiệu GPS báo về để lực lượng kiểm soát giao thông ứng biến kịp thời, rất có thể những vụ TNGT thảm khốc sẽ được ngăn chặn hoặc giảm thiểu thương vong” - Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định.

"Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ xem xét, ký ban hành Công điện về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách, nhằm siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo an toàn của xe khách và xe tải."

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

Ý kiến của bạn

Bình luận