Tình cảm, trách nhiệm trọn vẹn thì sẽ làm tốt nhiệm vụ

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
17/04/2017 19:27

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khi làm việc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.


IMG_6430
Bộ trưởng chủ trì buổi làm việc.

Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã tới thăm và làm việc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm). Tham dự buổi làm việc còn có đại diện các vụ, cục ngành GTVT.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Vũ – Tổng giám đốc Trung tâm cho biết hàng năm, Trung tâm thu nhận và xử lý từ 300 - 500 thông tin báo nạn, cứu và hỗ trợ được hàng nghìn người và hàng chục phương tiện bị nạn trên biển. Năm 2015 Trung tâm đã cứu và hỗ trợ được 859 người bị nạn trên biển, năm 2016 con số này là 932 người. Năm 2017 tính đến ngày 10/4 Trung tâm đã cứu và hỗ trợ được 244 người bị nạn trên biển, trong đó nổi bật là vụ cứu nạn tàu Hải Thành 26 chìm tại vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 28/3. Trong khoảng thời gian 4 ngày Trung tâm và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành tìm kiếm cứu nạn 11 thuyền viên tàu Hải Thành 26 (2 người sống, 9 người chết).

Đồng thời, Trung tâm cũng đề nghị  Bộ trưởng cho phép đầu tư, đóng mới hoặc đề xuất viện trợ nước ngoài 02 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ cho Trung tâm; Thành lập các Trạm tìm kiếm cứu nạn tại các đảo Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc; ưu tiên bố trí vốn xây dựng cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn tại các đảo này; ưu tiên bố trí kinh phí trang bị các thiết bị chuyên dụng dò tìm vật thể dưới nước; Cho phép Trung tâm tham gia sâu, rộng vào các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, diễn tập trong nước, quốc tế liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển; Cho phép Trung tâm xây dựng cơ chế đặc thù báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về vấn đề 2 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đồng ý cho sử dụng phí đảm bảo an toàn hàng hải dư của năm 2016-2017 để đóng 1 tàu tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng đã giao Bộ GTVT thống nhất danh mục, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất và trình Thủ tướng.

Nói sâu hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết Bộ GTVT lập đề án, làm nhiều lần những không được Bộ Tài chính cấp vốn trong đó đã đề nghị đóng 2 tàu, một tàu dùng phí đảm bảo hàng hải dư của năm 2016-2017 dư và một tàu đóng từ nguồn vốn khác. Trong đó, phí dư không chỉ dùng để đóng tàu mà còn dùng để trả các khoản nợ, phần còn lại trong việc đầu tư các dự án cấp bách đảm bảo an toàn hành hải. Kinh phí đóng tàu đã chiếm gần một nửa phí dư.

IMG_6439
Bộ trưởng trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc cứu nạn và tìm kiếm tàu Hải Thành 26-BLC.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải là một lực lượng đặc thù nên cần có những cơ chế đặc thù riêng bởi công việc của họ rất khó khăn, làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Bộ trưởng cho phép Trung tâm xây dựng cơ chế đặc thù riêng, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam và chuyển cho các cơ quan tham mưu như Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Tài chính… nghiên cứu, xem xét tổng thể.

Về kiến nghị đầu tư, đóng mới hoặc đề xuất viện trợ nước ngoài 2 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng đánh giá từ khi có báo cáo của Cục Hàng Hải Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đến nay tiến độ thực hiện quá chậm, không đạt yêu cầu. Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng Hải Việt Nam khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ trưởng sớm.

Về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng công việc của Trung tâm không chỉ mang tính nhân đạo cao mà còn là hình ảnh khẳng định chủ quyền. Khi những người ngư dân, tàu bè quốc tế gặp nạn trên biển mà được cứu nạn kịp thời của Trung tâm có ý nghĩa chính trị rất lớn.

“Công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng cứu nạn là rất đặc thù, vấn đề đào tạo, huấn luyện rất quan trọng, từ sức khoẻ, thể chất cho đến cả giáo dục tư tưởng, đạo đức. Lãng phí lớn nhất là cái gì cũng có nhưng không bao giờ dùng. Một khi đã xác định làm nghề là phải chấp nhận mọi thứ, chấp nhận đi bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thời gian nào. Và làm cứu hộ cần hiểu phương tiện, phải nắm rõ cách cấp cứu người bị nạn, những người bị nạn trên biển so với các lĩnh vực khác thường có sự sống rất mong manh, sự có mặt của lực lượng cứu hộ phải đem lại sự sống, chỉ cần cấp cứu sai là có thể cướp đi sự sống của người bị nạn. Chính vì vậy, lực lượng cứu hộ cần phải lưu ý đến kỹ năng từ những kỹ năng đời thường, tâm linh cho đến kỹ năng nghiệp vụ, mỗi đồng chí phải tự vẹn toàn. Điều này đòi hỏi Trung tâm cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, trao đổi. Tôi nghĩ tình cảm, trách nhiệm của mình thực sự trọn vẹn thì sẽ làm tốt được nhiệm vụ”, Bộ trưởng căn dặn.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập với mọi tình huống nhưng cần phải xây dựng một sơ đồ cụ thể, đánh dấu, chỉ rõ các điểm đen theo từng mức độ và phân bố lực lượng cứu hộ rõ ràng. Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm phải quốc tế hoá, kỹ năng sự dụng phương tiện, thiết bị, ngoại ngữ phải thường xuyên được tập huấn, trau dồi và phối hợp với các trung tâm cứu nạn của các nước lân cận.

Ý kiến của bạn

Bình luận