Tiêu chuẩn chọn cán bộ Đại hội Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/05/2020 06:00

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có việc chuẩn bị nhân sự, chọn lựa, giới thiệu những người để bầu vào cấp ủy là cả một chuỗi công việc được tiến hành theo một quy trình và chuẩn mực nhất định. Chào mừng Đại đội Đảng các cấp, nhân Hội nghị TW lần thứ 12 khóa XII bàn về công tác nhân sự Đại hội XIII và kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Tạp chí GTVT trân trọng giới thiệu bài viết của GS. TS. Mạch Quang Thắng - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để bạn đọc hiểu thêm về tư tưởng vĩ đại của Người.

bh

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 05/9/1960.

Ảnh Tư liệu

Cán bộ nào quan điểm ấy, cán bộ nào đường lối ấy, cán bộ nào phong trào ấy

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2]. Tiêu chuẩn tổng quát nhất về cán bộ cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là cặp chỉnh thể đức - tài. Hiện nay, tiêu chí đức - tài được diễn đạt bằng nhiều cụm từ khác nữa, chẳng hạn: phải vừa có tâm vừa có tầm; hoặc vừa “hồng” vừa “chuyên” (những chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong Di chúc); hoặc vừa có phẩm chất vừa có năng lực.

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp là dịp sinh hoạt chính trị và sự thể hiện tập trung dân chủ cao nhất, rộng rãi nhất, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của các tổ chức Đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có việc chuẩn bị nhân sự, chọn lựa, giới thiệu những người để bầu vào cấp ủy, là cả một chuỗi công việc được tiến hành theo một quy trình và chuẩn mực nhất định.

 (1) Chú trọng những người có đạo đức cách mạng. Đây là yếu tố gốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh khi đề cập quan hệ đức - tài. Có thể có người nói rằng, hiện tại và trong các giai đoạn tới, tài mới là gốc, vì có tài thì trong cơ chế này “quẳng” vào đâu cũng “sống” tốt. Nhận thức này hoàn toàn sai. Trong sự vận hành của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, quan hệ giữa vấn đề đạo đức cách mạng (“đức trị”) và vấn đề thực hiện pháp luật của Nhà nước (“pháp trị”) có quan hệ vô cùng chặt chẽ với nhau. Thực hiện tốt luật pháp cũng tức là có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, và ngược lại, chỉ được coi là có đạo đức cách mạng khi người đó thực hiện tốt pháp luật.

 Đối với yêu cầu về đạo đức cách mạng trong thời gian tới, phải nhấn mạnh tới ít nhất 5 nội dung: 1) Phải trung thành với cách mạng. Điều này không khó để nhận biết qua quá trình nói và làm của người cán bộ trong cuộc sống và công tác. 2) Có sức lôi cuốn tạo sức mạnh đoàn kết trong tập thể. Người cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, luôn luôn phải là hạt nhân của sự đoàn kết trong tập thể tổ chức Đảng, trong cấp ủy, trong một đơn vị và rộng ra là cả ngoài cộng đồng xã hội. Đoàn kết là yếu tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong Di chúc: đó là truyền thống vô cùng quý báu của Đảng và dân ta, do đó từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình. 3) Đạo đức cách mạng cần cả những đức tính trung với Đảng, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. 4) Đạo đức cách mạng cũng đòi hỏi phải tích cực đấu tranh phòng và chống các tiêu cực, trong đó đặc biệt là tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phải phòng và tích cực chống các kiểu “chạy” trong công tác cán bộ. Phải “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”[3], “chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”[4]. Đó là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình và vận động các thành viên gia đình mình thực hiện tốt đường lối, chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước; phải thật sự nêu gương tốt về chấp hành nghị quyết, quy định, điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. 5) Phải có lối sống lành mạnh, không bê tha, phải có “đời tư trong sáng”.

 (2) Chọn được nhân sự có năng lực hoạt động thực tế. Ở đây đòi hỏi cán bộ phải có những năng lực sau: 1) Tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết, quy định, chủ trương, chính sách, biến những nội dung trong các văn kiện đại hội Đảng thành hiện thực trong cuộc sống, tức là biến cái có thể thành sự thực. Muốn thế, cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng, không nên tạo ra một loại cán bộ thụ động, bảo thủ, trì trệ như kiểu thiên lôi chỉ đâu đánh đó. 2) Ở đây, đòi hỏi người cán bộ phải có tầm trí tuệ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Muốn có tầm trí tuệ cao thì phải học tập, học lý luận chính trị và chuyên môn mà người cán bộ đó đang đảm nhiệm, chống tư tưởng lười học; phải tích cực học ở nhà trường, học trong thực tế, học hỏi lẫn nhau, học suốt đời, đặc biệt trong thời đại 4.0, học với động cơ vì sự nghiệp cách mạng chứ không phải học để lấy bằng cấp, lấy chứng chỉ, để tiến thân. Việc học phải tuân thủ mục đích như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở cuốn Sổ vàng truyền thống Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9-1949: Học để làm việc/Làm người/Làm cán bộ/Học để phụng sự Đoàn thể/Phụng sự giai cấp và nhân dân/Phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được phân công, đặc biệt là những nhiệm vụ khó khăn, để rèn luyện trong thực tế với tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, không hoang mang dao động trước mọi tình huống.

 (3) Nhân sự có phong cách công tác tốt. Phong cách tốt ở đây, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải là phong cách làm việc hứng thú, khoa học, tỷ mỉ, chu đáo, cẩn trọng, sâu sát với từng loại việc, trân trọng sức lao động của mọi người, quý trọng thời gian, tiền bạc, phải làm việc có năng suất, chất lượng cao, nghĩa là phải có hiệu quả. Trong phong cách công tác, điều kiện hiện nay cần nhấn mạnh thêm phong cách gần dân, hiểu dân, vì dân, tức là chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền (mất dân chủ), đồng thời phải có trách nhiệm cao trong mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống, mà là từ trong xã hội mà ra; Đảng không có mục đích tự thân mà là vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên thế giới, vì văn minh, tiến bộ của nhân loại. Người cán bộ phải luôn luôn có tinh thần trách nhiệm chăm lo đời sống của nhân dân như trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Cán bộ phải là người tiên phong, tích cực nhất tạo nên uy tín của Đảng, làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vì niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ chính trị ở nước ta chính là tài sản lớn nhất của Đảng cầm quyền, là thước đo cho sự lớn mạnh của Đảng. Mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ chính trị luôn luôn được bồi đắp thông qua nhiều “kênh”, trong đó có “kênh” chất lượng cán bộ.

 Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều kiện ở trong nước, trong Đảng tuy khác  nhiều so với hiện nay, nhưng những quan điểm của Người vẫn có ý nghĩa lớn.

 1) Chú trọng hơn nữa đổi mới việc đánh giá cán bộ. Đây là khâu rất khó trong chuỗi công tác cán bộ. Đánh giá cần dựa vào thực tế phẩm chất năng lực thực của người cán bộ, chứ không thể dựa vào cảm tính của người, của tổ chức mà đánh giá; đồng thời phải sát với hoàn cảnh, điều kiện của từng tổ chức, từng con người, từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng giai đoạn, thời kỳ. Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm xử thế đối với những người làm công tác cán bộ: phải tự biết mình, “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh 1. Tự cao tự đại, 2. Ưa người ta nịnh mình, 3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phạm vào một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông. Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”[5].

 2) Rèn luyện, thử thách cán bộ. Phải đưa người cán bộ vào thực tế cuộc sống công tác, thậm chí đưa vào những vị trí rất khó khăn đòi hỏi người cán bộ đó phải được thử thách nhiều. Ở đây liên quan tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có cả việc việc bồi dưỡng cán bộ qua trường lớp và qua thực tế thử thách của luân chuyển. Việc làm này phải là thực chất chứ không phải là hình thức cho đi luân chuyển để “cho có”. Hồ Chí Minh coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[6]. Học, như quan niệm của Hồ Chí Minh, là để tạo ra đội ngũ cán bộ tốt, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”, “phải đào tạo…cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công”[7].                 

 3) Lựa chọn và đề bạt đúng. Hiện nay, trong Đảng ta vẫn dùng các biện pháp dùng tập thể để giới thiệu, đề nghị (để ra quyết định đề bạt, bổ nhiệm nếu theo chế độ thủ trưởng; hoặc giới thiệu để bầu theo chế độ bầu cử). Thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trách nhiệm và cái uy cũng như tầm nhìn sáng suốt của mình, Người đã giới thiệu để đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử được nhiều người có đức - tài vào giữ trọng trách các cơ quan của bộ máy hệ thống chính trị, kể cả những nhân sĩ trí thức ngoài Đảng. Nay, trong Đảng cũng cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân của người cán bộ đứng đầu trong công tác này, chứ không nên chỉ nặng về mặt kỹ thuật lấy phiếu tín nhiệm của tập thể, tuy rằng lấy phiếu (về mặt kỹ thuật) nói chung cũng rất cần thiết. Không như thế thì người đứng đầu, hoặc nói chung là cấp ủy, khi tham gia quá trình lựa chọn nhân sự thì chỉ có ý nghĩa như chỉ là 1 phiếu cá nhân mà thôi.

 Cán bộ cách mạng cũng là một con người như bao con người khác, cũng nhân bất thập toàn, như Hồ Chí Minh quan niệm: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”[8]; “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”[9]. Khéo dùng cán bộ, theo Hồ Chí Minh, phải tránh những sai lầm sau đây: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”[10]. Muốn thế, “phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi những người mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”[11].

 4) Phải kết hợp cán bộ các lứa tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề cập đến việc phải kết hợp giữa cán bộ già và cán bộ trẻ, còn độ tuổi bao nhiêu là già, bao nhiêu là trẻ thì Người không đề cập, chắc là vì Người tôn trọng yêu cầu thực tế của từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sở trường và sở đoản của hai loại cán bộ này và chú ý tới việc phải sử dụng thật tốt cả hai loại cán bộ này, bổ sung cho nhau những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của từng loại cán bộ.

 5) Phải phòng và chống căn bệnh cục bộ địa phương. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng là một cơ thể sống, do vậy, có thể điều động cán bộ nắm giữ những chức trách trong tổ chức của toàn Đảng, bất kể cán bộ ấy có nguyên quán ở đâu và đang công tác ở ngành gì, miễn là người đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể ở địa bàn đó, ngành đó, cấp đó. Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất là phải kết hợp được cán bộ trên điều về và cán bộ tại chỗ; hai loại cán bộ này hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong thực thi nhiệm vụ; tránh gây mất đoàn kết, kèn cựa địa vị.

 6) Phải chăm lo cho cán bộ. Chăm lo cho cán bộ, đó cũng là một yêu cầu rất quan trọng của công tác cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc”[12], như trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[13]. Thậm chí, Hồ Chí Minh còn cho rằng: “Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc…Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ”[14]. Hồ Chí Minh còn nói rõ thêm: “Thương yêu là giúp họ học tập thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v.”[15], “thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ…Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt là làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen họ, ta phải cho họ hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”[16]. Đối với những cán bộ có sai lầm, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”[17]; “sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”[18].

 7) Phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát quyền lực của cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phải dùng tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, huy động nhân dân thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ. Phải luôn luôn chú ý bồi dưỡng cán bộ, phòng và chống, trong đó phòng là chính, những tiêu cực có thể nảy sinh ở họ sau khi được đề bạt, bổ nhiệm. Phải xử lý kỷ luật thật nghiêm, đúng Điều lệ Đảng và đúng pháp luật của Nhà nước, những cán bộ hư hỏng để vừa để làm trong sạch Đảng, vừa giáo dục chung, vừa răn đe, ngăn ngừa những cán bộ chưa vi phạm kỷ luật.

 Vấn đề quan trọng là cần thiết cấp Trung ương phải quan tâm đến việc đưa ra những quy định về chuẩn bị nhân sự các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các thời kỳ cho thật đúng, tuân thủ những giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hợp thực tế để hướng mọi tổ chức Đảng thực hiện một cách có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, các tổ chức Đảng phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến và cấp Trung ương phải thật sự lắng nghe, có chọn lọc, tiếp thu như tinh thần đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tháng 2/2020 trong cuộc họp Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 khóa XII, tháng 5/2020.

  Xây dựng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị nhân sự  tốt cho đại hổi Đảng các cấp theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải đi liền với phòng và chống các tiêu cực trong công tác này. Đó cũng là một thử thách rất lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, một cuộc cách mạng với những nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang”[19]; đó cũng là “cuộc chiến đấu khổng lồ…chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[20] như Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong Di chúc.

 -----------------------------------

 [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309.

 [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280

 [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H., 2016, tr.47.

 [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.317.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309.

 [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.320.

 [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.314.

 [9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.314.

 [10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.318.

 [11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.319.

 [12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.314.

 [13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611.

 [14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.316.

 [15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.322.

 [16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.323.

 [17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.323.

 [18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.323.

 [19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617.

 [20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617.

Ý kiến của bạn

Bình luận