Thực hiện tốt công tác bảo hộ, an toàn vệ sinh cho người lao động

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 30/05/2018 04:37

Do tính chất đặc thù nghề nghiệp, số lượng người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại trong ngành GTVT là rất cao. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với TS. BS. Phạm Tùng Lâm - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường GTVT.

 

den tang 2
Trung tâm tổ chức khám chữa bệnh cho công nhân lao động tại công trường

PV: Thưa ông, lao động ngành GTVT nói chung và công nhân lao động tại các dự án, công trường thường mắc những vấn đề gì về sức khỏe, đặc biệt là bệnh nghề nghiệp?

TS. BS. Phạm Tùng Lâm: GTVT là một ngành đặc biệt, đa chức năng, đa ngành nghề, vì vậy người lao động GTVT cũng rất đặc biệt, trải khắp mọi miền của tổ quốc từ Bắc tới Nam, từ miền núi hoang vu cho đến hải đảo xa xôi hay trên những con tàu lênh đênh ngoài biển khơi hoặc trên các tàu bay giữa bầu trời để đưa Việt Nam hội nhập với thế giới.

Người lao động trên các dự án, công trường phải làm những công việc rất nặng nhọc, độc hại, vất vả trong môi trường thời tiết rất khắc nghiệt, chính vì vậy rất dễ mắc một số bệnh nghề nghiệp như: Bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh bụi phổi - silic, viêm phế quản mãn tính, sạm da, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân…

Bên cạnh đó, công nhân GTVT lại có đặc thù làm việc lưu động, di chuyển theo các công trình giao thông; làm việc tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên luôn phải tiếp xúc với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm tại các địa phương như sốt rét, sốt xuất huyết...

 PV: Nguyên nhân nào dẫn đến mắc những bệnh nghề nghiệp này và các bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không, thưa ông?

TS. BS. Phạm Tùng Lâm: Lao động ngành GTVT mắc phải những căn bệnh nghề nghiệp này là do thường xuyên làm việc, tiếp xúc với môi trường có tiếng ồn lớn, vượt quá giới hạn cho phép trong thời gian dài tại nơi làm việc; làm việc trong môi trường nhiều loại bụi, bụi chứa silic tự do, bụi hơi khí độc, tia bức xạ, các thiết bị rung xóc nhiều trên các công trường xây dựng ngành GTVT… Điều đáng nói là các bệnh này thường không chữa khỏi, không có khả năng hồi phục.

Trong đó, bệnh bụi phổi - silic là một căn bệnh nguy hiểm. Đây là bệnh xơ hóa phổi không hồi phục, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có các loại thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng, giúp làm giảm, ngừng tiến triển bệnh.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua, ngành GTVT đã có những giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

TS. BS. Phạm Tùng Lâm: Được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian qua Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường GTVT nói riêng và ngành GTVT nói chung đã có nhiều chủ trương, chính sách và hoạt động thiết thực, góp phần không nhỏ nhằm hạn chế tối đa người lao động ngành GTVT bị mắc bệnh nghề nghiệp. Theo đó, thực hiện chức năng và nhiệm vụ đã được Cục Y tế  GTVT (Bộ GTVT) giao cho, Trung tâm đã và đang thực hiện với hiệu quả cao nhất một số hoạt động như: Chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện tốt công tác y tế dự phòng tại cơ sở; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tập huấn an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, quan tâm đến chế độ cho người lao động  trong Ngành.

Trung tâm còn chủ động, tích cực trong công tác khám sức khỏe định kỳ, quan trắc môi trường lao động để kịp thời tư vấn, kiến nghị cho lãnh đạo các đơn vị tại các dự án, công trường từ Bắc vào Nam, từ miền núi cho tới hải đảo nhằm khắc phục, hạn chế, giảm thiểu tối đa bệnh nghề nghiệp cho người lao động và thực hiện tốt chế độ cho người lao động không may bị mắc bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm cũng thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Bộ về những tác động của môi trường lao động ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động ngành GTVT, đặc biệt là những bệnh nghề nghiệp, những bệnh có nguy cơ nghề nghiệp có liên quan, qua đó tham mưu, kiến nghị Bộ GTVT, lãnh đạo các đơn vị khắc phục, cải tiến, hạn chế, giảm thiểu tối đa bệnh nghề nghiệp cho người lao động ngành GTVT.

PV: Thưa ông, để tiếp tục giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho lao động ngành GTVT thì cần có những giải pháp cụ thể nào?

TS. BS. Phạm Tùng Lâm: Trước hết cần có sự quan tâm, thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền, Công đoàn để chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn giúp người lao động nâng cao ý thức, kỷ luật.

Tiếp đó, các đơn vị sử dụng người lao động phải không ngừng nâng cao cải tiến khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư máy móc hiện đại thay thế sức con người trong những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động và phòng tránh các bệnh dịch, bệnh nghề nghiệp.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động để sớm phát hiện bệnh, chữa trị kịp thời.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng. Quan trắc môi trường lao động là công cụ giám sát đắc lực nhất để thu thập, phân tích, đánh giá các yếu  tố  môi trường trong lao động tại nơi làm việc, làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

 PV: Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

TS. BS. Phạm Tùng Lâm: Như đã nói ở trên, hiện nay lao động ngành GTVT rất đặc thù, phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng lao động. Chính từ thực tế này, theo tôi tăng mức tuổi nghỉ hưu là chưa thích hợp và không nên tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động ngành GTVT o

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn

Bình luận