Thực hiện 7 nhóm giải pháp để kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 04/01/2017 15:09

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình để nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông trong năm 2017

 

G0075701_1483515084309_high-01.
Ra quân đảm bảo TTATGT năm 2017 sáng nay (4/1)

TNGT gia tăng do buông lỏng quản lý

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2016 và triển khai công tác năm 2017 được tổ chức sáng nay (4/1), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã biểu dương các Bộ, ngành tổ chức chính trịnh xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT, kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong năm 2016, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 13 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu, Bắc Giang, Long An, Bạc Liêu, Gia Lai, Yên Bái, Quảng Trị, An Giang, Lào Cai, Đăk Nông. Đặc biệt, Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu giảm trên 20% số người chết do TNGT.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhìn nhận, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế 4 hạn chế lớn gồm:

Thứ nhất, mục tiêu giảm số người chết vì TNGT chưa đạt; vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 9 tỉnh tăng trên 10%. Bên cạnh đó, vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, phương tiện thủy nội địa, đường ngang đường sắt gây bức xúc trong dư luận; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ.

Thứ hai, tỷ lệ TNGT liên quan đến xe ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ TNGT do lái xe ô tô gây nên (chiếm 27,07% số vụ TNGT đường bộ, trong khi số ô tô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới); tỷ lệ TNGT do người điều khiển vi phạm phần đường, làn đường vẫn còn ở mức cao, trên 25%; tình hình TTATGT trên các tuyến đường cao tốc vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ ba, còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tái diễn hiện tượng ném đá lên xe ô tô, hiện tượng rải đinh, vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ; một số địa phương vẫn còn tình trạng xe quá niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông.

Thứ tư, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn diễn biến phức tạp trở lại, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm và khi xảy ra mưa ngập; xuất hiện những vụ việc ùn tắc giao thông do người dân tụ tập, tổ chức các hoạt động gây cản trở, ùn tắc giao thông trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm.

 

DSC07819
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân bản chất dẫn đến thực trạng trên xuất phát ở tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về ATGT ở một số đơn vị chức năng. “Tai nạn do lái ô tô gây ra tăng cao, phải chăng do chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy lái xe? Đường thiếu vạch kẻ, ký hiệu, tín hiệu, cảnh báo có phải do buông lỏng khâu tổ chức giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông?... Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp Ủy, đứng đầu chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương vẫn chưa đi vào thực chất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế gồm: hiệu lực và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kém dẫn đến làm mất hình ảnh, uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật; hạn chế về ứng dụng KHCN làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước. Trong khi đó ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp vẫn rất hạn chế, đồng thời, số lượng phương tiện tăng cao vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông, đặc biệt là sự phát triển tràn lan các chung cư cao tầng trong nội thành đã phá vỡ quy hoạch, gây áp lực rất lớn đến TTATGT.

7 nhóm giải pháp trong năm 2017

Trước những mục tiêu lớn về tăng trưởng, phát triển và vươn mình của đất nước trong những năm tới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các Ban ATGT địa phương thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển. Trong năm 2017, mục tiêu đảm bảo TTATGT gồm: giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 gồm: Một là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm TTATGT với trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm TTATGT năm 2017 là "Thường xuyên – Kịp thời - Thực chất- Dứt điểm".

Hai là, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về TTATGT, trong đó cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê ATGT; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT, trong đó chú trọng các khâu: quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện; tuần tra, kiểm soát.

Ba là, tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các điểm đen về ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thuỷ.

Bốn là, đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thuỷ, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm mức phụ thuộc của hàng hoá và hành khách vào vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh; vận tải hành khách công cộng.

DSC07796
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị hữu quan quyết liệt thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Năm là, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm, minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện...

Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân; đặc biệt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến thanh, thiếu nhi.

Bảy là, tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Trước mắt, để bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, thuân tiện trong dịp tết Đinh Dậu, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội xuân năm 2017, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách; điều tiết, chống ùn tắc giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vị phạm TTATGT…

Ý kiến của bạn

Bình luận