Thừa nhận "chặt chém" du khách, chủ tàu Quảng Ninh viết thư xin lỗi

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 03/05/2017 04:37

"Cháu ý thức được rằng, việc thu sai giá vé niêm yết đã khiến chuyến du lịch của chú và gia đình vì thế mà mất vui..."


 

IMG_6632-01-01.
Nội dung bức "tâm thư" xin lỗi du khách của chủ tàu P.H.

Chủ tàu viết "tâm thư" xin lỗi

Nội dung bức “tâm thư” nói lên những lời xin lỗi mà bà B.T.H - chủ tàu P.H (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gửi đến đoàn du khách 8 người – do ông Vũ Văn Thư (trú tại xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm trưởng đoàn bị nhân viên chiếc tàu này thẳng tay “chặt chém” tiền vé tàu, dịch vụ ăn uống và chụp ảnh khi ra thăm vịnh Hạ Long hôm 30/4 vừa qua.

“Lời đầu tiên, cháu xin được gửi tới chúc sức khỏe tới chú Vũ Văn Thư và các thành viên trong gia đình. Thưa chú, hôm 30/4 vừa qua là ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ nên lượng đến với cảng khách Quốc tế Tuần Châu tăng cao, dẫn đến tình trạng cháy vé tàu ra thăm vịnh Hạ Long. Do một phút bộc phát, sốc nổi đã khiến nhân viên của tàu đã tự ý điều chỉnh giá vé, thu của chú 150.000 nghìn đồng/người tiền vé tàu đối với tuyến số 1. Mức thu này hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước. Cháu ý thức được rằng, việc thu sai giá vé niêm yết đã khiến chuyến du lịch của chú và gia đình vì thế mà mất vui. Cháu xin nhận lỗi về sai sót này. Bằng tất cả tinh thần cầu thị, cháu mong được chú tạo mọi điều kiện để tàu được sửa sai, cũng như có trách nhiệm với du khách về việc thu quá  giá vé, ăn uống, chụp ảnh trên tàu. Với số tiền chênh do tàu lạm thu của đoàn, cháu xin phép được hoàn trả lại chú theo đường bưu điện trong thời gian sớm nhất” – bà H. nêu ra trong bức tâm thư.

Chiều ngày 2/5, xác nhận với PV, ông Vũ Văn Thư (54 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết: “người xưa có câu, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Trước thái độ cầu thị, chân thành, dám nhận lỗi của chủ tàu tôi rất vui và chấp nhận lời xin lỗi đó. Biết sai, nhận lỗi và dám chịu trách nhiệm như thế rất đáng được biểu dương, ghi nhận”.

“Theo tôi, để xảy ra tình trạng chặt chém, đè nẹt trên tàu P.H ngoài trách nhiệm chủ tàu thì trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TP Hạ Long, BQL vịnh Hạ Long, lực lượng an ninh Du lịch, Cảng khách quốc tế Tuần Châu…cũng không hề nhỏ. Cần xem xét trách nhiệm của lực lượng chức năng tại cảng khách quốc tế Tuần Châu để ra tình trạng tàu khách đè luật làm càn”, ông Thư nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi qua điện thoại với PV, đại diện Cảng vụ đường Thủy nội địa Quảng Ninh cho rằng: “Việc  cò vé, tăng giá vé, chặt chém khách du lịch là trách nhiệm thuộc về Cảng quốc tế Tuần Châu cũng như BQL vịnh Hạ Long. Cảng vụ chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước như kiểm tra, kiểm soát phương tiện, khi tàu đủ điều kiện an toàn chứ không kiểm soát giá vé, tình hình ANTT tại Cảng”.

unnamed (8)
Tình trạng "cò mồi" chặt chém du khách diễn ra tại cảng khách quốc tế Tuần Châu.

Đại diện Cảng khách quốc tế Tuần Châu thừa nhận: đúng là có tình trạng cò vé hoạt động tại cảng Tuần Châu. Việc chủ tàu áp dựng mức thu 150.000 nghìn đồng/người là trái quy định”. Về việc này, Cảng Tuần Châu xin rút kinh nghiệm và sẽ nghiêm túc chấn chỉnh các bộ phận, đồng thời xử lý xử lý dứt điểm tình trạng cò mồi, chèo kéo, chặt chém du khách”.

Những điều cần lưu ý

“Như bạn biết đấy, vấn nạn chèo kéo,  chặt chém, bám khách du lịch là vấn nạn của không riêng gì các điểm tham quan du lịch ở nước ta. Đặc sản đó để lại  hình ảnh không mấy tốt đẹp về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng. Vấn đề nhức nhối ấy là mối nguy hiểm gây bức xúc đối với du khách. Nhận thức được điều này, trong những ngày đầu mùa du lịch 2017, Cảng khách quốc tế Tuần Châu đã chủ động phối hợp với BQL vịnh Hạ Long, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, Bồ đội Biên Phòng, An ninh du lịch, Cảnh sát biển….ra quân đồng loạt xử lý vi phạm. Việc xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm cũng phần nào giảm bớt được tình trạng cò mồi, chèo kéo, chặt chém du khách khi đến với vinh Hạ Long. Với những gì lịch sử để lại, Cảng quốc tế Tuần Châu đang nỗ lực hết mình, làm tất cả những gì có thể nhất để xây dựng một hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại trong mắt bạn bè trong và ngoài nước”, vị đại diện này nhấn mạnh.

unnamed (7)
Du khách hào hứng chụp ảnh khi tới du lịch vịnh Hạ Long.

Để tránh bị “làm phiền” khi đến thăm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long qua Cảng khách quốc tế Tuần Châu, vị này khuyến cáo du khách:

Một là: Không dừng xe, tiếp chuyện hay tạo điều kiện cho các đối tượng chèo kéo, tiếp thị trực tiếp. 

Hai là: Nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn giá vé, các loại tàu tham quan, quý khách lưu ý không tự thuê tàu từ khu vực ngoài cảng.

Ba là: Chủ động vào phòng giao dịch của nhà ga cảng tàu để được tư vấn, hướng dẫn và giới thiệu về các chuyến đi, điểm thăm quan trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

unnamed (9)
Đại diện cảng khách Quốc tế Tuần Châu cam kết sẽ xóa bỏ triệt để tình trạng chèo kéo, cò mồi hoạt động tại khu vực cảng này trong thời gian tới đây.

Trước đó, trong số ra ngày 30/4, Tạp chí Giao thông điện tử đăng tải bài viết: Ai để "cò vé" lộng hành "chặt chém" khách ở Cảng quốc tế Tuần Châu? Phản ánh tình trạng “cò” vé, nạn chặt chém vé tàu du lịch tại Cảng khách quốc tế Tuần Châu.

Cụ thể, sau khi nhận diện “con mồi”, các “cò vé” tự giới thiệu là người của chủ tàu, áp sát du khách, tạo thành thế gọng kìm để mời chào, ngả giá. Trong sáng ngày 30/4, các đối tượng này liên tục “thổi giá” vé lên cao nhằm ăn chênh lệnh.  

Mức giá được các đối tượng “cò” thu của khách là 150 nghìn đồng/người. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, đối với giá vé tuyến 1 Cảng tàu – công viên Vạn Cảnh được áp dụng cho khách lẻ cả đi và về (vé đã có GTGT và áp dụng cho tất cả các loại tàu) được UBND tỉnh Quang Ninh “niêm yết” là 100.000 đồng/khách.

Đặc biệt, trong các ngày cao điểm, bao gồm thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ hội, mùa du lịch…giá vé khách lẻ không tăng, giữ nguyên mức giá trên.

Nghiêm trọng hơn, nhiều du khách đi trên chiếc tàu P.H bức xúc trước việc thợ chụp ảnh trên tàu đã “ép” du khách 10 tấm ảnh đối một lần chụp. Khi khách du lịch giải thích chỉ lấy 1 kiểu làm kỷ niệm nhưng nhân viên này không đồng ý và tỏ thái độ bức tức, đe nẹt.

Hay việc ăn một con mực khô trên tàu bị “chém” đẹp từ 250 -  300 nghìn đồng. Mức giá này được đánh giá là cao gấp nhiều lần so với giá thị trường và không hề được niêm yết giá cụ thể.

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn

Bình luận