Thu phí không dừng: Mỗi xe chỉ mất 5 giây để qua trạm

Ứng dụng 29/08/2015 11:15

Ngày 26/8, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Lê Quang Hào cho biết, việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) sẽ giúp Chủ đầu tư tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng lực thông qua, hạn chế ùn tắc, mang đến nhiều thuận lợi cho người sử dụng đường bộ và cơ quan quản lý.

 

thu phí không dừng
Ở làn thu phí không dừng, xe chỉ mất khoảng 5 giây để qua trạm,trong khi làn thu phí một dừng, việc bán vé và thu tiền trải qua nhiều thời gian hơn

Cụ thể, theo phân tích của ông Hào, về phía người sử dụng đường bộ, khi qua trạm thu phí người lái xe không phải thực hiện một loạt các thao tác dừng xe tại trạm, xuất trình vé thẻ, thanh toán tiền mặt,… Việc không phải dừng xe và tăng tốc cũng tiết giảm nhiên liệu vận hành, giảm hao mòn phương tiện, bảo vệ môi trường dẫn đến tiết kiệm xã hội.

Về phía cơ quan quản lý khai thác, công nghệ thu phí không dừng cho phép quản lý thu phí tốt hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan (không bị yếu tố chủ quan của con người chi phối); tiết kiệm đáng kể nguồn nhân lực, vật lực so với phương thức thu phí thủ công truyền thống, dẫn đến giảm 10-20% chi phí sản xuất, nhất là kinh phí đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng không lớn hơn nhiều so với hệ thống thu phí truyền thống (chỉ cần lắp đặt thêm bộ nhận dạng xe tự động tại trạm thu phí).

Với những ưu việt như vậy, ông Hào khẳng định, việc xây dựng hệ thống thu phí tự động hóa là xu thế tất yếu của phát triển nhằm nâng cao năng lực thông hành, tiết giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và hạn chế tối đa tổn thất xã hội.

Liên quan đến việc triển khai ứng dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng trên các tuyến cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư, Phó Tổng giám đốc Lê Quang Hào cho biết, VEC đã sớm nghiên cứu ETC để đưa hệ thống vào sử dụng từ thực tiễn áp dụng của các nước tiên tiến trên thế giới và sự giúp đỡ của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như một số ngân hàng trong nước.

Do hệ thống thu phí của đường cao tốc do VEC quản lý có đặc thù riêng - hệ thống thu phí kín tính phí theo chiều dài quãng đường đi của phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, để triển khai một cách đồng bộ hệ thống này, theo ông Hào, cần giải quyết tốt một số vấn đề:

- Hiện nay, việc nhận dạng và phân loại xe chủ yếu bằng thủ công và được hậu kiểm qua hình ảnh. Khi áp dụng công nghệ thu phí tự động, cần có hệ thống tự động nhận dạng xe và phân loại xe chính xác làm cơ sở tính phí. Ở một số nước tiên tiến đã triển khai hệ thống phần mềm nhận diện khá thành công, tuy nhiên do việc phân loại xe theo quy định ở nước ta có một số khác biệt (ví dụ phân biệt theo số ghế trên xe khách), vì vậy hệ thống nhận dạng phải có những điều chỉnh phù hợp và cần có các thử nghiệm đánh giá cụ thể trước khi triển khai đại trà.     

Bên cạnh đó, cần phối hợp với ngân hàng để lập tài khoản trả phí của phương tiện tham gia giao thông và khấu trừ tài khoản tự động. Tuy nhiên, để đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng, khi triển khai hệ thống thu phí tự động, quy trình thanh toán liên ngân hàng phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tiện ích cho người sử dụng. Ngoài ra, trong điều kiện nước ta hiện nay vẫn cần duy trì một số làn áp dụng thu phí theo phương thức truyền thống nhằm phục vụ một bộ phận khách hàng có nhu cầu.

Về thời điểm đưa hệ thống ETC vào áp dụng tại các dự án đường cao tốc của VEC, ông Hào chia sẻ: Hiện nay, các dự án của VEC đã thiết kế hệ thống thu phí tự động và đang bắt đầu triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Trước mắt, trong năm 2016, VEC sẽ đưa hệ thống thu phí tự động áp dụng vào hai tuyến cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm áp dụng của 2 dự án này và tuân thủ chỉ đạo của Bộ GTVT, VEC sẽ triển khai lắp đặt đối với các dự án khác trong thời gian sớm nhất ngay khi điều kiện cho phép.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà ETC mang lại cho người sử dụng và các cơ quan quản lý, nhưng ông Hào cũng đề cập đến 4 trở ngại khi triển khai lắp đặt hệ thống ETC. Trên cơ sở đó, ông Hào cho rằng cần thống nhất công nghệ trên toàn quốc về hệ thống nhận dạng xe và phân loại xe. Nếu không thống nhất công nghệ sẽ dẫn đến phương tiện giao thông phải gắn nhiều thiết bị nhận dạng, tốn kém và bất tiện cho lái xe (thiết bị OBU hoặc E-tag).

Cần xây dựng tài khoản của phương tiện để thu phí tự động. Tài khoản này phải được quản lý theo 5 loại xe theo quy định của Bộ Tài chính. Trong giai đoạn đầu, số lượng xe sử dụng ETC chưa nhiều nên vẫn phải áp dụng song song hai hệ thống ETC và MTC, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý công nghệ như vào làn ETC và ra làn MTC…

Việc thu xếp nguồn vốn hiện nay đối với doanh nghiệp là rất khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư ETC. Đó là chưa kể trong giai đoạn đầu áp dụng hệ thống ETC sẽ chưa thu hút được nhiều phương tiện tham gia giao thông áp dụng, do chủ phương tiện hay chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải bỏ tiền mua thiết bị nhận dạng xe, lập tài khoản xe…

Để khuyến khích các phương tiện sử dụng dịch vụ ETC, ông Hào cho hay, VEC đã nghiên cứu sao cho bảo đảm cân đối lợi ích giữa người sử dụng đường cao tốc và đơn vị phục vụ. Cụ thể là VEC sẽ áp dụng các chính sách linh hoạt đối với chi phí lắp đặt thiết bị trên xe, như sẽ có những xe được cấp thiết bị miễn phí, có trường hợp chủ xe được mua thiết bị với giá ưu đãi, mua trả dần…

Các nước trên thế giới đã và đang áp dụng các hệ thống thu phí tự động, chúng ta không thể đứng ngoài xu thế đó, và đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để kế thừa và phát triển kinh nghiệm của các nước đi trước – Phó Tổng giám đốc Lê Quang Hào khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận