Thông tư 12 "trói chặt" xe hợp đồng, tiến tới "xóa" xe dù bến cóc

Tác giả: Nhóm Pv

saosaosaosaosao
Bạn đọc 05/06/2020 05:50

Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư mới này hướng dẫn thực hiện Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.


IMG_20200604_170040

Thông tư 12 quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

“Trói chặt” xe Hợp đồng

Trong đó có một số nội dung quan trọng đáng chú ý với mục tiêu giải quyết được những vấn đề bất cập mà dư luận đang hết sức quan tâm.

Đáng chú ý, Thông tư 12/2020 giải thích định nghĩa về kinh doanh vận tải trong Nghị định 10/2020 với các nội dung về trực tiếp điều hành lái xe, quyết định giá cước, giải quyết tranh cãi bấy lâu nay các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe chỉ coi mình đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.

Cụ thể, giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Tóm lại, đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định 10/2020.

Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua lệnh vận chuyển là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lệnh vận chuyển để giao nhiệm vụ cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.

Thông tư 12 cũng quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Trong đó có quy định như phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 6 x 20 cm; phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe…

Đáng chú ý để xác định điểm đầu điểm cuối theo bản chất của xe hợp đồng, Thông tư quy định: Điểm đầu (vị trí đón khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được xác định là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.

Kỳ vọng “xóa sổ” xe dù bến cóc

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đi vào cuộc sống sẽ tạo sự bình đẳng giữa các hình thức đơn vị kinh doanh. Các doanh nghiệp có quyền quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, đảm bảo nghĩa vụ thuế của Nhà nước. Thông tư này sẽ hướng đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông và đưa trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông.

gopr2209-1949
Các DN vận tải kỳ vọng, sau khi Nghị định 10 và Thông tư 12 đi vào cuộc sống, sẽ làm tiền đề để "xóa sổ" nạn xe dù, bến cóc hoạt động tại các thành phố lớn.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải DNLA (hãng xe Anh Khoa) cho rằng: "Trước khi có Thông tư mới này, hoạt động vận tải diễn ra khá lộn xộn, xe hợp đồng trá hình chạy như xe khách liên tỉnh (điển hình là xe Limousine trá hình đi vào nội đô).

Ông Khoa hy vọng Thông tư mới sẽ thiết lập lại trật tự vận tải hành khách liên tỉnh, khi xe hợp đồng cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình; không được đặt chỗ qua điện thoại, mỗi chuyến 1 hợp đồng; mỗi tháng không được xuất phát cùng 1 điểm quá 30%; không được dùng văn phòng làm nơi đón, trả khách; phải thông báo từng hợp đồng tới cơ quan quản lý…

Cũng theo Thông tư 12, bên cạnh thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải lắp trên xe kinh doanh vận tải, quy định lắp camera trên xe tải và xe khách để ghi hình lái xe và trên xe nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Việc thêm lắp thêm camera sẽ giúp giám sát nhằm giám sát được tài xế có hành động gây mất ATGT, lực lượng chức năng giám sát các sai phạm của tài xế như: Dừng trả khách sai quy định, chở quá lượng hành khách quy định, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách.

Ủng hộ việc lắp camera trên xe khách, chị Nguyễn Thị Nhung (quê Nam Định, làm việc tại Hà Nội) cho rằng những dịp nghỉ lễ, cuối tuần người dân phải rất vất vả khi về quê. Tình trạng tài xế bắt khách dọc đường nhồi nhét gấp 2-3 lần so với quy định rất phổ biến. Việc lắp đặt camera sẽ ngăn chặn những hành vi vi phạm này, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi khi dịch vụ xe khách ngày càng văn minh hơn" - chị Nhung nói.

xe-khach-1572972194161
 Cũng theo Thông tư 12, bên cạnh thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải lắp trên xe kinh doanh vận tải, quy định lắp camera trên xe tải và xe khách để ghi hình lái xe và trên xe nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Vũ Hà , Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành Công văn số 3214/SGTVT-QLVT về kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu đội ngũ lái xe của đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định về Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là việc chấp hành tốt Nghị định 10 và Thông tư 12.

Các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương tiện đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định. 

Sở GTVT Hà Nội cũng đã công bố công khai danh sách xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại website của Sở GTVT Hà Nội làm cơ sở cho các lực lượng chức năng tra cứu, xử lý vi phạm.

Đối với những phương tiện không tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải (hoặc tạm thời ngừng khai thác), các đơn vị vận tải có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và nộp lại phù hiệu “Xe hợp đồng” về Sở GTVT Hà Nội theo quy định. 

Đồng thời Sở cũng giao Thanh tra giao thông Hà Nội chỉ đạo Đội Thanh tra giao thông các quận, huyện, thị xã và các lực lượng trực thuộc phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát trật tự và chính quyền địa phương chủ động tra cứu dữ liệu danh sách xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” do Sở GTVT Hà Nội cung cấp để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận