Thông tin báo chí cần được kiểm chứng thực tế

21/06/2017 09:14

Thời gian qua, hoạt động báo chí đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng và loại hình, là công cụ tuyên truyền đắc lực các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo nhân dân, góp phần quan trọng trong tiến trình đổi mới của đất nước. Vai trò báo chí ngày càng thể hiện rõ nét trong việc khơi nguồn, phản ánh, định hướng và điều hòa dư luận xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, bình ổn đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, có hiện tượng một số nhà báo, cơ quan báo chí thông tin thiếu khách quan, trung thực, suy diễn chủ quan, áp đặt, nặng về phản ánh những tiêu cực, yếu kém, mặt trái…, xem nhẹ việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những mặt tích cực trong đời sống xã hội... Nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), Tạp chí GTVT đã cuộc phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam để bạn đọc thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong công c

 

ho quan loi
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc phản ánh thông tin của các cơ quan báo chí thời gian qua?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể nói thời gian vừa qua, báo chí đã bám sát tình hình, thông tin kịp thời các vấn đề quan trọng của đất nước, đảm bảo tính định hướng, góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hơn một năm qua, báo chí đã nhanh chóng vào cuộc và ủng hộ mạnh mẽ chương trình hành động của Chính phủ với khẩu hiệu “Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ kiến tạo”, tạo niềm hứng khởi và động lực mới trong hoạt động phát triển kinh tế nước ta. Ngành nào, cấp nào cũng cảm nhận được không khí này, trong đó ngành GTVT - ngành kinh tế có tính chất xương sống là một trong những minh chứng rõ nét nhất.

Thứ hai, báo chí cũng góp phần tích cực xây dựng cơ chế quản lý kinh tế mới. Điều này được thúc đẩy bởi Đại hội XII của Đảng, với tinh thần đổi mới quyết liệt hơn để xây dựng một thể chế, cơ chế điều hành, quản lý, quản trị đất nước ngày càng hiệu quả, từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách, biện pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển và hội nhập.

Thứ ba, bên cạnh việc phát hiện, cỗ vũ các điển hình tiên tiến, tấm gương tốt, báo chí cũng chú trọng, góp phần tích cực vào đấu tranh chống chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tựu chung, thời gian qua báo chí đã phản ánh khá trung thực đời sống đất nước, tạo dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, một thị trường giàu tiềm năng, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, trong đó có giới đầu tư nước ngoài.

PV: Quy định đạo đức nghề báo là sản phẩm của đổi mới và gắn kết với đổi mới, tuy nhiên bên cạnh các đóng góp tích cực thì đã và đang có một bộ phận người làm báo có biểu hiện tiêu cực, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết tôi muốn khẳng định, chúng ta đang có một đội ngũ báo chí rất hùng hậu, trong đó có nhiều nhà báo tiêu biểu, thật sự có tinh thần trách nhiệm xã hội và họ đang hằng ngày, hằng giờ lao động sáng tạo để phục vụ những lợi ích của đất nước, cộng đồng xã hội và người dân. Họ thật sự xứng đáng là những nhà báo cách mạng Việt Nam. Nhiều người đã thể hiện những phẩm chất dấn thân để từ đó làm nên những tác phẩm vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn. Họ là những người làm nghề đáng quý trọng, thể hiện ở 2 phẩm chất: Phẩm chất đạo đức người làm báo và năng lực nghiệp vụ. Đối với tôi, cả hai phẩm chất đều là cốt yếu nhưng trong thời điểm hiện nay, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề thời sự đang được dư luận hết sức quan tâm. Bên cạnh lực lượng đông đảo nhà báo chân chính, vẫn còn một bộ phận những người làm báo, những người mang danh nhà báo có hành vi không chuẩn mực, thậm chí vi phạm cả pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Số người này chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong đội hình hơn 19.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhưng tác hại của những vi phạm này lại rất nghiêm trọng, làm suy giảm uy tín cả nền báo chí Việt Nam, làm tổn thương lòng tự trọng và danh dự của những người làm báo chân chính. Trong số ít này cũng có người là nhà báo, được cấp thẻ nhà báo, nhưng chiếm tỉ lệ lớn là những người chưa được cấp thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều người đang là phóng viên tập sự, cộng tác viên mang danh nhà báo đi hoạt động.

Trước tình hình đó, thời gian qua Hội Nhà báo Việt Nam đã tập trung xây dựng, ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp. 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp được ban hành từ Đại hội 8 năm 2005 đến nay cần phải được chỉnh sửa, đổi mới, hoàn chỉnh vì 3 lý do. Thứ nhất, tình hình quốc tế, đời sống xã hội và đời sống báo chí đã có những đổi thay hết sức sâu sắc. Thứ hai, chúng ta có Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016 - đây là 2 văn bản hết sức cơ bản đối với đất nước và báo chí, nên chúng ta phải chỉnh sửa lại các quy định đạo đức nghề nghiệp để tương thích với Hiến pháp và Luật Báo chí. Thứ ba, thời gian gần đây xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống báo chí liên quan đến đạo đức của người làm nghề.

Ngay sau khi được ban hành, 10 điều quy định về đạo đức người làm báo đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới báo chí và dư luận xã hội, được sự đồng tình cao. Từ đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập và kiện toàn được hệ thống hội đồng xử lý vi phạm về đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương xuống đến các hội để thực hiện thật tốt 10 điều quy định. Hội đồng này được thành lập để kịp thời xử lý nghiêm minh các vi phạm nhưng lãnh đạo Hội Nhà báo chỉ mong không phải xử lý ai cả mà quan trọng nhất là khích lệ, cổ vũ tinh thần làm việc, cống hiến vì lợi ích chung, đồng thời có tính cảnh báo, răn đe, tránh sai phạm.

bao chi

PV: Chúng ta đang hướng đến một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đặc biệt là vấn đề khai thác, trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý thông tin, vậy theo ông những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí là gì để không còn cảnh “sáng đăng chiều gỡ” như hiện nay?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ở đây có 2 vấn đề cần trao đổi, thứ nhất, chúng ta đã có Luật Báo chí 2016 và thứ 2 là 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp. Tại sao đã có luật rồi mà vẫn phải có 10 điều quy định? Bởi vì, dù có cụ thể, chi tiết đến mấy, luật pháp không thể nào bao quát hết được. Có những việc có thể luật pháp không cấm nhưng đạo đức không cho phép. 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp có tính ràng buộc về uy tín và tinh thần. Ở đó, người làm báo đối diện với lương tâm và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước mà cân nhắc, quyết định xem điều mình sắp làm có vì lợi ích chung hay không, hay đang vì vụ lợi, tiếp tay cho những hành động sai trái.

Thứ hai, chúng ta phải gắn kết đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và rèn luyện. 4 khâu này phải nằm trong một quy trình thống nhất, khăng khít. Trong đào tạo, ngoài đào tạo nghề thì không được coi nhẹ giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay. Sau khi ra trường, về các cơ quan báo chí làm việc, người làm báo phải tiếp tục được bồi dưỡng. Hiện tại, Hội Nhà báo Việt Nam có Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hoạt động rất hiệu quả. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức hơn 100 lớp, hàng nghìn hội viên được tham gia các lớp bồi dưỡng.

Sau khi bồi dưỡng, chúng ta phải xem xét đến vấn đề sử dụng các nhà báo như thế nào. Sử dụng phải gắn với quản lý và rèn luyện nhà báo cả về phẩm chất và năng lực. Sử dụng ở đây bao gồm cả việc bổ nhiệm cán bộ, làm sao chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng về phẩm chất và năng lực vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí. Đó phải là những tấm gương trong tập thể cơ quan báo chí đó, những con người thực sự chính trực, công tâm, là đầu tàu xây dựng cơ quan báo chí thành tập thể vững mạnh mà từng nhà báo trong tập thể đó nỗ lực góp sức xây dựng nền báo chí cách mạng dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước, nhân dân.

Ở đây, chúng ta phải nhấn mạnh vai trò tổng biên tập quản lý, nắm chắc được các đầu mối của mình. Những người phụ trách đầu mối phải quản lý được phóng viên của mình, không thể để chuyện phóng viên cả tuần không đến cơ quan, quản lý theo kiểu “ảo”. Công nghệ rất tốt nhưng quản lý “ảo” dễ dẫn đến các thông tin đưa về cũng “ảo”, thiếu kiểm chứng. Hiện tại xuất hiện kiểu nhà báo chỉ làm việc trong phòng máy lạnh, chủ yếu “vợt” thông tin trên mạng, thiếu kiểm chứng. Thông tin đưa ra xã hội phải là thông tin được kiểm chứng thực tế. Báo chí hiện nay có hiện tượng bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận