Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Căng thẳng đổ dồn vào nội đô

13/01/2018 16:36

Năm nay, hơn 100.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội thi tuyển vào lớp 10, tăng 22.000 học sinh so với năm trước. Đáng chú ý, 60% học sinh được học trường công.


tuyen_sinh
Năm nay, hơn 100.000 học sinh lớp 9 Hà Nội thi tuyển vào lớp 10. Trong ảnh, học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 năm học 2017-2018. Ảnh: Ngọc Châu/Tiền Phong.

Áp lực đang đổ dồn vào nội đô bởi số lượng học sinh nội thành hiện cao gấp nhiều lần ngoại thành.

Đua nhau luyện thi

Chị Trần Thị Hà, quận Thanh Xuân, có con học lớp 9 năm nay, chia sẻ: “Con sắp thi mà cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì sốt ruột”.

Theo chị Hà, năng lực của con chỉ đạt khá nên ngay từ đầu năm, gia đình xác định tập trung mọi điều kiện cho con học để đỗ vào một trường top giữa. Vì vậy, ngoài việc học ở trường, tuần 5 buổi, chị chở con đến trung tâm và nhóm lớp để học thêm, không nghỉ thứ 7, chủ nhật.

“Gia đình đang rất lo, nếu không đỗ nguyện vọng nào không biết sẽ cho con học ở đâu, vì chọn trường ngoài công lập có chất lượng rất khó, chưa kể một số trường điểm chuẩn cũng cao”, chị nói.

Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy Văn một trường THCS ở quận Cầu Giấy, cho biết để vào được trường công lập trên địa bàn, mỗi môn Văn, Toán phải đạt 8 điểm trở lên, cộng với học bạ loại giỏi. Do đó, ngay từ khi vào học lớp 9, học sinh rất căng thẳng chạy đua. Tuy trên lớp, giáo viên vừa dạy sâu vừa hệ thống kiến thức nhưng học sinh được cha mẹ cho đi học thêm ở ngoài rất nhiều.

“Nhiều em lên lớp thể hiện sự mệt mỏi vì căng thẳng, thiếu ngủ”, cô Nhung nói.

Cũng theo cô Nhung, hiện nay, nhiều trường THPT ngoài công lập, nhưng cha mẹ học sinh vẫn muốn con có một suất vào trường công vì trường tư tốt thì học phí khá đắt đỏ.

Ngay từ thời điểm này, ngoài việc tập trung học tập, học sinh cũng nên tham khảo ý kiến giáo viên của mình để “nhắm” trường phù hợp. Để an toàn, học sinh nên chọn trường dưới sức một chút sẽ nắm chắc phần thắng. Chỉ những học sinh có năng lực giỏi thực sự mới nên đăng ký vào trường có điểm tuyển sinh top trên.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, cho rằng chỉ khi nào hệ thống các trường nghề đào tạo các ngành nghề sát nhu cầu thực tế, học sinh ra trường có việc làm ngay mới hút được học sinh. Khi đó, học sinh sẽ không bằng mọi giá để có được một suất học trường công lập.

“Vì xét cho cùng, sau 3 năm học THPT, học sinh hoặc là thi vào ĐH hoặc cũng sẽ đi học nghề. Nếu đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, phụ huynh, học sinh sẽ tiết kiệm được nhiều tiền bạc, công sức bỏ ra mà vẫn có một công việc, thu nhập tốt”, bà Nga nói.

Áp lực nội đô

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Cầu Giấy cho biết học sinh lớp 9 năm nay chịu áp lực kinh khủng. Ngay từ đầu năm, trường đã lên kế hoạch ôn tập hai môn thi là Văn và Toán. Cộng với việc xét điểm học bạ nên các môn học khác cũng ép để nâng chất lượng học sinh. Học sinh giỏi được cộng 5 điểm, khá được cộng 3 điểm...

Cùng với đó, hiệu trưởng chỉ đạo các giáo viên phải kiểm tra, kèm cặp học sinh học nghề để cứu cánh vì học nghề có thể cộng mức điểm 1,5. Tuy nhiên, sát thời điểm thi nghề (28/1 tới) thì lại có tin, năm nay không cộng điểm nghề khiến học sinh, phụ huynh càng lo lắng.

Theo hiệu trưởng này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng sẽ đảm bảo 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này tính chung toàn Hà Nội. Trong khi, các trường ngoại thành có điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp, tỷ lệ có khi là 100%, còn ở Cầu Giấy, số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 đông trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của 2 trường THPT công lập lại thấp.

Bà ví dụ, “năm ngoái, cả hai trường THPT Yên Hòa và THPT Cầu Giấy có chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 960 học sinh, trong khi số lượng học sinh thực tế trên địa bàn gấp nhiều lần con số đó. Vì thế áp lực lên học sinh vô cùng lớn”, hiệu trưởng này nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết năm nay, 4.436 học sinh lớp 9 trên địa bàn sẽ thi tuyển vào lớp 10, tăng 1.000 em so với năm trước. Tuy nhiên, Hà Đông hiện có 18 trường công lập, do đó sẽ đảm bảo được khoảng 65% học sinh vào học trường công.

“Tuy số lượng học sinh tăng, thực tế có nhiều trường nên học sinh ở địa bàn không chịu nhiều áp lực so với năm ngoái”, bà Hằng nói.

Ông Trần Văn Đạo, Hiệu trưởng trường THCS Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cũng xác nhận việc học sinh ôn luyện vào lớp 10 năm nay không gặp áp lực bởi các trường THPT trên địa bàn có chỉ tiêu tuyển sinh sát với số học sinh lớp 9 năm nay.

Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đang hướng dẫn các trường THPT rà soát cơ sở vật chất và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, các trường THPT chưa có chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể. Tuy nhiên, như những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh các trường thường căn cứ vào lượng học sinh lớp 12 ra trường năm nay.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm trước, Hà Nội phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh ở khu vực nào được đăng ký NV1, NV2 vào khu vực tuyển sinh đó. Lựa chọn nguyện vọng nào là quyền của thí sinh nhưng các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên tham khảo điểm tuyển sinh của các năm trước để lượng sức mình. Đồng thời, xác định nguyện vọng thuận tiện cho việc đi lại.

Ý kiến của bạn

Bình luận