Thị trường xăng dầu sẽ mở hơn cho nhà đầu tư ngoại

Doanh nghiệp 25/12/2019 05:07

Thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng tối đa 34% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, theo Dự thảo Nghị định 83.

 

nhan-vien-IQ8-xang-dau-Thu-3377-1577160464
Nhân viên trạm xăng của IQ8 tại Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội chuẩn bị đổ xăng cho khách hàng. Ảnh: H.Thu

Dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến với mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân; cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường này.

Thực tế ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường xăng dầu và sở hữu vốn tại các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam, như: JX Nippon Oil & Enegry sở hữu 103,53 triệu cổ phiếu (khoảng 8%) tại Petrolimex và muốn tăng tỷ lệ này lên 20%... 

Ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, tới giờ Idemitsu Q8 gần như là nhà đầu tư ngoại duy nhất được cấp phép gia nhập thị trường. Cửa hàng đầu tiên của doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2017, đến nay có 4 cửa hàng và tập trung ở các khu công nghiệp, vùng ven các tỉnh, thành. Idemitsu Q8 đặt mục tiêu có 10 cửa hàng nữa vào năm 2020.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, dù còn lo ngại về an ninh năng lượng thì cũng không thể ngăn được xu thế ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại muốn tham gia thị trường này. Việc sửa Nghị định 83 theo hướng mở cửa hơn cho các nhà đầu tư ngoại ở lĩnh vực bán lẻ, theo ông, sẽ giúp thị trường sôi động, cạnh tranh và người tiêu dùng thêm lựa chọn. Ở chiều ngược lại, ông lưu ý, xăng dầu liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia, nên việc mở cửa "là cần thiết, nhưng phải tính toán cẩn trọng". 

Về điểm này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, dự thảo đưa ra quy định để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu, đặc biệt ở khâu phân phối bán lẻ, song vẫn phải trên nguyên tắc Nhà nước phải nắm quyền chi phối.

Cũng theo Bộ Công Thương, với các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, quy định mới sẽ bổ sung quy định dự trữ bắt buộc và kiểm soát, quản lý đối tượng này từ quá trình tái chế rác thải. Điều này nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. 

Bộ này cũng tính tới việc cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini đã được kiểm định tại vùng sâu, vùng xa để bảo đảm nguồn cung xăng dầu. 

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 83 cũng tính tới sửa cách tính giá cơ sở xăng dầu dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ nguồn trong nước và nhập khẩu.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cách tính giá cơ sở theo Nghị định 83 hiện nay là dựa vào nguồn nhập khẩu, bởi cách đây 5 năm cơ cấu về nguồn xăng dầu tới 70% là nhập khẩu. Sản lượng xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thu điều tiết và có giá bán tương đương xăng dầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ cấu nguồn hiện đã thay đổi với tỷ lệ sản xuất trong nước chiếm 70-75%; lượng doanh nghiệp đầu mối tăng và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); những thay đổi về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt...

Vì thế, ông Đông cho biết, công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu, xác định thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá. Giá này sẽ là cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh giá vẫn được nhà điều hành giữ 15 ngày, như hiện tại. 

Ý kiến của bạn

Bình luận