Thị trường vận tải hàng không: Cơ hội và thách thức

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 21/03/2017 09:52

Sự phát triển của hàng không giá rẻ bên cạnh hãng hàng không truyền thống góp phần biến ước mơ được bay lên bầu trời của nhiều người trở thành hiện thực. Có thể nói thị trường vận tải hàng không đang có nhiều tiềm năng phát triển song cũng đặt ra nhiều thách thức.

 

2
Các hãng hàng không truyền thống đang phải cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần vận tải hàng không

BÙNG NỔ THỊ TRƯỜNG HÀNG KHÔNG GIÁ RẺ

Năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 52,2 triệu lượt khách, tăng trên 29% so năm 2015. Đây là bước đột phá của ngành Hàng không và các hãng hàng không của Việt Nam cũng đã tận dụng triệt để cơ hội này, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air và Jetstar Pacific. Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ tăng mạnh trong năm 2016. Riêng thị trường nội địa đã có xấp xỉ khoảng 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay nội địa.

Sự thành công của các hãng hàng không giá rẻ trước hết là yếu tố về giá. Giờ đây đi máy bay không còn là điều xa xỉ mà đã trở thành phương tiện phổ biến với ưu thế về thời gian. Thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mại với mức giá hấp dẫn, có khi là 0 đồng, các hãng hàng không giá rẻ đã tạo một “cơn sóng mới” cho sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không truyền thống khác.

Đối với hàng hàng không giá rẻ thì phát huy công suất bay tối đa là việc sống còn của hãng vì càng bay đúng giờ thì hãng càng thu được nhiều lợi nhuận. Máy bay khai thác bị chậm thì hãng sẽ bị thiệt hại. Hành khách đi máy bay giá rẻ sẽ chấp nhận sự cắt giảm tối đa trên máy bay mà chỉ phải trả những dịch vụ mà hành khách sử dụng. Trước đây, các hãng hàng không giá rẻ thường bay tới những sân bay nhỏ để giảm chi phí mặt đất. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Việt Nam… đã mở cửa ga dành riêng cho các hãng hàng không giá rẻ và cung cấp cơ sở vật chất cơ bản, điều đó khiến hàng khách vẫn cảm thấy được phục vụ chu đáo.

SỰ CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Theo các chuyên gia hàng không, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa mô hình kinh doanh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Lợi thế sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả, tiết kiệm với bộ máy tinh gọn.

Các hãng hàng không đua nhau về giá vé dẫn đến một cuộc chiến về giá cả với các hãng giá rẻ (LCC - low-cost carrier). Các LCC đều cắt bỏ một số dịch vụ không cần thiết nhằm hạ giá vé. Tuy vậy, cuộc chiến LCC hết sức gay gắt: Air Asia đã từng tuyên bố cắt bỏ phụ thu nhiên liệu và chỉ sử dụng một loại máy bay để cắt giảm chi phí đào tạo đội bay, như vậy sẽ giúp giá vé sẽ được giảm hơn. Mô hình chung của tất cả LCC là cắt giảm một số dịch vụ như ăn uống, báo chí, thông tin giải trí nhằm hạ chi phí đến mức thấp nhất có thể. Tiger Airway đã tận dụng tần suất sân bay nên một ngày có thể bay rất nhiều giờ, do đó hãng này cạnh tranh bằng số lượng chuyến bay, khiến giá vé được giảm hơn.

Đa số các hãng đều mạnh tay khuyến mại giá vé bằng 0 đồng với các chuyến bay đi tới các nước mà LCC có đặt trụ sở, khách hàng chỉ cần trả phụ thu nhiên liệu và thuế sân bay.

Mặt khác, các LCC luôn cạnh tranh về giá trị gia tăng như Cebu Pacific cho khách hàng có thể lựa chọn chỗ ngồi, cho phép đặt vé du lịch để được hưởng ưu đãi cả vé lẫn khách sạn hay Lion Air tuy là LCC nhưng lại định ghế cho hạng thương gia và phổ thông.

Các hãng hàng không truyền thống với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi cho đến phong cách phục vụ đã trở thành tôn chỉ hoạt động. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không giá rẻ, các hãng này cũng đua nhau cạnh tranh bằng nhiều phương thức. Các giải pháp cạnh tranh chủ yếu là về giá nhưng có một số hãng lại “đẻ” ra các LCC. Các hãng hàng không truyền thống vốn đã có ghế cho hạng thương gia, hạng nhất, các ghế còn lại là bình dân, vậy nên chỉ cần giảm giá cho số ghế bình dân cũng đủ cho các hãng hàng không giá rẻ phải đau đầu tìm cách “đối phó”.

Hàng không giá rẻ ra đời như một sự bùng nổ đối với ngành công nghiệp hàng không thế giới, bắt đầu từ Bắc Mỹ lan rộng sang châu Âu, Úc và châu Á. Chỉ trong vòng hơn 5 thập kỷ, nó đã trở nên lớn mạnh và trở thành đối trọng của các hãng hàng không truyền thống có tuổi đời và uy tín. Trái ngược với tình cảnh nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới phải cắt giảm chi phí và tần suất bay để đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, các hãng hàng không giá rẻ lại đang đẩy mạnh hoạt động và mua máy bay mới với tham vọng gia tăng thị phần trong “miếng bành” ngành Hàng không toàn cầu.

Một lãnh đạo của Vietnam Airlines phải thừa nhận, sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các cú giá siêu rẻ... khiến hãng mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn gần đây, buộc hãng cũng phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Dự báo tới đây, cuộc “so găng” giữa hai mô hình hàng không truyền thống và giá rẻ mà điển hình là Vietnam Airlines với VietjetAir sẽ ngày càng quyết liệt hơn nữa.

1_1
Sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ thúc đẩy thị trường hàng không song cũng đặt ra không ít thách thức

ĐẶT RA NHIỀU THÁCH THỨC

Đối với ngành Hàng không, nhân lực là yếu tố đặc thù bởi để đào tạo được một phi công thì chi phí bỏ ra rất tốn kém nên lực lượng nhân sự này chủ yếu phải thuê nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế, có hãng phải thuê đến 90% phi công người nước ngoài. Do thiếu hụt nguồn nhân lực nên đã có hiện tượng hãng hàng không này “chèo kéo” người của hãng hàng không khác.

Ngành Hàng không dân dụng đang phát triển với tốc độ rất nhanh, một số hãng đang phát triển “nóng” dẫn đến sự chuẩn bị chưa đầy đủ, nguồn nhân lực phi công hay thợ kỹ thuật tàu bay thiếu, không đáp ứng kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các đội tàu bay và các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ. Đây cũng là thách thức lớn đối với hàng không Việt Nam.

Theo chiến lược phát triển ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đáp ứng đủ lực lượng lao động, đặc biệt là phấn đấu đáp ứng đủ 100% nhu cầu về phi công, tự bảo đảm quản lý, khai thác, bảo dưỡng và đáp ứng phần lớn nhu cầu về sửa chữa các trang thiết bị chuyên ngành. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với công tác đào tạo, huấn luyện chuyên ngành Hàng không.

Sự bùng nổ các hãng hàng không, trong đó có hàng không giá rẻ dẫn tới vấn đề hạ tầng không đáp ứng đủ. Sự phát triển về số lượng tàu bay hiện đang xung đột với tốc độ phát triển hạ tầng hàng không. Đặc biệt, dự báo nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay, nhất là tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Như vậy, rõràng thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi có sự tham gia của nhiều hãng hàng không khác bên cạnh hãng hàng không truyền thống. Sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ mang lại nhiều sự lựa chọn cho người dân khi đi máy bay nhưng kéo theo đó là không ít những tồn tại, đòi hỏi việc quản lý, điều hành của các cấp, các ngành chức năng phải linh hoạt và phù hợp

Ý kiến của bạn

Bình luận