Thị trường ô tô Mỹ 2017: Khởi đầu của sự lao dốc?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 05/12/2017 15:09

Năm suy giảm đầu tiên kể từ khi thời kỳ đại suy thoái (2007 – 2012) chấm dứt.

 

photo1512457981733-1512457982559
Phân khúc SUV/Crossover đang ngày được ưa chuộng nhiều hơn Doanh số ổn nhưng không ấn tượng trong tháng 11 gần như đã định đoạt số phận thị trường ô tô tại Mỹ trong năm 2017

Dù nhìn tổng thể doanh số toàn thị trường vẫn gần sát mốc kỷ lục thiết lập trong năm 2016, đồng thời lợi nhuận của các hãng xe vẫn không sụt giảm là bao khi các dòng xe ít lợi nhuận như sedan nhường chỗ cho các dòng có tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu lớn như SUV/crossover/bán tải, thế nhưng có nhiều lý do để tin vào việc người tiêu dùng sẽ ngày càng không mặn mà với việc mua xe mới.

Thị phần của dòng sedan, dù trước đó đứng số 1 với khoảng cách tưởng như không thể bị san lấp tại Mỹ, nay đã phải nhường ngôi cho dòng bán tải và cũng đang bị phân khúc SUV/crossover đe dọa. Chẳng nói đâu xa, ngay tại triển lãm Los Angeles đang diễn ra, các mẫu xe mới ra mắt hầu hết thuộc phân khúc trên chẳng hạn như Kona (Hyundai), Ascent (Subaru) hay Wrangler (Jeep). Trong khi đó, không phải thương hiệu nào cũng thích nghi nhanh chóng với sự chuyển đổi này, chẳng hạn như Hyundai.

Trong tháng 11, thị trường Mỹ bất ngờ đạt mốc tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 1,39 triệu xe bán ra. Sở dĩ điều này xảy ra là vì phân khúc sedan tăng trở lại (+1,1%) sau một thời gian dài tuột dốc thê thảm. Honda, nhờ đội hình sản phẩm mạnh mẽ ở phân khúc SUV/Crossover (CR-V) đạt mức tăng lớn nhất tháng (8,3%). Ford theo sát với 7%. Ở chiều ngược lại, 2 trong số 3 tập đoàn xe lớn nhất thế giới là GM và Toyota đều sở hữu chung mức giảm xấp xỉ 3%. Tính từ đầu năm 2017 tới nay, doanh số toàn thị trường giảm nhẹ 1,4%.

Quay trở lại những yếu tố có thể ngăn cản thị trường Mỹ tăng trưởng trở lại. Đầu tiên, các hãng xe tại đây đang quá dựa dẫm vào các chương trình giảm giá (tình trạng y hệt thị trường Việt Nam hiện tại), điều rất có thể sẽ gây ra các tác động tiêu cực khi họ quyết định ngừng khuyến mãi. Hãng xe hạ giá, đại lý hạ giá lần 2, hạ giá dịp cuối năm... tất cả góp phần vào một quý IV tăng trưởng trở lại sau khởi đầu năm 2017 không mấy thành công nhưng cần hiểu sự tăng trưởng này không hề bền vững.

Các thông số bán xe, giá xe trung bình... vì thế cũng đều ở dạng "ảo", không phản ánh đúng bản chất thị trường Mỹ hiện tại. Nếu không có 2 trận siêu bão diễn ra vào quý III vừa qua khiến hư hỏng một lượng lớn xe cộ, lượng xe bán ra tại đây chắc chắn thấp hơn. Ngay cả khi nền kinh tế quốc gia này đang hồi phục trở lại, cũng không có nhiều người tiêu dùng có thể thoải mái chi tiêu để mua một chiếc xe mới với giá trung bình (tính đến tháng 11) lên tới 35.870 USD.

Lại nhắc tới vấn đề xe mới. Ngày càng có nhiều người Mỹ chọn mua xe cũ – các dòng xe được chính người tiêu dùng (hoặc chính họ) thuê trong giai đoạn 2-3 năm để sử dụng ngắn hạn với giá vài trăm USD/tháng. Đây là lựa chọn cực ổn trong giai đoạn tài chính khó khăn vì những lợi ích mà nó đem lại. Bạn không phải lo xe mình mất giá, không phải lo lắng quá nhiều về việc mua bảo hiểm... do nó nằm trong điều khoản của các doanh nghiệp cho thuê xe. Nhóm đối tượng này đang tăng dần lên từng ngày và có ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số các hãng xe.

Sự phát triển của các dịch vụ đi nhờ xe hoặc cho thuê xe cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số.

Một lựa chọn khác cũng khả dĩ không kém là các dịch vụ chia sẻ/đi nhờ xe với độ tiện dụng tăng dần trong khi giá thành ngày càng giảm vì tính cạnh tranh. Tại Mỹ, Uber, Lyft hay chính dịch vụ chia sẻ xe được từng hãng xe giới thiệu đang có hàng chục triệu người dùng mỗi năm với con số người dùng hàng ngày không hề nhỏ. Khuyết điểm duy nhất và lớn nhất của loại hình này có lẽ là trong trường hợp khẩn cấp mà thôi.

Với đà phát triển hiện tại, các chuyên gia dự đoán trong vài năm nữa thị trường ô tô ở Mỹ sẽ dừng ở mức bão hòa, rơi vào khoảng 15,5 tới 16 triệu xe/năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận