Thi công ga đường sắt, công nhân "dội" tia lửa hàn xuống đầu người dân

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Xã hội 24/12/2019 03:43

Mặc dù đang giờ cao điểm, tuy nhiên, đơn vị thi công đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội vẫn tiến hành hàn xì mà không có biện pháp đảm bảo an toàn, khiến tia lửa rơi lả tả xuống đường, gây nguy cơ hoả hoạn, mất an toàn giao thông.


Sự việc trên xảy ra vào khoảng 16h30 chiều ngày 23.12, tại công trường nhà ga Nhổn, bên phía làn đường lưu thông theo hướng Nhổn – Hồ Tùng Mậu.

Anh Hùng sống gần hiện trường vụ việc thuật lại: Lúc đó, khi di chuyển khu vực ga Nhổn thuộc phường Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đối diện Đại học Công nghiệp thì thấy xuất hiện hiện tượng tia lửa rơi từ trên trời xuống khiến người đi đường giật thót mình.

“Tại thời điểm đó, tôi thấy một số công nhân của đơn vị thi công Dự án đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội đang tiến hành hàn xì, ghép nối vật liệu thép trên cao”, anh Hùng cho biết.

Cũng theo anh Hùng, lúc xảy ra vụ việc, đơn vị thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn khi không che chắn, dẫn đến tia lửa từ việc hàn xì rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc này kéo dài trong hàng giờ đồng hồ, khiến cho người tham gia giao thông vô cùng bức xúc.

received_823202518094003.
Tia lửa rơi xuống đầu người tham gia giao thông (đoạn đối diện Đại học Công nghiệp, phường Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm) khiến nhiều người hú vía.

Đây không phải là lần đầu tiên tại công trường Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, khiến người đi đường nhiều phen hú vía, mà trước đó đã có nhiều trường hợp xảy ra tương tự.

Được biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.

Khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng đến nay dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành toàn tuyến đến năm 2022.

Ý kiến của bạn

Bình luận