Thế khó của công ty Việt khi khai thác tour không có đường bay thẳng

Du lịch 18/03/2019 12:27

Việc không có đường bay tiện lợi khiến công ty lữ hành phải tăng giá tour, kéo dài thời gian của hành trình.


 

787-1-1813-1432721470-9574-143-8444-4496-155280554
Việc mở thêm đường bay phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, chính sách và một số điều kiện phức tạp.

Du lịch Việt Nam đang đạt được nhiều thành tựu và đứng trước không ít cơ hội tốt. Bên cạnh lượt khách quốc tế tăng kỷ lục, các công ty lữ hành cho biết nhu cầu du lịch nước ngoài cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.  

Bà Trần Bảo Thu, đại diện công ty Fiditour, cho biết hiện tại công ty phục vụ khoảng 100 tuyến điểm cố định. Trung bình mỗi năm, đơn vị đều giới thiệu thêm từ 10 tới 15 tour mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng. "Khoảng 80% tour sử dụng đường hàng không để vận chuyển khách. Tuy nhiên, một số tuyến không có đường bay thẳng, phải quá cảnh, dẫn đến thời gian hành trình bị kéo dài. Có những điểm đến chưa có nhiều chuyến bay nên giá thành dịch vụ còn cao, khiến giá tour cao nên điểm đến có thể mới, hấp dẫn vẫn khiến du khách e ngại".  

Chung nhận định trên, bà Trương Thị Thu Giang, đại diện Vietravel, cho biết: "Phần quan trọng nhất khi khai thác một tour du lịch là vận chuyển. Trong đó, hàng không là phương tiện vận chuyển chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt đối với các tour nước ngoài".

Do đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi khai thác tour mới là chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến các điểm đến quốc tế. "Nếu một nơi chưa có đường bay thẳng thì công ty buộc phải tổ chức tour bằng cách quá cảnh. Như vậy hành trình tour sẽ phải dài ngày; tần suất tổ chức tour sẽ không nhiều do một số khách ngại việc bay nối chuyến nhiều lần; chi phí dịch vụ cao dẫn đến giá tour bán ra không hấp dẫn".  

Theo đại diện Vietravel, thậm chí một số quốc gia yêu cầu phải có visa khi quá cảnh vào nước họ, dẫn đến du khách phải làm nhiều thủ tục hơn khi quá cảnh tại các nước này như Anh, Canada, Mỹ.  

Đại diện một công ty chuyên đưa khách đi Triều Tiên ở Hà Nội chia sẻ: "Trong vài năm gần đây, lượng khách đi Triều Tiên tăng đáng kể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Việt Nam vẫn chưa có đường bay thẳng, phải quá cảnh ở Trung Quốc. Giá vé máy bay nhiều khi chiếm 50-60% giá tour khiến một số tuyến đặc thù bị đẩy giá lên khá cao".  

Ngoài ra, việc không có đường bay thẳng cũng khiến doanh nghiệp vào thế bị động khi đặt vé máy bay. Vị này chia sẻ thêm: "Nhiều khi chúng tôi phải chia đoàn khách làm hai vì máy bay không còn đủ chỗ trống. Việc chỉ có một hãng hàng không khai thác đường bay đến một nơi cũng khiến giá thị trường thiếu cạnh tranh. Mỗi khi khai thác điểm mới, việc đầu tiên chúng tôi tính đến là đã có đường bay thẳng đến đó chưa".  

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 68 hãng nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng 4 hãng nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác thị trường hàng không Việt Nam. 

Nhiều hãng bay quốc tế liên tục mở thêm những đường bay mới. Giữa tháng 11/2018, Edelweiss Air của Thụy Sĩ mở chuyến từ Zurich tới TP HCM với tần suất hai chuyến một tuần. Cũng trong tháng 11, Air Asia đã mở tuyến Kuala Lumpur (Malaysia) - Phú Quốc với tần suất bốn chuyến một tuần.

Đến 19/12, Qatar Airways đã có chuyến bay thẳng bằng Boeing B787 đến sân bay Đà Nẵng. Ba ngày sau đó, Jeju Air (Hàn Quốc) mở tuyến nối Đà Nẵng với Daegui với tần suất 7 chuyến mỗi tuần.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam trong những năm qua trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến sẽ đạt 150 triệu lượt khách vào năm 2035.

Ý kiến của bạn

Bình luận