Thành tựu KHCN ngành GTVT: Bước tiến bộ vượt bậc về chất và lượng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/06/2016 17:51

Những thành tựu của KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2015 đã khẳng định quyết tâm và năng lực làm chủ KHCN hiện đại.

DSC07014
Phiên họp tiểu ban Công nghiệp thuộc chương trình “Hội nghị Tổng kết hoạt động Khoa học công nghệ (KHCN) ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2015”

Quyết tâm và năng lực làm chủ KHCN hiện đại

Sáng 18/6, Bộ GTVT đã tổ chức Phiên họp tiểu ban Công nghiệp thuộc chương trình “Hội nghị Tổng kết hoạt động Khoa học công nghệ (KHCN) ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2015”. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện những hoạt động KHCN trong 5 năm qua, đúc kết các bài học kinh nghiệm và định hướng cho sự phát triển mạnh mẽ KHCN của ngành GTVT trong thời gian tới. Phiên họp tiểu ban Công nghiệp gồm các lĩnh vực: Cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin.

 Đại diện Ban Tổ chức Hội nghị cho biết, việc hoàn thành nhiều công  trình, sản phẩm có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, yêu cầu mỹ thuật cao hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm như cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, câu dây văng, hầm, sân bay, cảng biển, sản phẩm công nghiệp, công nghệ thông tin… đã khẳng định quyết tâm và năng lực làm chủ KHCN hiện đại, thể hiện bước tiến bộ vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành GTVT đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.

Phát biểu khai mạc, ThS. Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT cho biết, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình của nhiều nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, cá nhân hoạt động KHCN trong và ngoài ngành. Các báo cáo gửi về tham gia Hội nghị thể hiện những kết quả nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ thực tế triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp thời gian qua.

DSC07009
ThS. Trần Quang Hà đánh giá việc ứng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại đã được chú trọng đưa vào hầu khắp các lĩnh vực của ngành GTVT.

ThS. Trần Quang Hà đánh giá, các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại đã được chú trọng đưa vào hầu khắp các lĩnh vực xây dựng công trình, công nghiệp GTVT, kinh tế, dịch vụ vận tải, ATGT, bảo vệ môi trường theo phương châm đồng bộ từ nghiên cứu, chuyển giao, đào tạo, nắm bắt, làm chủ từng bước tiến tới làm chủ hoàn toàn các công nghệ hiện đại. Nhiều công nghệ mới trong tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động GTVT đã được khẩn trương triển khai áp dụng và hiện cơ bản đã phát huy hiệu quả tốt, nâng cao mức độ ATGT, giảm chi phí duy tu, sửa chữa, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông, tăng hiệu quả đầu tư.

Cũng theo ThS. Trần Quang Hà, các thành tựu về công nghiệp GTVT giai đoạn 2011 - 2015 toàn diện ở các lĩnh vực: Công nghiệp đóng tàu; công nghiệp đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu đường sắt; công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghệ thông tin phục vụ ngành GTVT; máy xây dựng và các sản phẩm công nghệ GTVT khác.

Nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN

Ban tổ chức đã tuyển chọn 30 bài viết đưa vào tuyển tập. Trong Phiên họp tiểu ban Công nghiệp lần này, 8 kết quả nghiên cứu tiêu biểu nhất đã được trình bày và thảo luận sôi nổi từ các nhà khoa học cùng các đại biểu tham dự. Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã nêu lên các thành tựu thể hiện tính đúng đắn của định hướng phát triển KHCN, mục tiêu và lộ trình đổi mới công nghệ đã được Bộ GTVT xây dựng, khẳng định vai trò đóng góp xứng đáng của công tác KHCN trong việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN.

DSC07017
Phiên họp thảo luận sôi nổi về những giải pháp phát triển KHCN ngành GTVT.

Đồng thời, các báo cáo tham luận đều lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành trong thời gian qua.

Kết luận tại Hội nghị, ThS. Trần Quang Hà khẳng định: “Những thành tựu đạt được của công tác KHCN ở lĩnh vực Công nghiệp GTVT giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua là cơ bản và rất đáng ghi nhận, đồng thời, qua Hội nghị này cũng đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm quý báu để khắc phục những tồn tại, vượt qua những thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN trong lĩnh vực công nghiệp của ngành”.

Theo ThS. Trần Quang Hà, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN tập trung vào 4 vấn đề gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ quản lý khai thác có hiệu quả, an toàn, bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và TNGT.

Thứ hai, ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ điều hành, tổ chức giao thông chống ùn tắc.

Thứ ba, tiếp tục ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Thứ tư, ứng dụng KHCN phục vụ phát triển công nghiệp, điện tử trong giao thông vận tải.

“Từ kết quả của Hội nghị lần này các hoạt động KHCN trong công nghiệp GTVT sẽ phát huy tốt các thành tích và kết quả trong thời gian qua, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được hoạch định trong chiến lược phát triển KHCN của ngành GTVT, góp phần vào việc hoàn thành chiến lược tổng thể phát triển ngành đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – ThS. Trần Quang Hà kỳ vọng.

8 kết quả nghiên cứu KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2015 tiêu biểu nhất bao gồm:

1. “Kết quả nghiên cứu dây chuyền thiết bị đồng bộ và thiết kế chế tạo một số thiết bị trong công nghệ thi công cọc xi măng đất theo công nghệ phun ướt phục vụ gia cố nền đất yếu ở Việt Nam” của nhóm tác giả Viện KH&CN GTVT (ITST) do ThS. Nguyễn Chí Minh trình bày;

2. “Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS) và đề xuất định hướng áp dụng ở Việt Nam” của nhóm tác giả TS. Nguyễn Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện KH&CN GTVT (ITST) và ThS. Nguyễn Anh Tuấn – Trung tâm Tự động hóa và Đo lường, ITST;

3. “Kết quả các giải pháp KHCN trong quá trình thiết kế chế tạo thiết bị thi công đường giao thông nông thôn” của Kỹ sư Đinh Trọng Thân – Trưởng phòng thí nghiệm Vilas 276, ITST và Kỹ sư Nguyễn Chí Minh – Trung tâm Công nghệ Máy xây dựng và Cơ khí thực nghiệm, ITST;

4. “Một số giải pháp trong thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra đánh giá chất lượng gối cầu siêu tải trọng đến 5.000 tấn” do TS. Nguyễn Văn Thịnh trình bày;

5. “Đánh giá độ méo quang học của kính chắn gió ô tô bằng phương pháp thực nghiệm” của nhóm tác giả Cục Đăng kiểm Việt Nam: TS. Đặng Việt Hà; ThS. Đinh Quang Vũ; ThS. Vũ Thành Niêm; ThS. Nguyễn Quang Huy;

6. “Thiết kế tổ hợp máy phát điện đồng trục nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong hệ thống động lực tàu thủy, thí điểm áp dụng cho tàu công suất máy chính từ 750 đến 3000 KW, Mã số NL132007” của Trường ĐH GTVT Tp. Hồ Chí Minh do PGT.TS Nguyễn Hữu Khương là chủ nhiệm dự án;

7. “Phân tích độ bền kết cấu tàu cỡ nhỏ sử dụng vật liệu COPOLYMER POLYPROPYLENE POLYSTONE (PPC) của trường ĐH GTVT Tp. Hồ Chí Minh do PGS.TS. Vũ Ngọc Bích trình bày;

8. “Tính toán và thiết kế bộ kết hợp dàu hiệu quả trong máy phân ly dầu nước tàu thủy” của nhóm tác giả Khoa Máy tàu biển, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (PGS.TS. Trần Hồng Hà, PGS. TS. Nguyễn Hồng Phúc; ThS. Nguyễn Việt Đức).

Ý kiến của bạn

Bình luận