Tết của Bác Hồ

Chính trị 14/02/2015 00:24

Hằng năm, vào ngày ông Táo lên trời thì Bác Hồ nhắc Văn phòng chuẩn bị chương trình hoạt động trong dịp Tết. Bác hỏi đồng chí Trường Chinh và đồng chí Tố Hữu có tứ thơ nào hay không? Bác nhắc thư ký chuẩn bị mẫu thiếp chúc Tết để Bác chọn. Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tố Hữu gợi tứ, còn Bác làm thơ và viết thư chúc Tết.


Có Tết, Bác làm thơ xong từ trước. Gần Tết, Bác đọc cho mọi người nghe, thế là những người phục vụ Bác thường được nghe thơ của Người chúc Tết sớm hơn. Thiếp chúc Tết thì Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) chọn thiếp, thường chọn thiếp có màu hồng. Một lần, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ mang mẫu thiếp tới phòng Bộ Chính trị họp, Bác đề nghị các đồng chí trong Bộ Chính trị cùng xem, ai chọn mẫu nào thì ký vào, mẫu nào nhiều chữ ký hơn thì được chọn.

anh bac ho

Trong thư chúc Tết, Bác thường dùng ghép hai chữ Tết – Xuân. Đây cũng là ngụ ý của Bác. Tết mở đầu mùa xuân, mở đầu một năm mới tràn đầy sức sống, đầy chồi non và lộc biếc, ra hoa và kết trái. Tết mang ý nghĩa vật chất, xuân giàu màu sắc tinh thần. Cả hai từ Tết và Xuân đi liền với nhau mới mang đầy đủ ý nghĩa một Tết, vừa có truyền thống dân tộc vừa có tinh thần cách mạng.

Cũng từ ngày 23 tháng Chạp, Bác lần lượt mời gia đình và con em cán bộ lãnh đạo ở miền Nam ra tập kết, công tác ở Hà Nội, đến nhà Bác ăn Tết. Từ ngày đó, nhà sàn lúc nào cũng đông vui. Tới 30, ngày mồng một, Bác thường đi thăm các cán bộ miền Nam, các trí thức, công nhân viên chức, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội, công an… có thành tích trong lao động sản xuất và chiến đấu.

Vui nhất là chiều 30 Tết, nhà sàn nơi Bác ở đầy ắp tiếng cười, tiếng nói. Đó là lúc Bác mời cán bộ, nhân viên Văn phòng (lúc đó thường gọi là Văn phòng Bác Hồ) và các đồng chí trong Tổ Bảo vệ ăn bữa cơm tất niên. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước không đi đâu xa thì đều đến dự bữa cơm thân mật này. Trong bữa ăn, Bác thường đến từng bàn hỏi mọi người: Ăn có ngon miệng không? Cỗ không có nhiều món. Món nào bày ra ăn hết thì mới tiếp món khác chứ không bày ra nhiều, ăn không hết thì lãng phí. Mọi người rất thích ăn món rô phi bỏ lò. Cá rô phi đánh ở ao cá trước nhà sàn còn tươi nguyên, cho vào lò nướng chín rồi bóc da đi. Cá vừa thơm, vừa ngọt, ai cũng xuýt xoa khen ngon.
Sau bữa cơm thân mật, ấm áp tình người, Bác gửi mỗi người một túi quà mang về cho gia đình. Một điều đặc biệt là túi quà phù hợp với từng gia cảnh nên người được tặng quà rất cảm động trước sự quan tâm ân cần của Bác.

Quỳnh Trang

Ý kiến của bạn

Bình luận