TERN - chiếc UAV đậu bằng đuôi độc đáo của Northrop Grumman

Sản phẩm 21/01/2017 10:14

DARPA đang đặt mục tiêu phát triển một loại máy bay không người lái (UAV) có thể được triển khai từ những tàu chiến có sân bay nhỏ

3925660_TERN_01


Cơ quan các dự án phòng thủ tối tân của Mỹ - DARPA đang đặt mục tiêu phát triển một loại máy bay không người lái (UAV) có thể được triển khai từ những tàu chiến có sân bay nhỏ (chẳng hạn như những khu trục hạm có sân đậu trực thăng như USS Mustin, USS Fort Worth) thuộc biên chế Hải quân và Thủy quân lục chiến nhằm thực hiện các nhiệm vụ tính báo, do thám, theo dõi cũng như chỉ định mục tiêu tấn công. Hôm nay, nhà thầu quân sự Northrop Grumman đã công bố chiếc máy bay đầu tiên thuộc chương trình này và sau 2 vòng kiểm tra thiết kế gắt gao, chiếc máy bay đã được lên lịch thử nghiệm vào năm 2018.

Chương trình nói trên có tên gọi TERN (Tactically Exploited Reconnaissance Node) do DARPA và Phòng nghiên cứu hải quân thuộc Hải quân Hoa Kỳ (ONR) khởi xướng. Để khai thác không gian giới hạn trên một con tàu chiến mà không cần đến đường băng đầy đủ như tàu sân bay, TERN là một máy bay có thiết kế đặc biệt với sải cánh rộng 9,14 m và sử dụng hệ thống cánh quạt xoay đối chiều (contra-rotate) để đảm nhận mọi hoạt động từ cất/hạ cánh và bay. Tầm bay của TERN vào khoảng 1111 km và nó được thiết kế để có thể mang theo 454 kg trang thiết bị hoặc hàng hóa và có thể hỗ trợ cho các hệ thống bay không người lái tầm xa, thời gian bay lâu, được triển khai từ tàu chiến.

Để giúp chiếc máy bay chiếm ít không gian nhất trên boong tàu, TERN sẽ đậu bằng đuôi và nó sẽ cất hạ cánh từ tư thế này. Độc đáo nhưng không phải đầu tiên, Northrop Grumman không xa lạ với kiểu thiết kế này bởi vào những năm 50 của thế kỷ trước, công ty từng phát triển một mẫu máy bay tương tự với tên gọi XFV dành cho Hải quân Hoa Kỳ. Trước đó nữa vào năm 1944, Đức quốc xã đã từng đề xuất ý tưởng về mẫu máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng sau đó chuyển đổi sang trạng thái bay thông thường có tên Focke-Wulf Triebflugel nhưng tất cả chỉ dừng lại trên bàn giấy.

Trở lại với TERN, sau khi giành chiến thắng giai đoạn 3 của chương trình hồi tháng 12 năm ngoái, Northrop Grumman đã công bố chiếc máy bay cũng đã vượt qua 2 vòng đánh giá thiết kế hồi tháng 10 năm nay. Bài thử nghiệm đầu tiên đánh giá thiết kế động cơ của TERN do General Electric chế tạo nhằm cho phép máy bay bay theo phương thẳng đứng lẫn phương ngang. Bài thử nghiệm thứ phê chuẩn kiến trúc phần cứng và phần mềm của hệ thống quản lý pương tiện nhằm đảm bảo TERN sẽ có thể cất cánh thẳng đứng, chuyển đổi sang trạng thái bay ngang để có thể tăng hiệu suất và tầm bay trước khi trở lại trạng thái thẳng đứng để hạ cánh.

Bob August - giám đốc chương trình TERN cho biết: "Sự kết hợp độc đáo giữa tốc độ, tầm bay xa, thời gian bay lâu và trần bay cao của TERN sẽ mang lại cho Hải quân và lực lượng Thủy quân lục chiến một giải pháp hiệu quả hơn về chi phí, năng lực linh hoạt để có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như thu thập tình báo, theo dõi và do thám, chỉ điểm tấn công và các loại nhiệm vụ khác được triển khai từ biển ở các tầm bay trên 600 hải lý. Những cột mốc thành công nói trên càng khiến chúng tôi thêm tự tin về kế hoạch bay trình diễn chiếc UAV này vào năm 2018."

Được biết vào cuối giai đoạn 3 của chương trình, Northrop Grumman sẽ thiết kế và chế tạo 2 nguyên mẫu tỉ lệ thật của TERN nhằm phục vụ cho các thử nghiệm trên đất liền lẫn ngoài biển

Ý kiến của bạn

Bình luận