Tây Nguyên “khát vốn” duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông

Tác giả: Phạm Nghị

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 20/11/2018 15:02

Không những eo hẹp về nguồn vốn, thời gian bố trí ngân sách còn nhiều bất cập, khiến công tác duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông một số tỉnh ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn.

 

1

Công tác duy tu, bảo trì phải được thực hiện thường xuyên

Với đặc điểm của khí hậu vùng đại ngàn, Tây Nguyên chỉ có hai mùa mưa, nắng trong năm. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi, sông suối đan xen tạo nên một bức tranh hạ tầng giao thông phức tạp cả về công tác quản lý cũng như duy tu, bảo trì.

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hiện đơn vị được giao quản lý, bảo trì 371km quốc lộ, 372km tỉnh lộ và một số công trình đường đô thị khác.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm Sở đã tổ chức đấu thầu công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ duy tu, bảo trì, xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, sửa chữa nền mặt đường và bổ sung rãnh thoát, hộ lan, gờ giảm tốc ở một số vị trí mất ATGT… Nhờ đó, nhiều tuyến đường trên địa bàn đã xóa bỏ được những “ổ gà”, “ổ voi”, điểm mất ATGT, lún võng trên đường; sơn kẻ mặt đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp.

Cùng với bảo trì, Sở GTVT Gia Lai đã chỉ đạo lực lượng TTGT, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phối hợp với lực lượng CSGT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng gây hư hại mặt đường.

Theo đánh giá của Sở GTVT, đến nay mạng lưới giao thông tỉnh gồm cả các tuyến quốc lộ đi qua và hệ thống đường tỉnh; hạ tầng giao thông tuyến huyện, xã được đầu tư nâng cấp và phân bố tương đối phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh và đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, với mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông khiến nhiều tuyến đường, nhất là đường liên tỉnh, liên huyện xuống cấp nhanh nên nhu cầu vốn để quản lý, bảo trì, nâng cấp các tuyến đường là rất lớn.

2
Nguồn vốn bảo trì là yếu tố quan trọng để những tuyến đường đảm bảo ATGT

Ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc Phụ trách Sở GTVT Gia Lai chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong công tác duy tu, bảo trì đường bộ ở Gia Lai hiện nay có hai yếu tố, đầu tiên phải là vốn bởi hằng năm vốn ngân sách dành cho công tác này chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu thực tế theo đơn giá sản phẩm. Khó khăn thứ hai là việc chuyển đổi cơ chế thực hiện nguồn vốn bảo trì đường bộ thông qua Bộ Tài chính như hiện nay ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bảo trì đường bộ, ví dụ như trong khi thời điểm đã là đầu quý IV nhưng Quỹ Bảo trì mới chỉ được cấp đợt 1 của tháng 9/2018 nên việc sửa chữa, bảo trì không đáp ứng kịp thời, do vậy tồn tại nhiều bất cập và khó khăn.

Không riêng ở Gia Lai, tình trạng eo hẹp nguồn vốn duy tu, bảo trì đường bộ cũng đang khiến tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn trong khắc phục tình trạng sạt lở ở một số tuyến đường trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum, hiện đơn vị được giao quản lý bảo dưỡng thường xuyên 289km thuộc 4 quốc lộ, 430km đường địa phương, trong đó có 8 tỉnh lộ và một số công trình như đường tái định cư Thủy điện Plei Krông, Đăk Côi - Đăk Pxi và đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Ngọc Hồi - Dốc Muối, đường Đăk Ang - Đăk Rơ Nga.

Do một số tuyến không nằm trong trục phát triển kinh tế, là tuyến đường ở các xã vùng sâu nên nhiều đoạn tuyến được đánh giá là hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Đặng Minh Sáng- Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Kon Tum chia sẻ, là tỉnh biên giới nghèo của vùng Tây Nguyên, Kon Tum luôn phải hứng chịu những thiên tai bất ngờ bởi địa hình đồi núi, sông suối phức tạp, lượng mưa hàng năm bao giờ cũng kéo dài dẫn đến sạt lở, ngập cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh khiến hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng nặng nề. Trong khi đó, nguồn vốn bảo trì hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 40% khối lượng cần sửa chữa. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn chưa kịp thời khiến việc bảo trì luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. “Nếu việc bố trí vốn kịp thời, sau khi phát hiện hư hỏng sẽ kịp thời khắc phục, công tác duy tu được đảm bảo, không phát sinh vấn đề liên quan, nhưng khi vốn không đáp ứng kịp thời đồng nghĩa nhiều vấn đề phát sinh. Nếu chỗ vá chỉ là “ổ gà” nhưng vì đợi vốn sẽ trở thành “ổ trâu”, từ đó kéo theo rất nhiều hạn chế và bất cập...”, ông Sáng chia sẻ.

Ông Cao Xuân Giao - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III cho biết, hàng năm kinh phí cho công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ thường xuyên còn chậm so với thời điểm cần triển khai công việc, ảnh hưởng rất lớn đến công tác duy tu sửa chữa, không đáp ứng được những tình huống giao thông cấp bách. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum mong muốn tăng nguồn vốn bảo trì thường xuyên hàng năm cho các tỉnh lộ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu so với định mức bảo trì thường xuyên đường bộ được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2001 để đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng một cách thường xuyên, liên tục

Ý kiến của bạn

Bình luận