Tây Nguyên: Ẩn họa khôn lường từ chợ tự phát chiếm hành lang ATGT

Xã hội 20/06/2020 05:35

Bất chấp nhiều hiểm họa, chợ tự phát lấn chiếm hành lang vẫn mọc lên dọc các tuyến đường gây mất ATGT cho người đi đường, cũng như chính những người mua và bán.


Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong mua bán, trao đổi hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường. Tình trạng này dù đã cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn phức tạp.

Ngang nhiên lấn đường họp chợ

Cứ tầm 4 giờ sáng trở đi, trên tuyến tỉnh lộ 664 nối giữa hai huyện biên giới Ia Grai của tỉnh Gia Lai và huyên Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum trải dài gần 1km hàng ngàn người tụ tập họp chợ. Nhiều người chiếm dụng toàn bộ khu vực vỉa hè để bày bán các mặt hàng thịt cá, rau củ quả. Còn người mua thì vô tư dựng xe dưới lòng đường để  mua hàng, gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.  

Trong khi đó, lưu lượng xe cơ giới có trọng tải lưu thông trên đoạn tuyến rất lớn, nhất là vào dịp này, mùa thu mua nông sản của bà con vùng trồng cà phê, sắn…mật độ tham gia giao thông lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn trực chờ.

Chạy dọc tuyến đường HCM (QL14) từ địa phận tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông, thường xuyên xuất hiện những chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường ngay sát quốc lộ. Nguyên nhân là do những địa điểm là khu dân cư hoặc có các công ty, nhà máy cơ quan nhiều công nhân đang làm việc. Sau khi tan ca, công nhân ra về tiện thể mua sắm cho nhanh làm cho các chợ lấn chiếm lòng lề đường phát triển. Trong khi đó, lượng xe lưu thông đông, nhất là xe tải, xe container, xe khách chạy với tốc độ cao. Vì sự tiện lợi, vì mưu sinh mà cả người bán lẫn người mua bất chấp nguy hiểm, không chỉ tạo hình ảnh nhếch nhác mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông lẫn an ninh trật tự.

01
Người dân họp chợ ngay trên tuyến QL 14 đoạn quan thôn Phú Hòa, xã Ia Le, huyện Chư Pư, tỉnh Gia Lai

Chị Rơ Ian Bé, trú thôn Phú Hòa, xã Ia Le, huyện Chư Pư, tỉnh Gia Lai ngần ngại chia sẻ, biết là việc mua hang hóa ở đây đứng tràn ra đường không những là vi phạm mà còn nguy hiểm cho cả tính mạng bản thân, nhưng do đi làm về tiện thể thì dừng lại 5-7 phút mua nhanh cho tiện đỡ phải đi đi lại lại “Chúng tôi là những người đi nương đi rẫy, ra đây gặp cái gì mua cái đấy, tranh thủ mớ rau con cá rồi còn về nghỉ chứ làm cả ngày về lại đi chợ ngại lắm” chị Bé nói.

Đi bộ lách qua khu vực vỉa hè đoạn trước trung chợ huyện Chư Sê để thăm thú thủ phủ hồ tiêu lần đầu tiên đến, chị Nguyễn Như Hoa, một du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nhưng bị chiếm dụng buôn bán kiểu này thì làm gì còn chỗ mà đi. Tôi buộc phải đi xuống lòng đường. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, buôn bán lộn xộn ở khu vực mặt tiền ở nhiều địa phương trên khu vực Tây Nguyên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn thương tâm.

Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết; thời gian qua sau những đợt ra quân của lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền về vấn đề vi phạm trật tự đô thị (TTĐT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai mặc dù đã có những tiến triển tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số điểm tái lấn chiếm trở lại. Đặc biệt, tại các tuyến huyện, một số đối tượng lấn chiếm vỉa hè (khu vực đông dân cư để họp chợ) còn manh động chống đối lực lượng quản lý TTĐT.

Theo tống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm đã có nhiều diễn biến phức tạp, TNGT tăng cả 3 tiêu chí, trong đó có 1 số vụ TNGT nghiêm trọng nguyên nhân đều do họp chợ lấn chiếm lòng lề đường. Trong khi đó, một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa thật sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bảo đảm TTATGT; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định còn hạn chế.

Ngay ở chợ 312 xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, mặc dù ngôi chợ nằm trên tuyến QL14 và khuất đường dốc nhưng vẫn có rất nhiều tiểu thương tự mang hàng hóa ra ngoài lấn chiếm toàn bộ hành lang đoạt tuyến để bán. Đặc biệt vào những giờ cao điểm, việc mang hàng hóa từ trong chợ ra ngoài đường bán càng nhiều hơn, đơn giản bởi thuận tiện cho người mua, đỡ phải vào bên trong chợ, long đường trở lên hỗn độn xe cộ lao dốc cực kỳ nguy hiểm.

02
Bên cạnh lấn chiếm hành lang đường bộ để họp chợ, tại khu vực chợ 312 xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông một trường Mầm Non cũng chiếm luôn hành lang làm sân chơi cho các cháu nhỏ

Vụ tai nạn xảy vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 13/6/2020, tại chợ này làm 3 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong trên đường đi cấp cứu và 5 người khác bị thương, tổng cộng có 10 người bị thương vong là một lời cảnh báo tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi họp chợ.

Theo lãnh đạo huyện Đắk Mil, để xử lý người mua bán lấn chiếm lòng lề đường, các ngành chức năng địa phương thường xuyên ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đi khỏi, đâu lại vào đấy.

"Chúng tôi đã thực hiện giải tỏa nhiều lần và sắp xếp chỗ cho người bán tự phát, nhưng giải quyết hết vấn đề này là rất khó khăn. Do bà con tự phát nên chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con thứ nhất là vệ sinh môi trường, thứ hai là phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông", vị lãnh đạo nói.

Hiện tại, nhiều tiểu thương ở chợ 312 vẫn tùy tiện lấn chiếm hành lang ATGT  để trưng bày buôn bán và đây có sự buông lỏng của chính quyền các địa phương dọc tuyến quốc lộ 14 khiến tình trạng ùn tắc, mất ATGT vẫn đang tiềm ẩn.

Ý kiến của bạn

Bình luận