Taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tự đổi mới

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/07/2018 09:38

Bộ GTVT và các chuyên gia cho rằng taxi truyền thống cần đưa ứng dụng công nghệ vào kinh doanh nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững.

h1-1450
Taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tự đổi mới.

Mới đây tại cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi tại Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng loại hình xe công nghệ với taxi truyền thống cần có giải pháp hòa hợp để taxi truyền thống hoạt động tốt hơn (quản lý lái xe, trách nhiệm doanh nghiệp với hành khách). Trong điều kiện hiện nay, taxi truyền thống cần đầu tư thêm ứng dụng công nghệ như Grab để trở thành hãng taxi “Thiên thời địa lợi, nhân hòa”, đảm bảo uy tín chất lượng và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Thể cũng hoan nghênh việc đưa ứng dụng công nghệ, phần mềm vào quản lý nhưng cần có sự ràng buộc để doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ có trách nhiệm với lái xe, quản lý được lái xe tránh xảy ra những rủi ro cho khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mai điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá cao việc ứng dụng thí điểm và sự phát triển công nghệ nảy sinh mô hình mới và áp đặt theo mô hình cũ là không phù hợp. Không nên gò ép mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm hạn chế. Cần có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ để tạo điều kiện phát triển bền vững.

Trao đổi về quan điểm này, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, “việc ứng dụng và phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng sử dụng phần mềm đặt xe là xu thế của xã hội hiện đại và là một bức tranh sinh động của nền kinh tế. Trong bất cứ ngành nào cũng đều phải tự vận động, phát triển và đổi mới để thích ứng với nhu cầu thực tế của xã hội bởi thực tiễn cuộc sống, kinh tế cạnh tranh phát triển khoa học công nghệ không chờ đợi. Thời kỳ công nghệ 4.0 bắt buộc phải đổi mới để thích ứng và bắt kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới. Vận tải bản thân là ngành dịch vụ nên việc ứng dụng 4.0 các nước tiên tiến đã ứng dụng hàng chục năm trước nên hiện nay Việt Nam thí điểm và triển khai là đi đúng theo xu hướng, không có gì mới mẻ”.

Về mâu thuẫn taxi công nghệ và taxi truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá bản chất các dịch vụ là như nhau, các điều kiện tương đồng để đảm bảo công bằng. Do đó taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tăng cường quản lý nội bộ và quản lý Nhà nước. Taxi truyền thống phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải. Để tồn tại phát triển, phải ứng dụng công nghệ kết hợp với taxi truyền thống.

Trên thực tế, mô hình kết hợp giữa nhà cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối vận tải và loại hình taxi truyền thống tại Việt Nam đã có mặt trước khi có chương trình triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà và TP.HCM. Chỉ tính riêng với Grab thì mô hình kinh tế cộng sinh, kinh tế chia sẻ thông qua hợp đồng hợp tác giữa các HTX vận tải, công ty taxi vừa và nhỏ của Việt Nam cũng có mặt từ năm 2014, mang lại hiệu quả vận hành hoàn toàn khác biệt và hiệu quả. Kết nối các HTX, doanh nghiệp taxi vừa và nhỏ với ứng dụng Grab bằng mô hình GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Trong kết nối của dịch vụ cộng sinh này thì Grab không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước GrabTaxi hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo kilomet của các đơn vị taxi và quãng đường dự kiến. Khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi sau khi kết thúc chuyến đi. Cũng theo hướng dẫn của Bộ GTVT, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh vận tải taxi đã được Sở GTVT địa phương cấp phép. Chính mô hình kinh tế chia sẻ này trên nền tảng ứng dụng Grab đã giúp không ít các hãng taxi vừa và nhỏ thoát khỏi cảnh đóng cửa nhờ kết nối nhanh với khách hàng có nhu cầu, gia tăng hiệu suất vận hành xe, giảm tỷ lệ chạy rỗng tìm khách.

Đánh giá về bức tranh loại hình vận tải taxi hiện nay TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho biết: “Những năm vừa qua các hãng taxi công nghệ cao gia nhập vào thị trường Việt Nam họ sử dụng phần mềm cũng như ứng dụng rất tiện ích nên được khách hàng lựa chọn sử dụng. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hiện nay bắt buộc taxi truyền thống phải thay đổi. Taxi truyền thống cũng có những lợi thế như: tài xế và xe thuộc về các công ty vận tải quản lý, được thành lập từ lâu đã tạo được thương hiệu cho người dân. Vì vậy để cạnh tranh được, taxi truyền thống ngoài việc giữ lại những lợi thế vốn có thì bắt buộc phải đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm hạ giá thành, nâng cao tiện ích cho khách hàng để nâng cao thị phần kinh doanh”.

Ý kiến của bạn

Bình luận