Tập trung đầu tư cho ngành Đường thủy nội địa

Bạn đọc 05/08/2014 22:18

Đó là kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng diễn ra chiều ngày 5/08/2014 tại Hà Nội.


Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Tập trung đầu tư cho ngành Đường thủy nội địa”

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Tập trung đầu tư cho ngành Đường thủy nội địa”


Đường thủy nội địa chưa được đầu tư đúng mức

Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu, mạng lưới cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc phần lớn được xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Theo thống kê của các cảng vụ khu vực phía Bắc, tính đến năm 2013 có 1.109 cảng, bến thủy nội địa.

Tuy nhiên, vận tải thủy nội địa không khai thác hết tiềm năng cơ sở hạ tầng luồng tuyến. Luồng tuyến đã có nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải thủy nội địa nhưng vận tải thủy không phát huy hết thế mạnh so với các phương thức vận tải khác.

Đại diện Tổng công ty vận tải thủy cho rằng, việc đầu tư cho vận tải thủy nội địa nói chung vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng vốn đầu tư cho GTVT, thiếu vốn đầu tư cho chỉnh trị, nạo vét luồng. Mặt khác, vẫn tồn tại các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, không đầu tư nạo vét, khơi thông, mở rộng luồng lạch đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh vận tải. Một số khu vực phía Bắc, như: Hà Nội – Sơn Tây – Việt Trì, sông Phi Liệt, kênh đào nội thành Hải Phòng, tuyến sông Đáy… thường bị khan cạn vào mùa khô.

Cần có sự kết nối giữa đường thủy, đường sắt và đường bộ

Theo đại diện Cảng Việt Trì, kết nối đường sông với đường sắt là loại hình vận tải giá rẻ, phù hợp với hàng hóa khối lượng lớn, tập trung tuyến đường dài. Một số cảng bến nội địa đã có hệ thống đường sắt nội bộ kết nối với đường sắt quốc gia. Nhiều năm qua, hệ thống đường sắt ở cảng nội địa không được sử dụng hoặc được sử dụng quá ít. Ví dụ: Hàng hóa vận tải đường sắt ở cảng Việt Trì thường chỉ chiếm tỷ trọng từ 2 – 5% so với đường bộ.

Việc kết nối đường thủy với đường bộ là loại kết nối phổ biến của cảng bến thủy nội địa. Hàng hóa có khối lượng lớn được vận chuyển bằng đường thủy trung chuyển qua cảng bến bằng ô tô đến các nhà máy tiêu thụ và kho, đại lý bán hàng và ngược lại, hàng hóa từ nhà máy sản xuất được vận chuyển bằng ô tô qua cảng xuống đường thủy để chế biến hoặc xuất khẩu.

Theo đó, việc kết nối giữa các phương thức vận tải chưa thực sự đồng nhất, hiệu quả. Các chi phí về giá bốc xếp, trung chuyển lại rất đắt, điều này lại ngược lại với các hoạt động kinh doanh của các cảng biển ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay nguồn vốn ưu đãi để nạo vét các kênh vận chuyển đường thủy nội địa, giảm giá thành bốc xếp, trung chuyển để tạo điều kiện cho các phương thức vận tải này hoạt động hiệu quả.

Giảm tải trọng, san sẻ vận tải đường bộ, đường sắt bằng cách thúc đẩy đường thủy nội địa

Giảm tải trọng, san sẻ vận tải đường bộ, đường sắt bằng cách thúc đẩy đường thủy nội địa

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Trong bối cảnh siết chặt tải trọng phương tiện như hiện nay, việc tăng cường vận chuyển bằng đường thủy nội địa là san sẻ gánh nặng cho đường bộ và đường sắt. Trước hết là nâng cao nhận thức của từng cá nhân và doanh nghiệp, thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ GTVT tập trung tái cơ cấu nguồn lực trong GTVT nhưng phải hài hòa, tránh tình trạng mất cân đối như hiện nay. Trong đó, cần sắp xếp, ưu tiên xử lý các cầu nối đường sắt gắn với đường thủy nội địa, để hai đơn vị có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tập trung phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế đường thủy nội địa vào các chuyên nghành đào tạo của các trường Đại học Hàng Hải, Đại học GTVT. Việc đầu tư cho ngành Đường thủy nội địa là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giảm chi phí vận tải cho toàn Ngành.

Trường Thọ

Ý kiến của bạn

Bình luận