Tăng thuế sở hữu xe để chống ùn tắc giao thông

Doanh nghiệp 02/07/2015 06:44

Chính phủ Indonesia đang triển khai nhiều biện pháp như tăng thuế mua phương tiện để giảm ách tắc giao thông, xóa bỏ tiếng xấu “giao thông tồi tệ nhất thế giới”.

 

doanh-so-ban-o-to-moi-tai-indonesia-tang-gap-3-lan
Doanh số bán ô tô mới tại Indonesia tăng gấp ba lần.

Tốc độ xe không bằng người chạy bộ

Theo thống kê của BBC năm 2014, tốc độ di chuyển trung bình tại Jakarta khoảng 8 km/h, thấp hơn tốc độ một người chạy bộ (10 km/h). Trưởng Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Công trình công cộng và Nhà ở Indonesia Arie Setiadi Moerwanto cho biết: Ước tính riêng tại Jakarta, thiệt hại do ách tắc giao thông đối với nền kinh tế lên tới 65 nghìn tỷ Rupiah (Rp) mỗi năm (khoảng 4,9 tỷ USD). Một tài xế lái xe tải tên Budi tại Jakarta chia sẻ, ông thường mất 24 giờ để đi chặng đường 600 km (25 km/h); Hầu hết đều là dừng với đỗ, đôi khi khiến người tham gia giao thông phát cáu.

Hiện Jakarta có quá nhiều phương tiện cá nhân vì giá xe máy, xe ô tô khá rẻ dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông thêm trầm trọng. Với phương án tăng thuế này, người muốn mua phương tiện sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định”.

Ông Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama, Thị trưởng Jakarta

Đầu năm nay, hãng dầu nhớt Castrol của Anh công bố bảng xếp hạng chỉ số Dừng - Khởi động của các phương tiện tại 78 thành phố, khu vực toàn cầu (trừ Việt Nam và Ấn Độ) nhằm đánh giá điều kiện giao thông. Chỉ số này được tính toán dựa trên số liệu do hàng triệu người dùng thiết bị định vị Tom Tom tại các thành phố trên cung cấp. Số liệu này sau đó được nhân với khoảng cách trung bình của mỗi thành phố/năm. Lượt dừng - khởi động càng cao, tình hình ách tắc giao thông càng khủng khiếp. Kết quả, Jakarta có số lượt dừng - khởi động cao nhất thế giới (trung bình 33.240 lượt/lái xe/năm) đồng nghĩa tình hình giao thông cũng xếp chót bảng.

Thu hơn 10 tỷ/năm

Một trong những nguyên nhân khiến giao thông ùn tắc là hạ tầng giao thông Indonesia không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Trong vòng một thập kỷ qua, doanh số bán ô tô tăng gấp ba lần. Riêng Thủ đô Jakarta tăng khoảng 10%/năm. Theo số liệu từ cảnh sát Jakarta, năm 2014, Jakarta có 17,4 triệu phương tiện (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) trong đó 13 triệu chiếc xe máy và 4,3 triệu phương tiện bốn bánh.

Trong khi đó, theo một quan chức giao thông sở tại, hạ tầng đường bộ tại Indonesia nhiều năm nay không hề thay đổi. Khảo sát về khả năng hữu dụng của cơ sở hạ tầng giao thông các nước do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, hạ tầng giao thông của Indonesia ở vị trí thứ 53, bị Thái Lan (thứ 35) và Malaysia (thứ 25) bỏ xa.

Nắm bắt nguyên nhân này, Tổng thống Indonesia đã và đang lên kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng: Đường bộ, cầu cảng và sân bay. Đồng thời, bắt đầu từ tháng 6 này, chính quyền TP Jakarta bắt đầu áp dụng tăng thuế phương tiện nhằm hạn chế việc sở hữu xe cá nhân trong thành phố. Quy định này được sửa đổi bổ sung từ quy định năm 2010 và ban hành vào đầu tháng 5, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6. 

Theo quy định mới, hàng năm, người sở hữu phương tiện sẽ phải đóng thuế sở hữu: Với phương tiện đầu tiên, người sở hữu bị đánh 2% giá trị phương tiện; Mỗi phương tiện từ thứ hai trở đi sẽ được đánh thuế thêm 0,5%. Chẳng hạn, với chiếc ô tô thứ hai, bạn sẽ phải đóng thuế 2,5%; với chiếc ô tô thứ ba bạn sẽ phải đóng 3%.

Từ chiếc ô tô thứ 17 trở đi, sẽ bị đánh thuế 10% giá trị phương tiện. Trước đó, theo quy định cũ, chỉ phải đóng 1,5% và tối đa là 4%. Theo ông Agus Bambang Setyowidodo, người đứng đầu Cơ quan thuế Jakarta, quy định mới sẽ giúp tăng nguồn thu từ thuế. Dự tính, năm nay nguồn thu này sẽ lên tới 6,6 nghìn tỷ Rp (hơn 10 tỷ  VND). Ngoài nguồn thu lớn, chính quyền TP khẳng định, phương pháp “đánh vào hầu bao của người dân” sẽ có tác động hữu hiệu nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện cá nhân.

Ý kiến của bạn

Bình luận