Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm

Bạn đọc 27/11/2014 13:12

Sáng ngày 27/11, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công thương, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.


Sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (sau đây viết tắt là MBH) khi tham gia giao thông, trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH đã từng bước được tăng cường. Các doanh nghiệp đã quan tâm đến nâng cao chất lượng và thực hiện tốt hơn các quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Hiện tượng bày, bán công khai các loại mũ nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã giảm đi đáng kể; ý thức đội MBH của người dân đã được cải thiện rõ rệt, số người không đội MBH và đội mũ không đạt chuẩn đã giảm đi đáng kể. Chủ trương và công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg được đông đảo doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và người dân tích cực hưởng ứng và ủng hộ.

mu bao hiem tieu bieu

Cần kiểm soát chặt mũ bảo hiểm ngay từ khâu sản xuất

Hoàn thiện khung pháp lý

Thời gian qua, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành 02 Kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy (Kế hoạch số 47/KH-UBATGTQG ngày 11/3/2013 và Kế hoạch số 69/KH-UBATGTQG ngày 18/4/2014). Ngày 28/3/2013, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành văn bản số 68/CV-UBATGTQG hướng dẫn tổ chức đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá.

Bộ Công an có 2 Điện chỉ đạo lực lượng CAND triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Điện số 187/HT ngày 25/4/2013 chỉ đạo lực lượng CAND triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08/3/2013 và Điện số 04/CĐ- BCA ngày 08/7/2014 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông). Ban hành Công văn số 2936/BCA- C61 ngày 01/8/2013 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06 ngày 28/2/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải  Quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Liên Bộ Khoa học công nghệ, Giao thông vận tải, Công thương, Công an đã ban hành thông tư liên tịch Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28/02/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Bộ Khoa học công nghệ đã ban hành công điện số 659/CĐ-BKHCN ngày 19/3/2013 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm và công văn số 1665/BKHCN-TĐC ngày 13/5/2014 về việc tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm gửi UBND các tỉnh thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành phố.

Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương đã có Công văn số 275/QLTT-CHG ngày 28 tháng 2 năm 2013 chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ tiến hành kiểm tra thí điểm việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm; công văn số 344/QLTT-CHG ngày 13 tháng 3 năm 2013 chỉ đạo tất cả các Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt tiến hành Đợt cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp máy. Ngoài ra, trong hai năm 2013 và 2014 Cục Quản lý thị trường đưa mặt hàng MBH vào kế hoạch kiểm tra chuyên đề các mặt hàng trọng điểm của lực lượng Quản lý thị trường. Theo đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 1997/BGD ĐT-CTHSSV ngày 27/3/2013 chỉ đạo triển khai chiến dịch nhận biết, sử dụng và đội mũ bảo hiểm trong hệ thống giáo dục.

Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg và các Kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ủy ban nhân dân một số địa phương ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung của Chỉ thị 04/CT-TTg như Đồng Nai, Ninh Thuận, Hà Nam, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đã ra quân chiến dịch tuyên truyền và xử phạt vi phạm về không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông trên toàn địa bàn 02 thành phố.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình từ Trung ương tới địa phương tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tác hại của việc không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, đội MBH không đạt chất lượng quy định. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tuyên truyền cho người tham gia giao thông nắm được các quy định của pháp luật trong việc xử phạt hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, nhắc nhở người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sử dụng mũ không phải là MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.

Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các lực lượng chức năng liên quan và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân như hội thảo, hội nghị, triển lãm hàng thật – hàng giả…. Đồng thời, các cơ quan trung ương, địa phương đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong việc sử dụng MBH phù hợp Quy chuẩn quốc gia và kiểm tra xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các loại MBH giả, mũ không phải MBH để người tiêu dùng nhận biết không mua sử dụng  khi tham gia giao thông.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm

Từ tháng 4/2013 đến nay thông qua công tác TTKS lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra lập biên bản 6.856.089 trường hợp vi phạm TTATGT; Kho bạc nhà nước thu 3.958,1 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 582.023 t/h; Tạm giữ 128.661 xe ô tô, 854.709 xe mô tô. Trong đó đã xử phạt 896.437 trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách; Một số địa phương có kết quả xử phạt cao, như: Hà Nội (xử phạt 152.454 t/h), Quảng Ninh ( xử phạt 108.270 t/h), Nghệ An (xử phạt 87.708 t/h), Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Nông, Đắc Lăk , Điện Biên, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Lào Cai, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái…

Những địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về đội MBH khi tham gia giao thông đường bộ; số người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy đội MBH đạt tỷ lệ cao, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đã kiểm tra: 140 cơ sở với 619  mẫu; Lấy mẫu thử nghiệm: 44 mẫu. Kết quả: 19/44  mẫu thử nghiệm đạt chất lượng đạt theo QCVN2: 2008/BKHCN; 25/44 mẫu thử nghiệm không đạt chất lượng đạt theo QCVN2: 2008/BKHCN. Cục Quản lý chất lượng phối hợp các cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 03 cơ sở sản xuất kinh doanh giả mạo chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lên mũ không phải MBH, thu giữ các phương tiện sản xuất, xử lý theo quy định của pháp luật, xử phạt hành chính, tiêu hủy trên một ngàn chiếc MBH giả mạo CNHQ và nhiều tem nhãn vi phạm …. Chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng (Quản lý thị trường, Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ) xử lý 12 cơ sở.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 08 cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH, xử lý tiêu hủy trên 3000 MBH giả, không đảm bảo chất lượng, xử phạt trên 50 triệu đồng.

Trong năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Công an, chính quyền địa phương,…) công tác kiểm tra, xử lý vi phạm: Kiểm tra: 18.172 vụ; số vụ vi phạm: 2.995 vụ; số vụ đã xử lý: 2.592 vụ; số hàng hóa tịch thu, tiêu hủy: 129.439 sản phẩm; trị giá hàng hóa vi phạm: 3.478.055.000 đồng; tổng số tiền phạt hành chính: 2.576.014.000 đồng.

Vi phạm chủ yếu là không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; ngoài ra Quản lý thị trường đã chuyển cơ quan công an xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một số trường hợp sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

  Bảo Châu

Ý kiến của bạn

Bình luận