Tận mắt thấy "xe dù Kết Đoàn" náo loạn sân bay Cát Bi

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 24/11/2016 04:56

Những chiếc xe ô tô loại 29 đến 34 chỗ của Công ty TNHH vận tải Kết Đoàn được Sở GTVT Hải Phòng cấp phép là xe hợp đồng (HĐ) phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám hiếu, hỉ… nhưng thực tế thì những chiếc xe có phù hiệu HĐ này lại hoạt động theo kiểu “trá hình”, tổ chức hoạt động đón, trả khách, thu tiền, xác nhận đặt chỗ… như tuyến cố định bằng đủ “chiêu trò” lạch luật. Đặc biệt, vị trí lập “bến dù” của nhà xe này “án ngữ” ngay trong khuôn viên Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

unnamed (7)
Những chiếc xe HĐ của nhà xe Kết Đoàn hoạt động theo kiểu “trá hình”, tổ chức hoạt động đón, trả khách, thu tiền, xác nhận đặt chỗ… như tuyến cố định. 

“Xe dù” bủa vây sân bay Quốc tế

Trong vai hành khách có nhu cầu mua vé tuyến Sân bay Cát Bi – Thái Bình, liên hệ qua số điện thoại bán vé nhà xe Kết Đoàn, phóng viên được nhân viên ở đây đon đả tư vấn: “trong các khung giờ từ 4h sáng đến 22h đêm cứ khoảng 60  phút lại có xe chạy tuyến sân bay Cát Bi – Thái Bình - Nam Định”.

Sáng 21/11, có mặt tại sân bay quốc tế Cát Bi, phóng viên không khỏi giật mình trước sự sôi động của loại hình xe HĐ “trá hình” tuyến “cố định”.  Dàn  xe Samco loại 34 chỗ  gắn logo “Phòng vé Kết Đoàn” nối đuôi nhau đợi xếp khách.

Đúng 8h45 phút, chuyến bay VNA 1182 Tân Sơn Nhất - Cát Bi vừa “đáp” xuống sân bay. Lúc này, “biệt đội” nhân viên nhà xe Kết Đoàn nháo nhác thực hiện công việc mời chào, đón khách.

Được sự hướng dẫn của một nhân viên an ninh hàng không, chúng tôi và hàng chục hành khách khác nhanh chóng “săn” được “vé” cho tuyến Sân bay Cát Bi – Thái Bình.

Theo quy luật, mỗi khi có hành khách bước lên xe, nhà xe này “áp dụng” ngay màn “phỏng vấn” nhanh. Cụ thể, nhà xe “tra hỏi” hành khách những thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... Đặc biệt, như một bắt buộc, hành khách phải cung cấp chính xác tên chuyến bay đến và đi sân bay Cát Bi.

Kết thúc “hỏi xoáy đáp xoay” trong chớp nhoáng, phóng viên quan sát thấy, nhân viên nhà xe Kết Đoàn điền tên từng người vào danh sách hành khách ở một mẫu hợp đồng được chuẩn bị sẵn.

Clip: Nhân viên nhà xe Kết Đoàn thu tiền trực tiếp từ hành khách trên tuyến Cát Bi - Thái Bình - Nam Định

Lý giải về màn “ảo thuật” này, một nhân viên nhà xe tiết lộ: “bây giờ có quy định mới, phải có danh sách hành khách đi xe để nhỡ Công an, Thanh tra giao thông có kiểm tra thì còn có cái mà xuất trình”.  

Theo đó, bản hợp đồng do nhà xe Kết Đoàn “thiết lập” đều thể hiện rõ số lượng hành khách, tên, địa chỉ, chuyến bay, điểm đón, trả…

Tuy nhiên, khi chiếu theo thông theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với xe Hợp đồng thì rõ ràng “chiêu trò” qua mặt các cơ quan chức năng của nhà xe Kết Đoàn là chưa đủ thuyết phục.

Bởi, quy định nêu rõ: Đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo với Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

Phân tích về “chiêu trò” này, phóng viên đủ căn cứ để khẳng định rằng: bản danh sách hành khách “chống chế” được nhà xe Kết Đoàn lập ra trong quá trình xếp khách. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà xe này sẽ không có thông báo nào gửi về đầu Sở GTVT Hải Phòng theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

unnamed (13)
Vị trí đón, trả khách của "xe dù" Kết Đoàn được thực hiện ngay trong khuôn viên sân bay

“Vải thưa không che được mắt thánh”

Quay trở lại chiếc xe “trá hình” mang BKS 15B.019.66 “cốp mác” phòng vé Kết Đoàn, xuất phát lúc 9h15 phút tại “bến xe” sân bay Cát Bi đưa 30 hành khách đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định…

Ghi nhận trên xe, phóng viên giật mình khi biết rằng, ngoài việc phục vụ hành khách đi trên máy bay VNA 1182, nhà xe này còn “căng mình” nhận thêm một lượng khách khác từ các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào, trung tâm nội đô TP.Hải Phòng đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Khi được hỏi, số hành khách “ngoài luồng” trên chuyến xe 15B.019-66, chúng tôi được họ lý giải rằng: “Khi chúng tôi a lo đặt vé, nhà xe này hướng dẫn vào “bến xe” phía trong nhà ga sân bay để lên xe…”

“Không biết từ bao giờ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được “phù phép” thành “bến xe” tuyến cố định?”, một hành khách trên xe đặt dấu hỏi.

Tại một diễn biến khác, khi các ghế trên xe đã kín chỗ, chiếc xe bắt đầu khởi hành theo lộ trình cố định từ sân bay Cát Bi đi theo đường Lê Hồng Phong qua Ngô Gia Tự rồi qua Cầu Rào 1, xuống Phạm Văn Đồng, lên cao tốc Hải Phòng- Hà Nội. Hết cao tốc xe này xuống địa bàn Kiến An, Vĩnh Bảo rồi xuôi về Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trên lộ trình đi, xe vẫn dừng đón trả khách dọc đường.

unnamed (11)
Nhân viên nhà xe Kết Đoàn thu tiền vé trực tiếp từ hành khách tuyến Cát Bi - Thái Bình - Nam Định

Khi vừa đi hết trung tâm thành phố Hải Phòng, một phụ xe bắt đầu thu tiền hành khách. Theo đó, trong phạm vi thành phố Hải Phòng, không tính quãng ngắn hay dài, phụ xe đều thu 50 nghìn đồng/ người. Đối với các hành khách đi Thái Bình là 90 nghìn đồng/ người và Nam Định là 100 nghìn đồng/người.

Theo lý giải của nhân viên, mức giá này đã bao gồm thuế VAT và bảo hiểm hành khách. Song, khi hành khách đề nghị xuất vé, thì nhân viên này lúng túng bỏ đi.

Mặt khác, thay vào việc đưa vé cho hành khách theo các quy định của pháp luật thì nhà xe Kết Đoàn chỉ đưa card visit – danh thiếp ghi rõ lịch trình, ngày giờ, số điện thoại phòng vé… đặc biệt, trên danh thiếp ghi dòng chữ: “xe chuyên tuyến” khiến nhiều hành khách cho rằng đây là xe khách chuyên tuyến chứ không phải xe hợp đồng.

Để làm rõ “chiêu trò” lách luật của nhà xe này, phóng viên tiếp tục trải nghiệm trên một chuyến xe khác có lộ trình Cát Bi – Vĩnh Bảo.

Đúng 9h45 phút sáng ngày 21/11, khi tiến lại gần chiếc xe mang BKS 15B-01687 đang “ăn khách” trong sân bay, chúng tôi được một phụ xe chạy đến hỏi han đi đâu rồi thúc giục: “anh lên xe đi, để hành hành lý đó em xách cho”. Nói rồi, phụ xe nhanh chóng xách vali của chúng tôi đưa vào cốp xe.

unnamed (3)
Hoạt động đón, trả khách của nhà xe Kết Đoàn được thực hiện công khai trước mặt lực lượng an ninh sân bay Cát Bi

Khi chúng tôi hỏi thăm: “Thế đây có phải xe buýt của sân bay không?” thì phụ xe vẫn thúc giục lên xe: “Anh lên xe đi. Xe này cũng như xe bus nhưng đi sớm hơn. Xe buýt mấy tiếng mới có lượt  chạy, mà chậm lắm. Anh đi xe em nhanh hơn”.

Theo một quy trình khép kín, sau khi xe lăn bánh hết đến trạm thu phí Quốc lộ 10 đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, nhà xe bắt đầu thu tiền của khách.

Trên hành trình chuyên tuyến Cát Bi – Vĩnh Bảo, nhà xe này nghênh ngang vượt mặt nhiều chốt chặn làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 10 mà không hề bị xử lý.

Vì sao “xe HĐ” gắn mác “phòng vé Kết Đoàn” lại được “ưu ái” hoạt động tuyến cố định tại sân bay quốc tế Cát Bi? Từ bao giờ sân bay Cát Bi được “trưng dụng” làm “bến xe” phục vụ xe “trá hình”? Liệu Tổng Cục ĐBVN, Sở GTVT Hải Phòng, Tổng Công ty HKVN sẽ làm gì để “xử lý” dứt điểm tình trạng xe dù hoạt động rầm rộ tại sân bay Cát Bi…?

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin tới độc giả ở bài sau./.

Ý kiến của bạn

Bình luận