Tài xế dọa kiện ngược Grab dù vi phạm quy tắc ứng xử?

Tác giả: Thắng Khang

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 11/09/2019 09:49

Do vi phạm những quy tắc ứng xử nên bị Grab khóa app, một số tài xế đã đâm đơn khởi kiện đòi bồi thường số tiền hàng trăm triệu đồng.

IMG_6943.
Ông Nguyễn Thế Thiện (38 tuổi, ngụ Bình Dương) nộp đơn kiện Grab (ảnh: Báo Kinh tế đô thị).

Tài xế chưa thực hiện đúng quy tắc

TAND quận 10, TP.HCM đang thụ lí vụ kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác của nguyên đơn là ông Nguyễn Thế Thiện (38 tuổi, ngụ Bình Dương) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab). Ông Thiện khởi kiện, đòi Grab bồi thường số tiền hơn 100 triệu đồng vì cho rằng bị khóa tài khoản “oan”.

Liên quan vấn đề này, phía Grab khẳng định trường hợp đối tác tài xế này có tỉ lệ hủy cuốc vượt quá quy định đã được 2 bên kí kết ban đầu (25%). Ngoài ra, với trường hợp của ông Thiện còn vi phạm các quy tắc nằm trong Bộ quy tắc ứng xử đã được phổ biến và cam kết ngay từ khi 2 bên bắt đầu hợp tác.

Là đơn vị trung gian kết nối, những nhà cung cấp ứng dụng đặt xe như Grab cũng cần tài xế để duy trì vận hành app. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các quy tắc chung trong quản lý để làm vừa lòng các đối tác, bất chấp lợi ích người dùng thì là câu chuyện không thể thoả hiệp. Vì thực tế, bên cạnh những "con sâu làm rầu nồi canh" vẫn có những tài xế không ngại mưa, nắng, không chê cuốc ngắn, chăm chỉ kiếm tiền tăng thu nhập của mình.

Theo Grab, quy tắc đặt ra là để kết nối hài hòa các mối quan hệ, các bên hợp tác. Cụ thể, vì sự an toàn của khách hàng và Grab cũng có những chương trình hỗ trợ doanh thu cho những cuốc xe ngắn.

Từ những vi phạm trên để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn cho hành khách và công bằng trong chính sách thưởng, phạt giữa các đối tác tài xế nên Grab đã quyết định đưa ra hình thức khóa app đối với đối tác tài xế Nguyễn Thế Thiện sau nhiều lần nhắc nhở không thành.

Grab cho rằng những quy tắc đặt ra là để kết nối hài hòa các mối quan hệ, đảm bảo sự an toàn của khách hàng. Nếu tài xế chưa sẵn sàng nhận cuốc chạy xe thì hoàn toàn có thể chủ động tắt app, nhưng khi đã bật app và có cuộc nỗ bắt buộc phải tuân thủ theo quy định. Mối quan hệ giữa Grab và đối tác tài xế là quan hệ cũng có lợi để phục vụ chất lượng. Một hệ thống ứng dụng công nghệ lớn không thể vì một vài nhân tố mà tự đi ngược lại với lợi ích chung của rất nhiều người.

Theo các chuyên gia kinh tế, là đơn vị kết nối ứng dụng công nghệ mang lại những tiện ích cho người dân Việt Nam nên Grab phải đặt chất lượng và an toàn của những chuyến xe lên hàng đầu bởi có khách hàng thì mới đảm bảo được thu nhập cho đối tác tài xế. Vì vậy việc Grab khóa app đối với những tài xế vi phạm nhiều lần là điều nên làm và cần thiết để ngăn chặn những thói quen xấu của một bộ phận người lao động.

Cần xử lý những tài xế vi phạm

Thường xuyên sử dụng dịch vụ đặt xe Grab Car, chị Lê Thị Vân (38 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) đánh giá: “Phải thừa nhận từ khi có ứng dụng gọi xe công nghệ đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân với giá cước rẻ, đặt xe nhanh, chất lượng phục vụ tốt, không bị chặt chém như taxi truyền thống… Tuy nhiên đôi khi vẫn còn một số tài xế giao tiếp thiếu văn hóa, phóng nhanh, chê cuốc ngắn, hủy cuốc… Vì vậy những đơn vị quản lý ứng dụng phải thường xuyên giám sát, ghi nhận những phản hồi từ hành khách để có những biện pháp chấn chính, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ”.

Chạy xe Grabcar từ năm 2015 nên anh Huỳnh Kim Long (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) luôn quan niệm phải phục vụ khách hàng bằng cái tâm với nghề, mỗi khi đã bật app chạy xe cuốc nổ dù xa hay gần, trời mưa hay buổi tối anh vẫn luôn nhận khách, khi khách lên xe có khăn lạnh, nước suối phục vụ, giao tiếp lịch sự… như vậy sẽ tạo được ấn tượng và khách sẵn sàng bo tiền thừa. Những việc làm rất đơn giản nhưng xuất phát từ cái tâm của người tài xế nên anh Long cảm thấy rất vui và có thêm động lực trong cuộc sống.

Gắn bó với xe công nghệ từ những ngày đầu nên anh Long cảm nhận và hiểu rõ những chính sách, quy định của Grab đối với tác tài xế. “Grab luôn đồng hành cùng tài xế, luôn có những chương trình khuyến mãi khuyến khích để tài xế hăng say làm việc như: thưởng theo tuần, thưởng giờ cao điểm, thưởng theo triết khấu… để anh, em tài xế có được cuộc sống ổn định thu nhập và gắn bó lâu dài”.

Hiện nay với sự xuất hiện của hàng loạt các hãng xe công nghệ đầu tư tại Việt Nam đã tạo ra nhiều lựa chọn cho tài xế, với mức thu nhập hấp dẫn. Vì vậy cũng kéo theo những suy nghĩ và thói quen xấu ở một bộ phận tài xế lười lao động, chăm chăm lợi dụng các chương trình khuyến mãi, đặt cuốc ảo, chê cuốc ngắn, nghĩ ra nhiều mánh khóe hủy cuốc, hành xử và có những lời lẽ thiếu văn hóa với hành khách. Vì vậy các hãng xe công nghệ cần phải có những chính sách xử lý phù hợp để tạo ra một môi trường làm việc công bằng cho anh, em tài xế yên tâm gắn bó, anh Long bày tỏ quan điểm. 

Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Thế Thiện “tố” Grab tự ý gửi tin nhắn thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản Grab Car vì cho rằng tài xế đã vi phạm bộ quy tắc ứng xử Grab Car khi hủy cuốc xe hoặc yêu cầu khách hủy cuốc xe không có lí do hợp lí. Ông Thiện cho rằng việc Grab khóa tài khoản đột ngột là không phù hợp, ông yêu cầu phía công ty phải kết nối lại tài khoản của ông trên ứng dụng gọi xe để ông tiếp tục làm việc bình thuờng.

Bên cạnh đó, nguyên đơn buộc Grab bồi thường thiệt hại cho ông tạm tính 100 triệu đồng, được tính từ ngày ngưng ứng dụng (21/11/2018) đến khi kích hoạt lại tài khoản; yêu cầu Grab cung cấp hóa đơn chứng từ thể hiện Grab đã thu và đóng hộ thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT 3,6% trên doanh thu của ông.

Ý kiến của bạn

Bình luận