Tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị trong dịp Tết

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
11/02/2019 07:07

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT dịp Tết giảm cả 3 tiêu chí nhưng tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị.


52857538-FF74-4E92-826E-D3EB221BF20E.
Giao thông trên các tuyến đường Hà Nội chịu sức ép phương tiện ngay từ đầu giờ chiều ngày 10/2 (Ảnh Nam Khánh)

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá tình hình TTATGT trong 9 ngày tết Nguyên đán Kỷ Hợi trên toàn quốc được duy trì ổn định, bình quân TNGT/ngày giảm cả 3 tiêu chí so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, không xảy ra TNGT đường thủy, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.

Theo đó, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 276 vụ TNGT làm chết 183 người, bị thương 241 người. Đường bộ xảy ra 274 vụ TNGT làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ TNGT làm chết 2 người và xảy ra 01 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ngày 08/2; đường thủy không xảy ra TNGT.

So sánh với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhiều hơn kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 02 ngày, vì vậy, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 28 Tết đến mồng 4 Tết), cả nước đã xảy ra 214 vụ TNGT, làm chết 135 người, bị thương 189 người. So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mồng 5 Tết) giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%).

Bình quân số người chết trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28 %) so với bình quân số người chết trong 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Chỉ tính riêng ngày 10/02 (ngày mùng 6 tết) toàn quốc xảy ra 28 vụ, làm chết 22 người, bị thương 19 người, đều là TNGT đường bộ (đường sắt, đường thủy nội địa không xảy ra TNGT).

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết trong những ngày từ mồng 2 Tết đến ngày 4 Tết, tình hình TTATGT đã diễn biến phức tạp, đặc biệt trong ngày 08/2 (mồng 4 Tết Kỷ Hợi) đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286 làm 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương.

Và TNGT tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy; tai nạn xảy ra ở các đoạn đường ngoài đô thị.

Trong đó, nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là: lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về  tốc độ, phần đường, làn đường; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo  hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Đồng thời còn có hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị, đặc biệt là hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng.

"Trong kỳ nghỉ, lực lượng chức năng vẫn còn tâm lý nể nang trong ngày Tết, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện", ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, còn xảy ra một số vụ ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực cửa ngõ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết; tình trạng ùn ứ xảy ra tại các tuyến đường xung quanh các khu đền, chùa, các khu tổ chức lễ hội, điểm bắn pháo hoa, tại một số trạm thu phí, nút giao lớn trên đường cao tốc và quốc lộ, trên các trục đường chính ra, vào các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do nhu cầu giao thông tăng cao, số lượng ô tô tham gia giao thông tập trung cao, đặc biệt khi xảy ra sự cố phương tiện hoặc tai nạn giao thông.

Về vận tải, còn xảy ra tình trạng chở quá số người quy định, tăng giá vé ô tô quá mức quy định ở một số nhà xe; hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ô tô chở khách cao, đặc biệt là trên quốc lộ 1; nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.

Để bảo đảm TTATGT trong các ngày sau Tết nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2019 (hết tháng 2/2019), Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2019. Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, tăng cường hướng dẫn thông tin đi lại dịp Lễ hội xuân,; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, vận tải thủy nội địa theo hợp đồng, nhất là tuyến Bắc - Nam và hoạt động vận tải đến khu vực Lễ hội...

Ý kiến của bạn

Bình luận