Startup Việt cần làm gì trong cách mạng 4.0

Ứng dụng 10/08/2017 09:44

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra bài toán về nguồn nhân lực, thị trường, khách hàng, các thách thức cho startup.

 

photo-1-1477360074597
Để khởi nghiệp thành công trong cách mạng 4.0, mỗi người cần quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bỉ ở tất cả mọi mặt.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị M-Service (MoMo) cho biết, phần lớn người dân vẫn chưa tiếp cận với những nền tảng công nghệ, dịch vụ cơ bản.

Thống kế của Ngân hàng Thế giới mới đây, chỉ có 30% dân số Việt Nam hiện nay tiếp cận các dịch vụ tài chính. Và cũng chỉ vài phần trăm trong số đó có thẻ tín dụng, quen với các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử. 

Ngay cả doanh nghiệp, việc thay đổi, cập nhật và nâng cấp công nghệ để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng gặp nhiều trở ngại.

Theo ông Diệp, ứng dụng công nghệ 4.0 là quá trình khó, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu, đầu tư lâu dài. MoMo mất gần 2 năm chuẩn bị để ứng dụng công nghệ. Việc tự động hóa các khâu chuyên môn, tích hợp theo chiều rộng và chiều ngang giữa các khâu sản xuất, quá trình thanh toán, dịch vụ… tốn khá nhiều thời gian.

Ông Đỗ Đăng Dương, Giám đốc Kinh doanh công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho biết, bên cạnh sản phẩm, mỗi startup, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải có những thay đổi.

“Nếu chỉ chạy theo xu hướng mà không có quy trình hoàn chỉnh, chặt chẽ hoặc hệ thống quản lý nhanh và hiệu quả thì về lâu dài, startup cũng không thể cạnh tranh, tồn tại và phát triển được”, ông Dương nhận định.

Các chuyên gia cho rằng khởi nghiệp trong công nghiệp cách mạng 4.0 đang được các startup Việt Nam nắm bắt nhanh nhưng nếu không có sự đầu tư, tìm hiểu theo chiều sâu và sự chuẩn bị kỹ thì làn sóng này cũng sẽ chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Theo ông Dương, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam có lợi thế ở cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin. So với 3 cuộc cách mạng trước, lần này, chúng ta không bị bỏ quá xa. Tuy vậy, hệ sinh thái kinh doanh - khởi nghiệp Việt Nam bị chi phối bởi suy nghĩ phải “dẫn đầu - đi tắt đón đầu”. Chúng ta đang quên đi rằng vấn đề không phải nằm ở “đi trước - đi sau” mà là “đi bao lâu và bao xa”. Việc nắm bắt công nghệ như thế nào, tận dụng được bao nhiêu để phát triển thị trường mới là điều quan trọng. Mỗi người cũng cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, am hiểu thị trường, nâng cao tính kỷ luật và tinh thần làm việc.

Ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập tổ hợp giáo dục trực tuyến Topica cho biết xu hướng của công nghệ giáo dục trong thế giới hiện nay là sản xuất ra hàng chục, hàng trăm nghìn khóa học vì không thể đoán trước được sẽ cần các kỹ năng, kiến thức gì trong một tương lai luôn thay đổi. Song, việc cạnh tranh giữa các startup, công ty nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo thêm lực đẩy, mang về những công nghệ mới và mở ra các thị trường ngách cho startup trong nước khai thác.

Ngày 9/8/2017, diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên cách mạng 4.0”- nằm trong chuỗi hoạt động Kết nối Tuổi trẻ Việt (Connecting VietYouth-CVY 2017) đã diễn ra với sự tham gia của hơn 30 startup công nghệ, 20 nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng 1000 người trẻ Việt.

Trong diễn đàn, cổng thông tin tuổi trẻ Việt sáng tạo và cuộc thi thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu chính thức ra mắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận