Sinh viên mới ra trường cần làm gì để dễ tìm việc

18/12/2018 06:19

Tư duy phản biện tốt; khả năng sáng tạo; làm việc nhóm; có trí tuệ cảm xúc; kỹ năng đàm phán... giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng.

1551783891-w500-5715-1544759649
Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và làm việc trong môi trường đa văn hóa là lợi thế lớn trong bối cảnh thị trường lao động hiện tại.

Thách thức của lao động Việt

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2020, nhiều công việc trong thị trường lao động hiện tại sẽ mất, thay vào đó là những công việc mới với đòi hỏi kỹ năng mới.

Báo cáo thị trường quý II/2018 của ManpowerGroup cũng thống kê, với lực lượng lao động gần 56 triệu người, chỉ 11% có kỹ năng tay nghề cao. Thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã giải phóng sức lao động của con người. Công việc nặng nhọc dần chuyển giao cho máy móc nên nhu cầu tuyển dụng hiện thiên về tư duy trí tuệ, chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Lao động Việt Nam có nhiều ưu điểm như chăm chỉ, học hỏi nhanh, nhưng so với nhân sự đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia lại thua về khả năng ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp... 

Một lãnh đạo Tổng cục Thống kê từng chia sẻ, với tình hình hiện nay thì 10 người Việt Nam làm không bằng một người Singapore, 5 người Việt chưa bằng một người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng một người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào.

Những kỹ năng cần có ở sinh viên

Để có thể đáp ứng với thách thức và những thay đổi trong tương lai, người học cần những tố chất tính bền vững để tồn tại sau này. Ngoài việc trang bị các kiến thức và kỹ năng nền tảng để không bị cũ theo thời gian, mọi lao động đều cần cập nhật kiến thức và kỹ năng hiện đại để bắt kịp trào lưu.

Bà Trương Hoài Anh, Phó Chủ tịch - Category Management, Lazada Vietnam, cho rằng, trong bối cảnh mới, ngoài kiến thức chuyên ngành, người học sẽ phải thay đổi theo theo hướng sáng tạo, thích nghi hơn để tránh bị đào thải. "Trong quá trình làm việc, tôi luôn bắt mình phải tích lũy những kỹ năng mới và học lại kỹ năng đã có để luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi. Khi có tư duy tiếp cận mới và cách giải quyết vấn đề sáng tạo, tôi sẽ luôn đạt được những gì mình muốn làm", bà Hoài Anh chia sẻ. 

Bà Manuela Spiga, Giám đốc khu vực mảng hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học RMIT Việt Nam, cũng khuyến cáo 10 kỹ năng bạn trẻ cần có trong thời đại 4.0 để có thể ghi điểm trước các nhà tuyển dụng. Đó là giải quyết vấn đề; tư duy phản biện tốt; khả năng sáng tạo; quản trị nhân sự; phối hợp làm việc nhóm; có trí tuệ cảm xúc; đánh giá và quyết định; tư duy dịch vụ; kỹ năng đàm phán và tư duy linh hoạt.

982709583-w500-9786-1544759650
Sinh viên tại Đại học RMIT luôn được khuyến khích tranh luận để rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng phản biện.

Đây cũng chính là 10 kỹ năng mà sinh viên RMIT được tích lũy ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên tại trường được yêu cầu làm đề án thực tế ngay từ năm nhất. Bằng cách đó, sinh viên sẽ được tôi luyện kỹ năng xử lý vấn đề phức tạp, khả năng đánh giá, đưa ra quyết định và khả năng tư duy linh hoạt từ rất sớm. Những kỹ năng khác như quản trị nhân sự, phối hợp với mọi người và đàm phán cũng được cải thiện khi làm việc theo nhóm. "Để rèn tư duy sáng tạo và phản biện, sinh viên luôn được khuyến khích tranh luận với giảng viên, đưa ra những giải pháp mới mẻ, không có trong sách vở", bà Manuela Spiga chia sẻ.

Hiểu biết về văn hóa và kỹ năng làm việc trong một môi trường đa văn hóa cũng là yếu tố mà nhân sự muốn thành công cần bồi đắp. Những năm qua, Đại học RMIT đẩy mạnh các chương trình trao đổi và chuyển tiếp sinh viên tới 200 trường đối tác tại 40 quốc gia để giúp sinh viên tăng cường những trải nghiệm quốc tế.

3 bước sẵn sàng đón công việc

Chuyên gia đào tạo, diễn giả quốc tế Adrian Toh của Tổ chức Đào tạo và Tư vấn Success Frontier, Singapore cho rằng, đại học được coi là bậc học quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cần thiết trước khi gia nhập thị trường lao động. Vì vậy, các trường đại học cần mở rộng đào tạo theo hướng gắn trực tiếp với thực tế, làm sao để sinh viên ngay khi ra trường có thể bắt nhịp được ngay, thay vì bỡ ngỡ và phải đào tạo lại.

106875913-w500-5204-1544759650
Tham gia các triển lãm nghề nghiệp là một hoạt động thực tế giúp sinh viên làm quen với thế giới việc làm.

Đồng quan điểm này, Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, ngoài học chuyên ngành, sinh viên trong trường đại học còn cần được làm quen với môi trường công việc để "giảm sốc" nhiều nhất có thể khi bắt đầu đi làm. Vì thế, chương trình đào tạo tại trường thiết kế như một chương trình làm quen công việc gồm 3 giai đoạn, đó là Khám phá, Trải nghiệm và Dấn thân.

Khám phá - giúp trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng cho các môn học chuyên sâu sau này. Trải nghiệm - giúp sinh viên trải nghiệm sâu hơn về chuyên ngành mình đã lựa chọn bằng việc học lý thuyết kết hợp với nghiên cứu các tình huống thực tế, tìm hiểu kỹ hơn về kỹ năng công việc. Dấn thân - sinh viên được làm dự án nhóm cho khách hàng là các công ty, tổ chức có nhu cầu thực tế, thuyết trình giải pháp để nhận phản hồi của khách hàng, tham gia các cuộc thi mô phỏng thực tế dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong nước và quốc tế...

Ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho rằng, kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không chỉ nằm ở bằng cấp trên giấy tờ, mà chính các kỹ năng mềm mới có giá trị nhất và cũng khó tìm nhất bao gồm giao tiếp, phối hợp (làm việc nhóm), giải quyết vấn đề... Đây đều là những thế mạnh để lao động cạnh tranh trong thời đại mới, điểm mấu chốt để con người không bị máy móc thay thế.

Ý kiến của bạn

Bình luận