Sinh viên khóc cười trong kỳ thực tập

11/04/2019 16:25

Không được hướng dẫn công việc, nhiều sinh viên đi thực tập chỉ pha trà, lướt web hoặc được phép... không phải đến công ty.

pho-to-tai-lieu-5853-1554896315
Thời gian thực tập, nhiều sinh viên chỉ được giao pha trà, photo văn bản. 

Tháng 3-4 là thời điểm sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi thực tập sau năm thứ ba hoặc thứ tư, thời gian thường 1-3 tháng. Với Nguyễn Thái, sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế (Đại học Thương mại), một tháng thực tập chẳng đọng lại gì ngoài sự thất vọng và hoang mang không biết viết thu hoạch thế nào.

Thái nộp đơn xin thực tập tại nhiều công ty, nhưng đều bị từ chối. Đến phút chót, cậu được nhận vào phòng kinh doanh của một công ty xăng dầu ở Hà Nội. Ngày đầu tiên, Thái được sai pha nước trà, photo một số văn bản cho văn phòng. Thời gian còn lại, cậu chỉ lướt web, xem phim đến hết giờ rồi về. Được vài ngày, sếp cho phép Thái không lên công ty, cuối đợt sẽ được nhận xét đầy đủ.

"Em hiểu là công việc được chuyên môn hóa, chỉ cần sai sót một bước nhỏ cũng để lại hậu quả, nên chẳng có lý do gì công ty phải mạo hiểm để một người ngoài tham gia vào cả", Thái tự giải thích.

Vì không thực hành nên Thái không có số liệu kinh doanh để làm báo cáo thực tập. Và công ty cũng không tiết lộ số liệu kinh doanh, vì đó là bí mật. Thái phải dựa vào số liệu trên Internet để làm báo cáo và thấp thỏm hy vọng có thể được giáo viên phụ trách chấp nhận.

Không phải chật vật xin chỗ thực tập như Thái, Lê Thành, sinh viên ngành Công trình (Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) được bố mẹ giới thiệu đến thực tập tại phòng Đường, thuộc một công ty xây dựng cầu, đường bộ. Thành rất vui vì nghĩ chỗ người quen sẽ được giúp đỡ, chỉ bảo tận tình hơn.

Ngày đầu tiên đến thực tập, người quen bảo không phải đến công ty mà cho mượn một bộ hồ sơ công trình để làm báo cáo và sẽ nhận xét tốt. "Mình hy vọng có cơ hội áp dụng kiến thức được học ở trường vào thực tế, nhưng cuối cùng chỉ ngồi chơi và nhận một phiếu xác nhận thực tập tốt cho những việc mình không làm", Thành buồn bã kể.

Trong khi nhiều sinh viên kinh tế, kỹ thuật chật vật khi thực tập thì Trần Mai (khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Thủ đô) lại có trải nghiệm đáng nhớ. Mai thực tập một tháng ở một trường tiểu học công lập ở Hà Nội, được giáo viên tạo điều kiện cho đứng lớp.

Theo yêu cầu của trường, sinh viên phải dạy hai tiết (một Toán hoặc Văn và một tiết thuộc các môn như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội). Giáo viên cho phép Mai tự chọn bài dạy và còn giúp chuẩn bị bài giảng. Một tháng thực tập, Mai hỗ trợ giáo viên trông lớp nên hiểu thêm cách quản lý, giao tiếp với học trò.

Hồng Nhung, sinh viên ngành Truyền thông và Mạng máy tính (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) có cơ hội thực tập hai tháng tại bộ phận IT cho một công ty công nghệ thông tin Nhật Bản. "Mình thấy vô cùng may mắn khi tham gia khóa thực tập này", Nhung vui vẻ kể lại.

Thời gian đầu, Nhung cảm thấy rất nản vì đến công ty chỉ đọc tài liệu, lướt web mà không được tham gia dự án của công ty. Nhận thấy không thể tiếp tục như vậy, Nhung mạnh dạn xin phép nhân viên cho mình tham gia dự án dù chỉ chân chạy việc.

"May mắn là các anh chị ở công ty rất nhiệt tình, không những cho mình xem mà còn giao việc cho", Nhung nói. Khi được nhận việc, Nhung cố gắng làm việc tích cực, tỉ mỉ, tạo dựng lòng tin với mọi người xung quanh. Nhờ đó, Nhung được tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng dự án web.

Mặc dù làm việc vất vả, Nguyễn Đức, sinh viên khoa Điện tử (Đại học Công nghệ Hà Nội) vẫn hào hứng khi nhớ lại quãng thời gian thực tập. Đức đến lắp ráp linh kiện cho một nhà máy sản xuất máy in của Nhật tại Bắc Ninh theo giới thiệu của nhà trường. Trong hai tháng, Đức làm việc như công nhân nhà máy.

Công việc của Đức là lắp ráp linh kiện nhỏ, cứ sau một tuần làm việc vào ban ngày là đến một tuần làm việc vào ban đêm. Giờ làm việc như vậy khiến đồng hồ sinh học của Đức bị ảnh hưởng. "Có hôm mình làm ca sáng nhưng đột nhiên 2h tỉnh dậy vì quen với giờ làm ca tối", Đức kể.

Tại nhà máy, Đức phải làm việc luôn tay luôn chân. Khi có thời gian nghỉ giữa ca làm, Đức và các bạn cũng không được nghỉ vì phải đi lấy linh kiện chuẩn bị cho giờ làm tiếp theo. "Sau khi ăn, mình và các bạn cũng phải vội vàng quay lại lắp ráp linh kiện vì sản lượng yêu cầu cao và là sinh viên thực tập nên phải cố gắng nhiều hơn công nhân chính thức", Đức chia sẻ.

Bù lại, Đức có cơ hội trực tiếp thực hành lắp ráp thiết bị như được giảng dạy tại trường học. Cậu cũng hiểu rõ hơn về công việc của mình và có thêm kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, chị Ngọc Anh, phó phòng hành chính - nhân sự một công ty kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội, cho biết luôn từ chối nhận sinh viên thực tập. "Công việc của công ty mang tính bảo mật, tôi không thể yên tâm giao việc cho những người không quen biết, thiếu kinh nghiệm và thời gian làm việc ngắn hạn như sinh viên thực tập", chị giải thích.

Theo chị Ngọc Anh, khi nhận sinh viên thực tập, công ty sẽ phải bỏ ra cơ sở vật chất, công sức và thời gian hướng dẫn. Nhưng đổi lại là sự ảnh hưởng đến tiến độ công việc vì sinh viên có thể làm sai, người hướng dẫn thì mất thời gian.

Phó phòng kinh doanh một công ty sách ở Hà Nội cũng thường cố gắng từ chối những lời nhờ vả thực tập. "Mỗi kỳ thực tập chỉ 1-3 tháng, sinh viên thường mang tâm lý đi cho biết nên chưa thực sự tích cực và có trách nhiệm trong công việc được giao", chị này nói.

Từng hướng dẫn nhiều sinh viên, chị đã gặp nhiều em thông minh, chăm chỉ, nhưng cũng có em lười biếng, làm việc thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến công việc của công ty. Nhiều bạn còn nhút nhát, ngại hỏi nên khi được giao việc thường mày mò tự làm, dẫn đến làm sai hoặc làm mất rất nhiều thời gian. 

Ý kiến của bạn

Bình luận