Sinh viên học cách khởi nghiệp ngay trên ghế giảng đường

18/06/2016 05:32

Bán đồ handmade, mở shop online, đầu tư tiệm spa nơi quê nhà..., nhiều sinh viên từ tay trắng đã kiếm cả trăm triệu đồng từ ý tưởng kinh doanh này.

Image-477110598-ExtractWord-0-2918-4346-1466064128
Sinh viên FPT nhận giải thưởng khởi nghiệp 24.000USD một năm từ IBM với thiết bị hỗ trợ giao tiếp cho người hạn chế khả năng nói hoặc nghe.

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên Đại học FPT đã tham gia kinh doanh với nhiều mặt hàng phong phú từ thực phẩm, công nghệ, hàng xách tay đến đồ handmade, quần áo. Thậm chí một số bạn còn mạnh dạn thầu căng-tin mini của trường để bán đồ ăn. Phương thức kinh doanh cũng rất đa dạng, như bán hàng giao tận nơi, online, mở cửa hàng…

Là một trong những sinh viên từng tham gia các chương trình khởi nghiệp của trường, Lê Hoàng - cựu sinh viên Đại học FPT sau khi sang Phần Lan du học đã cùng hai người bạn của mình tại Phần Lan và Singapore sáng lập công ty phần mềm. Hoàng cho biết chính những kinh nghiệm tích lũy khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp tại trường đã giúp Hoàng tự tin hơn khi đi học, làm việc cũng như khởi nghiệp ở nước ngoài.

"Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn hãy tranh thủ rèn luyện các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, phối hợp kỹ năng mỗi người, quản lý thời gian và công việc, khả năng thuyết phục, lãnh đạo… Đây là những kiến thức cần thiết khi bạn bước vào môi trường làm việc thực tế", Lê Hoàng chia sẻ.

Theo Hoàng, để thành công thì nhân tố con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi khởi nghiệp. Việc học cách sử dụng thời gian hiệu quả, đọc thêm tài liệu và học hỏi liên tục cũng là yêu cầu cần thiết.

Cũng khởi nghiệp sớm và khá thành công với dự án của mình, Nguyễn Thùy Trâm - cựu sinh viên của trường trở thành chủ tiệm cưới, spa lớn ở Đà Nẵng, với số vốn ban đầu chỉ từ 20 triệu đồng.

"Được tiếp xúc với các doanh nhân từ sớm, lại va vấp thực tế khi tham gia các dự án khởi nghiệp nên khi ra trường, nhiều em mạnh dạn bắt tay gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình và đã thành công", lãnh đạo Đại học FPT nói.

Theo vị đại diện này, nhiều sinh viên của trường hiện trở thành ông chủ trẻ, kiếm cả nghìn đôla từ những ý tưởng như kinh doanh pate tự làm, mở shop bán đồ da handmade, hay làm chủ chuỗi spa cao cấp. Có sinh viên tay trắng làm nên những ứng dụng di động đánh trúng vào thị trường tiềm năng. Các bạn còn mạnh dạn đưa sản phẩm của công ty của mình ra thế giới; thậm chí khởi nghiệp thành công ở nước ngoài, rồi sau đó đưa sản phẩm về Việt Nam.

Image-ExtractWord-1-Out-2991-1466064129
Từ 20 triệu khởi nghiệp, cựu sinh viên Đại học FPT Nguyễn Thùy Trâm (ngoài cùng, phải) trở thành chủ tiệm cưới, spa hàng đầu ở Đà Nẵng.

Nhằm giúp sinh viên có cơ hội khắc phục những điểm yếu, thử nghiệm khả năng của mình, Đại học FPT đưa chương trình Khởi nghiệp vào giảng dạy và khuyến khích sinh viên thực hành bằng nhiều hình thức.

Với tên gọi “Working in group” - WIG, đây là môn học bắt buộc, trang bị cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án. Qua đó, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên có thể thực hiện những công việc kinh doanh quy mô nhỏ do như làm từ thiện, tham gia các cuộc thi cấp trường.

Do vậy, sinh viên được làm quen với kinh doanh sớm, tích lũy kinh nghiệm bán hàng, làm việc nhóm, quản lý tài chính… Các bạn cũng nhận được sự chia sẻ, tư vấn của bạn bè, thầy cô - là những doanh nhân vừa dày dặn kinh nghiệm trên thương trường, vừa tâm huyết với giáo dục.

Bên cạnh môn học khởi nghiệp, Đại học FPT còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để sinh viên tham gia, thực hiện các ý tưởng của mình. Với những ý tưởng có tính khả thi, trường sẵn sàng đầu tư vốn, chuyên gia để sinh viên khởi nghiệp.

Gần đây nhất, trường tổ chức cuộc thi Start- up Uni 2016 nhằm khuyến khích sinh viên Đại học FPT nói riêng và sinh viên toàn quốc nói chung khởi nghiệp thông qua những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, ứng dụng công nghệ, mang tính thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Ý kiến của bạn

Bình luận