Sau Tết, giá trông giữ xe ở Thủ đô lại “loạn”

Giao thông 24h 04/02/2020 14:46

Sau Tết, nhiều điểm trông giữ xe cả có phép lẫn tự phát trên địa bàn Thủ đô đều thi nhau “chặt chém” khách; giá vé tăng gấp đôi, ba ngày thường.

 

anh-1-2--1580683388-width1000height591
Chủ bãi xe đường Quảng Khánh (Quảng An - Tây Hồ) tận dụng mọi không gian trong khuôn viên, sân vườn để tổ chức trông giữ trái phép, thu giá “trên trời”

Điểm trông giữ xe có phép, không phép đều “thổi giá”

Theo Quyết định số 44 UBND TP Hà Nội quy định về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, đối với xe máy, giá trông giữ trong khu vực nội thành là 5.000 đồng/lượt vào ban ngày; 8.000 đồng/lượt vào ban đêm; 12.000 đồng/lượt cả ngày, đêm… giá gửi xe ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt.

Ngày 31/1, có mặt tại một số địa điểm du lịch văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận, lợi dụng nhu cầu tham quan, trẩy hội dịp đầu năm của người dân tăng cao, nhiều bãi trông, giữ xe trái phép ngang nhiên mọc lên như nấm và thu giá cao ngất ngưởng để trục lợi.

Tại khu vực Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), mỗi khi ô tô, xe máy của người đi lễ rẽ vào đường Quảng Khánh (đường vào cổng chính Phủ Tây Hồ), lập tức 4 - 5 “cò” của các bãi trông, giữ xe vẫy tay ra dấu, mời chào khách vào gửi xe, bất chấp công an phường sở tại đang chốt trực an ninh ngay gần đó.

Các chủ bãi xe số nhà 4, 51 đường Quảng Khánh tận dụng mọi không gian trong khuôn viên, sân vườn để tổ chức trông giữ xe. Một chủ bãi xe khác còn lập bãi xe rộng hàng trăm mét vuông trên ô đất trống cạnh ngôi nhà số 8. Thậm chí, chủ bãi xe cạnh nhà hàng “Nhâm Thìn quán” còn vô tư chiếm dụng gần 20m vỉa hè đường Quảng Khánh để trông xe, kiếm lời.

Trong khi bãi xe được cấp phép trông, giữ phương tiện phục vụ du khách đến Phủ ngày đầu năm thu vé dịch vụ 10.000 đồng/xe máy, 30.000 - 50.000 đồng/ô tô (tùy thuộc sức chở, tải trọng) thì các bãi xe tự phát tại đây lại thu tới 20.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/ô tô. Dù giá dịch vụ chênh lệch rất lớn, song, không ít người dân phải chấp nhận giá “cắt cổ”, đưa xe vào bãi trá hình gửi vì bãi trông xe được cấp phép quá tải, hết chỗ.

Tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhằm tạo điều kiện cho du khách vào tham quan di tích, UBND quận Đống Đa đã cấp phép cho Công ty CP 901 tổ chức bãi trông, giữ phương tiện với sức chứa hàng nghìn xe trên vỉa hè đường Văn Miếu theo giá công khai là 5.000 đồng/xe máy (ban ngày) và 8.000 đồng/xe máy (ban đêm). Tuy nhiên, trong vai du khách vào gửi xe tại đây, PV lại được nhân viên trông giữ yêu cầu trả 10.000 đồng/lần gửi ngay sau khi vé trao tay.

PV thắc mắc tại sao mức giá thực tế lại cao hơn giá niêm yết, người này tỏ thái độ khó chịu và cho biết, 10.000 đồng là “giá ngày Tết”, bảng giá công khai gần đó chỉ áp dụng cho ngày thường.

Tại khu vực đền Quán Thánh, thời điểm ghi nhận, PV cũng chứng kiến hai bãi xe rộng hàng trăm mét vuông hoạt động nhộn nhịp trên vỉa hè, đường Quán Thánh (khu vực cạnh đền) và vỉa hè (khu vực trước HighLand Coffee, số 23 Quán Thánh). Trước lượng phương tiện đến đền lễ đầu năm tăng cao, các bãi xe tại đây còn vô tư chiếm dụng lòng đường để trông, giữ ô tô gây ùn ứ, mất ATGT.

Để làm rõ vấn đề, PV trao đổi nhanh với tổ công an phường Quán Thánh chốt trực tại hiện trường và được biết, các điểm trông giữ này đều được cấp phép. Song, quan sát cho thấy, xung quanh các bãi xe này lại không hề có bảng niêm yết, công khai giá theo quy định, trước các khu vực gửi xe cũng chỉ có duy nhất các tấm biển thủ công đề ngắn gọn: “Nơi trông xe”.

Những chiếc vé được phát ra cũng không hề có mệnh giá, nơi cấp phép mà chỉ vỏn vẹn nội dung: “Vé gửi xe vào đền Quán Thánh” cùng danh mục ghi biển số xe. Giá của một lần gửi là 10.000 đồng.

Sẽ xử nghiêm, rút giấy phép đơn vị sai phạm

KTS Trần Huy Ánh - Uỷ viên Ban thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã có những quy định cụ thể về mức phí trông giữ xe trên từng khu vực, nhưng tình trạng tự ý tăng ở các điểm trông giữ có phép, không phép vẫn diễn ra sau Tết như thông lệ. “Cứ vào dịp này, chủ các bãi trông giữ xe tự phát sử dụng vỉa hè, khuôn viên nhà ở, tận dụng cả hầm toà nhà, thậm chí là cả lòng đường để làm nơi trông giữ xe. Do đó, tình trạng ùn tắc tại các điểm du xuân, đặc biệt là đình, đền, chùa... thường xuyên gây ùn tắc cục bộ, ảnh hưởng tới văn minh đô thị”, KTS Ánh nêu.

Theo KTS Ánh, nếu không kiểm soát được tình trạng này, hàng tỷ đồng tiền thu được từ việc trông giữ xe trái quy định, thu quá giá so với quy định sẽ không được nộp vào ngân sách. “Các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên lộ thiên, hoạt động rầm rộ như vậy rõ ràng lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử lý”, KTS Ánh nói.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã có văn bản chỉ đạo tới từng đơn vị. Hiện theo phân cấp, các điểm trông giữ xe dưới lòng đường Sở GTVT quản lý, trên vỉa hè các quận huyện quản lý. Để xử lý dứt điểm vi phạm về giá trông giữ xe, rất cần sự phối hợp của Sở Tài chính, các quận, huyện với Thanh tra Sở GTVT.

“Thông qua hệ thống đường dây nóng, chúng tôi cũng tiếp nhận tình trạng người dân phản ánh các điểm trông giữ thu quá giá. Đây là dịp cao điểm, chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng Thanh tra, các phòng chuyên môn cùng đi kiểm tra và rút giấy phép các đơn vị Sở cấp đang thu quá giá”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đã bố trí lực lượng tham gia 4 tổ công tác liên ngành phối hợp với Phòng cảnh sát trật tự, cảnh sát kinh tế Công an thành phố kiểm tra các điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe không phép, sai phép, thu tiền không đúng quy định. “Các tổ công tác lần lượt kiểm tra các điểm trông giữ người dân phản ánh, điểm trông giữ vi phạm bị phạt hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, ông Cường cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận