Sau gầm cầu Vĩnh Tuy, đến lượt cầu Thanh Trì bị "xẻ thịt"

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Ý kiến 16/11/2017 06:54

Bộ Giao thông Vận tải đã có Thông tư cấm sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi kinh doanh, dừng đỗ xe. Nhưng thực tế hàng ngày vẫn có nghìn m2 đất thuộc gầm cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị “xẻ thịt” công khai mà không bị xử lý.


 

F42490E3-8CA4-4901-BCAC-7F6B1FF03CD2.
Nhiều bãi trông xe tự phát tồn tại và hoạt động công khai gây bức xúc dư luận

Là công trình giao thông huyết mạch nối TP. Hà Nội với quốc lộ 1 và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cầu Thanh Trì hiện có hàng trăm nghìn m2 đất gầm đầu thuộc địa bàn thuộc các quận Hoàng Mai và Long Biên. Nhưng thay vì bố trí thảm cỏ cây xanh ở phần diện tích giữa các trụ cầu, cơ quan quản lý lại để nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng sai mục đích kiếm lời thông qua việc"xẻ thịt" đất gầm cầu làm nơi trông gữ xe, dịch vụ kho bãi...

Từ nhiều năm qua, người dân đi qua khu vực cầu Thanh Trì (đoạn qua quận Hoàng Mai) đã rất quen với hình ảnh hàng nghìn m2 đất gầm cầu được chia thành từng lô, được phân chia ranh giới bằng những tường rào thép kiên cố, có bảo vệ túc trực ngày đêm.

Ngoài việc kinh doanh trông giữ xe, quán nước, thu mua phế liệu, một số khoang từ T10 đến T12 với diện tích lên đến hàng trăm m2 bị “biến hóa” kho chứa gỗ, phục vụ xưởng mộc xuất khẩu. 

Có mặt tại khu vực gầm cầu Thanh Trì chiều 15/11/2017, PV Tạp chí GTVT đã ghi nhận, hầu hết các bãi xe, điểm tập kết hàng hóa đều được lắp hàng rào chắn thép gai, hệ thống đèn thắp sáng và an ninh giám sát...

Cũng theo quan sát của PV, tại các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Thanh Trì nhìn chung đều rất sơ sài và không được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy.

C42645EB-146C-47F3-AC47-76777C830D95.
Phần lớn diện tích gầm cầu Thanh Trì bị "trưng dụng" làm các bãi gửi xe tô tô 

Chẳng may nếu xe hoặc hàng hóa dưới gầm cầu bị cháy, sẽ ảnh hưởng đến kết cầu dầm cầu. Lúc đó, chắc chắn sẽ phải kiểm tra lại toàn bộ dầm cầu. Hơn thế, nếu chẳng may cầu sập thì hậu quả thật khó lường. Bất cứ việc kinh doanh, hoặc dùng làm điểm đỗ xe cũng đều đe dọa đến độ an toàn của công trình.

Trong khi đó, theo Thông tư 39/2011 của Bộ GTVT quy định, gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe, gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

F0F1B85D-AE8E-49BE-8338-50DC0D932138.
Gầm cầu thành nơi tập kết gỗ - một vật liệu dễ bắt lửa gây hỏa hoạn

Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý, Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Sở GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.

20B164CA-E5C9-4D75-AA4F-A78625757EDA.
Rủi ro cháy nổ luôn tiềm ẩn trong các bãi gửi xe, điểm tập kết hàng hóa dưới gầm cầu Thanh Trì

Với những gì đang diễn ra ở khu vực gầm cầu Thanh Trì, đông đảo người dân sinh sống tại đây khiến nghị UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT sớm có biện pháp chấn chỉnh, xóa sổ tình trạng “xẻ thịt” tràn lan gầm cầu gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển giao thông ở đầu cầu Thanh Trì.

Người dân đang đặt ra dấu hỏi, nếu xảy ra cháy nổ tại các bãi gửi xe, kho hàng hóa thì cơ quan nào sẽ đứng ra gánh chịu trách nhiệm?.

Câu trả lời xin chuyển đến lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, cùng các cơ quan quản lý giao thông vận tải của TP. Hà Nội.

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn

Bình luận