Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội vẫn nhan nhản xe dù, bến cóc

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
17/03/2017 06:33

Nếu không có sự bao che, phớt lờ của Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương thì không "xe dù" “bến cóc” nào có thể tồn tại.


“Bất lực” trước xe dù

Là một chuyên gia vận tải hàng đầu Việt Nam, ông Thân Văn Thanh – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đau xót, thừa nhận một thực tế: “Với cách làm như hiện nay thì Hà Nội khó mà dẹp được nạn xe dù, bến cóc. Trong khi các lực lượng chức năng “bóp” chặt được đầu này thì xe dù lại phình ra ở đầu kia. Cứ như thế “ba đầu sáu tay” cũng không thể xử lý hết được. Phải chăng Hà Nội nên cần có một giải pháp tổng thể và dài hơi”?

“Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì rất khó để “xe dù, bến cóc” lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực… Chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vẫn buông lỏng thì chừng đó còn có xe dù lộng hành”, ông Thanh thẳng thẳng nói.

unnamed (14)
"Xe dù" chiếm dụng bến xe buýt trước công Sân vận động quốc gia làm nơi đón, trả khách.

Cũng theo ông Thanh, trong khi các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tập trung “truy quét” xe dù ở “lòng chảo” Mỹ Đình, thì tại các điểm lân cận như: cổng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình; đường Phạm Hùng, phố Thiên Hiền, phố Đỗ Đức Dục, Đại lộ Thăng Long… xe dù lại lập “đại bản doanh” và tung hoành ngang ngược.

Từ những thông tin ông Thanh cung cấp, PV nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Sau nhiều ngày cày ải mặt đường, bám theo những chuyến xe “ma” ngược xuôi, cuối cùng PV cũng cơ bản đủ căn cứ để “điểm mặt” các nhà xe chạy dù trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Cụ thể, tại khu vực phố Đỗ Đức Dục, nhà xe có tên là “H2” (Công ty TNHH vận tải du lịch thương mại vận Hải Hiền – PV) sử dụng 1/3 lòng đường làm nơi đón, trả khách tuyến Hà Nội – Thánh Hóa và ngược lại.

Chiều ngày 16/3, Pv trực tiếp chứng kiến toàn bộ quy trình đón khách của chiếc xe này. Sau khi tung đội “cò” tìm kiếm khách, và khoảng gần 1h đồng hồ  “án ngữ” tại  phố Đỗ Đức Dục, chiếc xe mang BKS 36B-003.25 “hốt” gần chục hành khách đi Thanh Hóa xuôi theo hướng cầu vượt Mễ Trì – Đại lộ Thăng Long.

unnamed (18)
Xe "H2" xếp khách trên đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh chụp chiều ngày 16/3)

 

unnamed (10)
Trên xe vẫn dán nguyên tem chạy tuyến cố định "Xến xe phía Nam - Bến xe Mỹ Đình".

Trong suốt hành trình xe di chuyển, PV cùng Tổ công tác của Đội CSGT số 6 (CA TP. Hà Nội) ngấm ngầm bám theo. Khi xe chạm bánh tới đầu Đại lộ Thăng Long thì bị lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra và xử lý.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện trên xe chở gần chục hành khách đi Thanh Hóa theo lộ trình tuyến cố định. Điều đáng nói, ở mặt kính chắn gió trước xe có dán tem phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” với lộ trình tuyến “Bến xe Phía Nam – Bến xe Mỹ Đình”, có giá trị sử dụng đến ngày 30/4/2017 do Sở GTVT Thanh Hóa cấp phép.

Trong khi đó, kể từ 0h ngày 2/1/2017, các xe chạy tuyến cố định Thanh Hóa – Hà Nội có nốt tại bến xe Mỹ Đình sẽ phải điều chuyển về bến xe Nước Ngầm hoạt động. Như vậy, rõ ràng, chiếc xe của “H2” đang chạy theo dạng “tự do”, tức là bỏ bến chạy dù trong một thời gian dài, tuy nhiên cả chính quyền UBND phường Mễ Trì, TTGT và CA quận Nam Từ Liêm lại không hề hay biết.

unnamed (11)
Chỉ khi Đội CSGT số 6 "ra tay" thì chiếc xe này mới bị xử lý, trong khi đó không hiểu lực lượng TTGT quận Nam Từ Liêm và CA phường Mễ Trì...đang ở đâu?

“Xe dù” bùng phát mạnh

Tương tự, tại phố Lê Quang Đạo (trước cổng Sân vận động quốc gia, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), thời gian gần đây rộ lên tình trạng xe khách các tỉnh Nam Định, Thái Bình sử dụng bến xe buýt tuyến 26 làm nơi đón, trả khách tuyến cố định.

Theo ghi nhận của PV, hoạt động đón, trả khách đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình…diễn ra công khai ở tất cả các khung giờ trong ngày. Đặc biệt, trong khung giờ cao điểm buổi chiều từ 16h đến 18h, các xe biển 18 (Nam Định) “đuổi” cả xe buýt để lấy chỗ trả khách.

Mỗi khi xe khách “cập bến” cũng là lúc lực lượng xe ôm, taxi ùn ùn đổ bộ tranh giành khách khiến bến xe buýt 26 rơi vào tình cảnh hỗn loạn, hành khách đứng đợi xe buýt hú hồn vì nằm trong thế trận bị “bủa vây. Hơn nữa, việc các xe dù “biến” lòng đường Lê Quang Đạo thành “bến cóc” đã gây xáo trộn lớn về giao thông, ảnh hướng tới vấn đề ANTT, ATGT và mỹ quan đô thị.

unnamed (12)
Còn đây là xe chạy tuyến Hải Phòng - Việt Trì, song lại đón, trả khách ngay cạnh bến xe Mỹ Đình.

Trong khi bến xe buýt 26 Sân vận động quốc gia Mỹ Đình bị “xe dù” chiếm đóng, thì cách đó khoảng 500m, taị đường Phạm Hùng (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cũng rơi vào tình trạng tương khi các nhà xe như: Hòa Phát, Ngọc Khánh (đi Vinh), Thanh Liễu, Hưng Long (Quảng Bình)…ngang nhiên tổ chức hoạt động đón, trả khách trái phép.

Theo ghi nhận của PV, vào các khung giờ từ 17h – 21h hàng ngày, 1/3 lòng đường Phạm Hùng được “trưng dụng” làm nơi xếp khách đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Hầu hết tại các điểm xếp khách trên đều nằm trong khu vực có biển cấm dừng, cấm đỗ.

unnamed (16)
Biến cấm trên đường Phạm Hùng và Thiên Hiền bị xe dù "vô hiệu hóa".
unnamed (17)
Xe tuyến Vinh thường xuyên tổ chức đón, trả khách trên đường Phạm Hùng, sau vị trí biển cấm dừng, cấm đỗ.

Chứng kiến cảnh tượng lòng đường Phạm Hùng bị “cướp đất công” để làm bến cóc, anh Vũ Văn Hùng (29 tuổi, tòa nhà 789 BQP, Nam Từ Liêm) cho rằng: Mặc dù “xe dù, bến cóc” gây ra nhiều tai họa, là vấn đề bức xúc trong suốt nhiều năm qua và lãnh đạo Chính phủ cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm, thế nhưng việc khắc phục vấn nạn này trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa hiệu quả, như là “bắt cóc bỏ đĩa”...

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Lan (cổng làng Đình Thôn, Mỹ Đình 1) còn bày tỏ quan điểm: ““Nếu không có sự bao che, phớt lờ của thanh tra giao thông, chính quyền địa phương thì không “bến cóc” nào có thể tồn tại, không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe khách to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?”

Thực tế, trong quá trình điều tra thực hiện các loạt liên quan tới xe dù, bến cóc tại địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xử lý “xe dù, bến cóc” có bằng chứng rõ ràng với lãnh đạo  Sở GTVT Hà Nội và với cán bộ phụ trách TTGT quận Nam Từ Liêm, và cả lực lượng CSTT, nhưng việc kiểm tra, chấn chỉnh nhưng cuối cùng kết quả cũng không có gì chuyển biến và không ai chịu trách nhiệm về việc này. Không thanh tra làm rõ vi phạm thì không thể có cơ sở để xử lý nghiêm, vì vậy nhà xe vi phạm “nhờn thuốc”, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng cũng bị “nhờn”…

Chúng tôi tiếp tục thông tin ở bài viết sau./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận