Sẵn sàng cho một Tân Sơn Nhất thông thoáng

Tác giả: Hải Thanh

saosaosaosaosao
Thị trường 23/03/2017 05:22

Việc cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là nhiệm vụ cấp bách bởi nơi đây đang ùn tắc cả mặt đất và trên trời. Các phương án cải tạo đã được đưa ra dựa trên điều kiện thực tế và nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn tiếp theo.

Anh 2
Lối ra Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc

KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn (ADCC), công suất của nhà ga quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 15 triệu hành khách/ năm, nhà ga quốc tế là 13 triệu/ năm. Tổng công suất khoảng 28 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, trong năm 2016, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu lượt hành khách/năm, trong đó nhà ga quốc nội đã khai thác 20,6 triệu lượt, vượt công suất 15 triệu hành khách/năm.

Tổng số chỗ đỗ máy bay hiện nay của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 50 vị trí, nhưng với 32,5 triệu hành khách như năm 2016 thì cần phải có 67 vị trí.

Tại cuộc họp rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn Xây dựng công trình hàng không (ADCC) được chọn là đơn vị tư vấn thiết kế. TS. Nguyễn Bách Tùng - Giám đốc ADCC cho biết, ADCC đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cấp bách với mức đầu tư phù hợp nhất và phải hoàn thành trong thời gian nhanh nhất .

Sau khi ADCC trình 3 nhóm phương án thiết kế và các phương án thiết kế cụ thể thì phương án 3 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ vì cân đối được kỹ càng về kinh tế, an ninh - quốc phòng, mức độ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cũng như khả thi nhất về thời gian thực hiện và kinh phí thấp song vẫn nâng được công suất đáp ứng nhu cầu trước mắt. Theo phương án này, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất, hạ cánh; cải tạo đường cất, hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43 - 45 triệu hành khách/năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành thời gian qua, đồng thời ghi nhận nỗ lực của ADCC trong việc khẩn trương xây dựng các phương án mở rộng quy hoạch một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ. Những phương án này sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân tích, đánh giá lựa chọn ra phương án tối ưu nhất, nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, đã có đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp, đảm bảo nhu cầu của người dân, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải nhanh chóng giải tỏa ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hóa đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dụng vốn Nhà nước nhất. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện. Tuy phương án 3 là phù hợp, nhưng cần phải hoàn thiện thêm cùng với tất cả các phương án khác để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố.

“Ngay từ thời điểm này cần song song chuẩn bị các công việc thực hiện dự án như thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư để có thể phê duyệt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch. Bộ GTVT chủ trì xây dựng các cơ chế đặc thù cho từng dự án để có thể áp dụng đồng bộ ngay khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; các bộ phận liên quan phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh xử lý các kiến nghị của Thành phố theo thẩm quyền để đảm bảo các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Anh 1

Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (phương án 3)

SÂN BAY LONG THÀNH PHẢI CẠNH TRANH

Trước nhiều ý kiến cho rằng có cần thiết phải nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hay không, TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, ông ủng hộ phương án xây dựng các nhà ga hành khách mới tại vị trí sân golf, vì từ đó có thể “mở cửa” sân bay ra hướng đường Quang Trung và thông ra QL1 đi các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất, ông Sơn cũng tư vấn nên quy hoạch một tuyến đường vành đai quanh sân bay (có thể là đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Tân Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa) để điều tiết giao thông. Cụ thể, trong đường vành đai có đất sân bay và đất đô thị, nhưng với đất đô thị không khuyến khích xây nhà cao tầng và quy hoạch các tuyến giao thông cụt. Đối với các trục đường kết nối với sân bay cũng vậy, chính quyền không nên khuyến khích xây nhà cao tầng để cho giao thông được thông thoáng...

Theo ông Sơn, đầu tư cho Dự án xây dựng sân bay Long Thành cần nguồn vốn khổng lồ (không chỉ riêng sân bay Long Thành mà còn phải có cả hệ thống giao thông kết nối, đường cao tốc, giao thông công cộng... và cả một đô thị rộng lớn quanh sân bay), trong khi điều kiện ngân sách của Việt Nam hiện tại còn hạn chế.

Xây dựng sân bay Long Thành là một dự án lớn, khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho khu vực, góp phần hiện đại hóa hệ thống cảng hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là không thể bàn cãi và mở rộng, nâng cấp nó là việc cần làm ngay. Chúng ta không sợ khai thác chồng chéo hay cái này làm thì cái kia mất khách mà quan trọng là sự quản lý, quy hoạch và các chính sách tạo đà cho ngành Hàng không bay cao, bay xa

Ý kiến của bạn

Bình luận