Sân chơi giữa các nhà nhập khẩu ô tô sẽ bình đẳng hơn?

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 13/09/2016 13:50

Dự thảo Thông tư đưa ra lần này nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa nhà nhập khẩu, kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp trong nước

nhap-khau-o-to_iwfq
 

Dự thảo Thông tư đưa ra lần này nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà nhập khẩu, kéo gần khoảng cách "phân biệt đối xử" giữa doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp trong nước, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết. 

Tại cuộc lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu diễn ra ngày 12/9, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ nội dung sửa đổi mới nhất tại thông tư là xe nhập từ các thị trường có quy định khí thải tương đương hoặc cao hơn Việt Nam như EU, Nhật Bản… sẽ không cần bản chính Chứng nhận hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng.

Theo đó, ô tô nhập khẩu sẽ không bị trói buộc bởi quy định phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của các nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Xe cơ giới chưa qua sử dụng cùng kiểu loại từng được đăng ký lưu hành tại các nước có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam như EU, G7… hoặc xe có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn quy định của Việt Nam cùng kiểu loại đã được đăng ký lưu hành ở nước ngoài sẽ không cần bản chính 2 loại giấy tờ nêu trên.

Ông Trần Kỳ Hình cũng cho biết, dự thảo cần được hoàn thiện trong năm 2016 và được áp dụng vào năm 2017. Điều này vừa đảm bảo hiệu quả nhà nước, vừa tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà nhập khẩu. “Đối với ô tô sản xuất trong nước hay nhập khẩu về Việt Nam trước khi đưa vào Việt Nam, mỗi quốc gia có hệ thống chất lượng đòi hỏi đáp ứng quy chuẩn của nước đó mới được sản xuất, lắp ráp”, ông Hình nói.

Đối với Việt Nam, theo ông, mục tiêu kiểm soát chất lượng là theo cách thức nhằm đảm bảo an toàn và tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, ngành sản xuất ô tô đi lên.

“Dự thảo Thông tư đưa ra lần này nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà nhập khẩu, kéo gần khoảng cách 'phân biệt đối xử' giữa doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Hơn nữa, những quy định đưa ra là về mặt kỹ thuật, hoàn toàn không cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hình nhấn mạnh.

Cũng theo ông, để kiểm soát an toàn giao thông, nhà nước kiểm soát bằng nhiều công cụ và đây chỉ là một trong các cửa để kiểm soát chất lượng, tải trọng xe nhập khẩu.

“Chúng ta phải kiểm soát về chất lượng và kiểm soát gì cũng phải theo hoàn cảnh của Việt Nam là thị trường nhỏ lẻ. Chính thị trường đang bó hẹp, nếu sau này thị trường lớn thì các nhà cung cấp phải tự tìm đến”, vị Cục trưởng cho hay.

Ông Hình cũng đưa ra quan điểm rằng, chính sách đúng sẽ không thay đổi chính sách tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng chính sách đúng nhưng thừa hành, và bộ phận, cá nhân trong chuỗi kiểm soát nhiêu khê, gây bức xúc cho xã hội.

Phản hồi về nội dung được đại diện Cục Đăng kiểm đưa ra, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ông đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan soạn thảo khi bản dự thảo Thông tư mới nhất đã có những sự thay đổi tích cực.

“Cần chính sách để người Việt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có quyền sử dụng ô tô chất lượng cao, giá thành hợp lý, bảo đảm quyền chính đáng của người tiêu dùng”, ông Tuấn cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận