Rạng ngời những tấm gương lao động tiêu biểu

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
31/07/2019 07:34

Trong sự phát triển chung của đất nước và ngành GTVT nói riêng, mọi nơi, mọi lúc, mỗi người công nhân lao động đều là những bông hoa đẹp nhất gắn kết để thành một rừng hoa đẹp.

Nguyen Duc Tuan
Anh Nguyễn Đức Tuấn - “người giữ đường Tây Bắc”

Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Được mệnh danh là “người giữ đường Tây Bắc”, anh Nguyễn Đức Tuấn - Hạt trưởng Hạt 3 QL279, Công ty Cổ phần Đường bộ 226, Cục Quản lý Đường bộ I, Tổng cục ĐBVN luôn được mọi người biết đến với sự cần mẫn, tận tâm và sáng tạo trong công việc.

Đơn vị anh được giao phụ trách 58km QL279, tỉnh Điện Biên. Đây là tuyến đường miền núi nhiều đèo dốc, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trong mùa mưa lũ, dễ bị sạt lở gây ách tắc. Trước thực trạng đó, anh đã có sáng kiến phát quang mở cua những đoạn đường có tầm nhìn còn hạn chế, đào những vị trí chưa có rãnh dọc, rãnh ngang thoát nước, đắp các vị trí lề đường còn trũng khuyết, vận động nhân dân sống ven quốc lộ trả lại hành lang vỉa hè, đất dành cho đường bộ. Tuyến đường do anh phụ trách trong nhiều năm không có tai nạn xảy ra. Không chỉ có vậy, năm 2018 anh cùng đơn vị mình đã vận động, trồng được 800 cây hoa ban trên dọc tuyến để làm đẹp tuyến đường cũng như bảo vệ hành lang ATGT.

Anh Tuấn tâm sự, nghề nào cũng có đặc thù riêng, nhưng khi gắn bó, yêu nghề rồi thì cái khó khăn vất vả rồi cũng qua, đọng lại trong đó là tình người. Mỗi cung đường tốt, an toàn thì những người “giữ đường” như anh cảm thấy rất tự hào.

Dinh Xuan Truong
Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường tại Lễ Biểu dương Công nhân lao động xuất sắc tiêu biểu năm 2019

Ngoài ra, cũng trên địa phận đơn vị của anh Tuấn quản lý có hai nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong ngành GTVT là nghĩa trang Nà Tấu và nghĩa trang B142. Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân các anh hùng liệt sỹ, anh đã cùng đơn vị phối hợp với địa phương nhận chăm sóc thường xuyên và tu bổ hai nghĩa trang trên.

Cũng như anh Tuấn, anh Dương Quang Tùng - công nhân bậc 6/7, Tổ trưởng Tổ Sản xuất, Công ty Cổ phần Cầu 12, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 là một trong những gương mặt tiêu biểu, tận tụy cống hiến công sức cho nhiều công trình cầu lớn của Việt Nam, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển ngành cầu của đơn vị. 

Trong những công trình xây dựng cầu nơi anh Tùng từng công tác, cầu Hoàng Văn Thụ - cây cầu được ví như là cánh chim thép của thành phố cảng Hải Phòng, cầu vòm thép cao nhất tại Việt Nam là công trình đáng nhớ nhất đối với anh. Anh được giao nhiệm vụ khó khăn nhất là thi công trụ cầu T12 với nhiều công việc phức tạp. Với kinh nghiệm lâu năm, anh Tùng đã chỉ đạo tổ thi công vượt tiến độ với kỹ thuật, độ chính xác cao. Đồng thời, anh còn có sáng kiến hợp lý hóa dây chuyền sản xuất từ tổ gia công cốt thép đến triển khai buộc cốt thép thi công trụ; sáng kiến trong lắp dựng các đốt dầm thép bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

Những “hạt nhân” tận tụy

Le Thi Thanh Huyen
Bác sỹ Lê Thị Thanh Huyền (bên trái) - nữ Trưởng khoa có “kỷ luật thép” 

Không giống như những kỹ sư cầu đường, với công việc mang tính đặc thù của mình, thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện GTVT luôn tất bật kiểm tra, điều hành công việc phòng xét nghiệm. Bác sỹ Huyền chia sẻ, hàng ngày trung bình chị tiếp nhận khoảng 500 mẫu phẩm nên đòi hỏi chị và các đồng nghiệp luôn phải đặt trách nhiệm cao vào công việc để đảm bảo chất lượng, đưa ra kết quả chính xác nhất cho bệnh nhân.

“Cho dù công việc có nhiều áp lực, lại đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao nhưng tôi luôn quan niệm làm việc bằng tất cả cái tâm của mình, trách nhiệm với công việc thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, chị Huyền tâm sự.

Trong Khoa Xét nghiệm, chị được gọi là “Trưởng khoa có kỷ luật thép” bởi đối với chị Huyền, chỉ có nguyên tắc: “Đúng giờ hẹn”, “Cẩn thận trong khi làm”, “Chuẩn xác từng bệnh phẩm” là được chấp nhận ở Khoa.

Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện GTVT yên bình, tĩnh lặng bao nhiêu thì trên con tàu cứu nạn SAR 413 của thuyền trưởng Đinh Xuân Trường lại ồn ào và sóng gió bấy nhiêu. Được mệnh danh là “sói biển”, đến nay Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường đã gắn bó với nghề cứu nạn hàng hải được 5 năm và anh cũng không thể nhớ đã ra khơi bao nhiêu chuyến và cứu vớt được bao nhiêu người bởi con số này quá lớn. Chỉ cần một tin báo cấp cứu, dù là ngày hay đêm, sóng to, gió lớn hay thậm chí là mưa bão, anh cùng đồng nghiệp luôn sẵn sàng vượt biển đến nơi có ngư dân, thuyền viên gặp nạn.

“Với nghề nào cũng vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bạn phải có tình yêu, đam mê và tâm huyết với nghề, từ đó giúp vượt qua vất vả, nguy hiểm nơi đầu sóng ngọn gió. Khi bạn giúp đỡ người khác vượt qua hoạn nạn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là niềm vui và ý nghĩa của công việc cứu nạn hàng hải và cũng là động lực để tôi vượt qua những khó khăn, vất vả để hoàn thành trọng trách thiêng liêng”, anh Trường chia sẻ.

Trước khi đến với nghề cứu nạn, anh là thuyền trưởng làm việc trên những con tàu viễn dương, thực hiện hải trình băng qua các đại dương. Khi còn làm việc trên những con tàu viễn dương, một lần anh đã chứng kiến thuyền viên trên tàu của mình bị thương và đã được lực lượng cứu nạn quốc tế hỗ trợ. Đó là lần đầu anh được tiếp cận với lực lượng cứu nạn và thấy nghề cứu nạn hàng hải rất ý nghĩa.

Sau chuyến đi biển đó, anh đã tìm hiểu về lực lượng cứu nạn hàng hải, được tiếp cận và tham gia vào lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam qua những người anh, người bạn đang công tác trong lực lượng cứu nạn hàng hải. Bằng cả trái tim mình, người thuyền trưởng trẻ Đinh Xuân Trường đã quyết tâm vào đội ngũ của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam.

“Khi trực tiếp làm nghề, mình cảm nhận hơn về ý nghĩa của nghề và càng yêu nghề hơn, đam mê với công việc hơn. Ý nghĩa của việc cứu nạn là việc làm nhân đạo, những thành quả của nghề cứu nạn đem lại giá trị không thể so sánh được”, anh Trường xúc động chia sẻ

Ý kiến của bạn

Bình luận