RA – Giải pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe?

Ý kiến phản biện 12/05/2015 15:38

Mới đây, Bộ GTVT đã cho phép thi công thí điểm sử dụng nhựa đường cao su hóa so sánh với bê tông nhựa truyền thống và nhựa đường Polyme PMBIII trong kỹ thuật làm đường trên cầu Thanh Trì nhằm khắc phục hằn lún vệt bánh xe.


Thi công thí điểm công nghệ mới – bê tông nhựa đường cao su – Rubberized Asphalt

Thi công thí điểm công nghệ mới – bê tông nhựa đường cao su – Rubberized Asphalt

Để hiểu rõ hơn về nhựa đường cao su hóa, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với GS- TS Serji N. Amirkhanian, Cố vấn Khoa học công ghệ của Công ty OTP-FLC (Tập đoàn FLC), đồng thời là Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Asphalt Technologies LLC và Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Phoenix Industries – Hoa Kỳ.

Bảo vệ môi trường, giá thành hấp dẫn

PV- Được biết Giáo sư đã có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực giao thông, trong đó có ứng dụng công nghệ nhựa đường cao su hóa (Rubberized Asphalt-RA) vào làm đường. Vậy Giáo sư cho biết tính năng khác biệt của RA với nhựa đường truyền thống?

GS- TS Serji N. Amirkhanian:

Tôi xin chân thành cảm ơn Tạp chí GTVT, cơ quan nghiên cứu lý luận khoa học công nghệ hàng đầu của Bộ GTVT, đã cho tôi cơ hội được giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ Rubberized Asphalt (RA) vào làm đường nhằm ngăn chặn, hạn chế việc biến dạng mặt đường sau khi đưa vào sử dụng, mà đang được Bộ GTVT quan tâm, cụ thể là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Vừa qua Công ty OTP-FLC đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm ứng dụng RA trong việc thảm 300m đường trên cầu Thanh Trì, để so sánh sự khác biệt của RA với công nghệ nhựa thông thường và nhựa Polyme trong làm đường. Nhựa đường cao su hóa RA là công nghệ sử dụng phụ gia bột cao su chế biến từ lốp xe thải kết hợp với nhựa đường thông thường, tạo ra sản phẩm nhựa đường cao su hóa, sử dụng cho hỗn hợp bê tông nhựa nóng. Công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đặc biệt tại Mỹ trong vài thập kỷ gần đây với những ưu điểm như: Chống lún, nứt đường; tăng tuổi thọ đường; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí duy tu bảo dưỡng; giảm ồn, tăng độ an toàn trong lưu hành giao thông… Nhựa đường cao su hóa được sử dụng đa dạng cho các loại cấp phối bê tông nhựa nóng: cấp phối chặt, cấp phối gián đoạn, cấp phối rỗng nhám và làm lớp hấp thụ xung lực trung gian (SAM và SAMI).

Về nhựa đường cao su hóa, đây là một loại nhựa đường có tính chất tương tự Polyme, được chế tạo từ nhựa đường truyền thống với bột cao su biến tính đi từ lốp đã qua sử dụng (ô tô, xe tải, xe khách và cao su tự nhiên).

Bột cao su biến tính này được trộn với nhựa đường truyền thống bằng máy trộn chuyên dụng với tỷ lệ bột từ 10 -25% tính theo khối lượng nhựa đường, thay đổi tùy theo yêu cầu kỹ thuật, loại thiết kế cấp phối.

Việc ứng dụng công nghệ RA không đòi hỏi các nhà thầu phải thay đổi thiết bị cũng như công nghệ thi công phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Còn xe quá tải sẽ còn hằn lún vệt bánh xe

nuoc ngoai

GS- TS Serji N. Amirkhanian

PV: Việt Nam có thời tiết khắc nghiệt nên tác động rất mạnh đến tuổi thọ của đường, và đó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hằn lún vệt bánh xe.Vậy Giáo sư đã tính toán đến bất lợi này khi áp dụng RA tại VN?

GS- TS Serji N. Amirkhanian:

VN không phải quốc gia duy nhất và cũng không phải là quốc gia khắc nghiệt nhất về khí hậu, tuy nhiên trước biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng đều phải tính đến những kịch bản mà do biến đổi khi hậu đem lại, VN cũng không phải là ngoại lệ. Trong lĩnh vực GTVT hiện nay theo xu thế chung sẽ hướng đến các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường, sử dụng các công nghệ xanh, sạch, vật liệu có khả năng tái chế.

Như tôi đã nói ở trên công nghệ Rubberized Aspahlt không phải là công nghệ mới vì nó đã được áp dụng phổ biến ở Mỹ, châu Âu hơn 40 năm qua. Có thể bạn sẽ hỏi vì sao chúng tôi lại tiên phong đưa công nghệ này vào VN. Đó là bởi các yếu tố sau: thứ nhất, VN cũng gặp hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra tương tự như ở Mỹ trước đây, làm giảm tuổi thọ của đường khi khai thác cũng như các yếu tố dẫn đến mất ATGT. Thứ hai, nhựa đường cao su hóa có nhiều ưu điểm vượt trội như đã nêu trên, đặt biệt là khả năng chống chịu thời tiết biến đổi khắc nghiệt, trong khi không đòi hỏi các nhà thầu phải thay đổi quy trình thi công cũng như máy móc thiết bị, và giá thành của nhựa cao su hóa hấp dẫn hơn so với việc áp dụng công nghệ nhựa thông thường hay nhựa polyme. Ví dụ ở Mỹ, RA được dùng ở nhiều bang có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt hơn VN rất nhiều, nhiệt độ chênh lệch khá cao từ âm (-) 20ᴼC lên đến trên (+) 40oC, minh chứng cho yếu tố thời tiết mà bạn quan tâm.

Nói như thế không phải là nếu áp dụng RA thì sẽ không còn việc hằn lún vệt bánh xe. Tôi đã tiến hành nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực kết hợp bê tông nhựa nóng cho nhiều công ty tư nhân, Bộ GTVT của nhiều tiểu bang như South Carolina, Arizona, California, Florida, Georgia, New York, Washington DC, North Carolina, Texas.., và Chính phủ Liên bang, kinh nghiệm cho thấy, nếu còn xe quá tải so với thiết kế tải trọng cho phép thì sẽ còn hằn lún vệt bánh xe, tuy công nghệ, vật liệu tốt, đúng tiêu chuẩn có thể giảm thiểu được ảnh hưởng hiện thời nhưng không phải là giải pháp tuyệt đối nếu như không có thiết kế phù hợp cho tải trọng và lưu lượng thực tế. Do đó với việc Chính phủ, Bộ GTVT quyết liệt chống xe quá tải, gia tăng thời hạn bảo hành đối với các công trình giao thông là hướng đi đúng và trúng trọng tâm.

Mong muốn nhiều công trình được áp dụng Rubberized Asphalt

PV – Nếu kết quả thí điểm trên cầu Thanh Trì không như mong muốn, Giáo sư có thể chia sẻ điều gì?

GS- TS Serji N. Amirkhanian

Kết quả của việc thí điểm không làm thay đổi giá trị của việc ứng dụng RA, vì đây không phải là vật liệu mới, nó đã được ứng dụng rộng khắp ở Mỹ và các nước châu Âu và gần đây nhất tại Trung Quốc và Liên bang Nga. Nếu khách quan, chúng tôi có thể thi công từ đầu một đoạn tuyến nào đó theo tiêu chuẩn hiện hành, dưới sự giám sát, chứng kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học các bạn sẽ thấy được sự khác biệt. Tuy nhiên, với 300m thí điểm tại cầu Thanh Trì dù kết quả có như thế nào đi nữa; tôi xin khẳng định lại một lần nữa là không làm thay đổi giá trị của việc ứng dụng Rubberized Asphalt cho Việt Nam. Tôi tin rằng với sự ủng hộ quyết liệt của Bộ GTVT, sự hợp tác, chia sẻ của các Giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu trong nước cùng nghiên cứu với chúng tôi trong khoảng thời gian 2 năm, tôi cam kết sẽ giải quyết triệt để vấn đề hằn lún vệt bánh xe ở Việt Nam.

PV – Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này và mong muốn công nghệ Rubberized Asphalt sẽ sớm được áp dụng tại nhiều công trình hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

Khánh Hà (Thực hiện)

Ý kiến của bạn

Bình luận