Quyết liệt thực hiện cổ phần hóa

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Thị trường 20/10/2015 06:07

Thời gian qua, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH đã thổi những luồng gió mới cho các doanh nghiệp, song cũng còn không ít những khó khăn cần tháo gỡ để doanh nghiệp bứt phá. Tạp chí GTVT có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp về công tác CPH doanh nghiệp.

2015-bangiaodnnn-4
Ông Vũ Anh Minh

PV: Xin ông cho biết tiến trình CPH các doanh nghiệp của Bộ GTVT?

Ông Vũ Anh Minh: Thực hiện kế hoạch CPH đã được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt, đến nay đã triển khai thực hiện CPH 137 doanh nghiệp, trong đó có 16 công ty mẹ - tổng công ty và 121 công ty thuộc Bộ và các tổng công ty (năm 2011 là 7 doanh nghiệp, năm 2012 là 3 doanh nghiệp, năm 2013 là 46 doanh nghiệp, năm 2014 là 53 doanh nghiệp và kế hoạch năm 2015 CPH 28 doanh nghiệp). Đến nay, 97 doanh nghiệp đã hoàn thành IPO, chuyển đổi sang công ty cổ phần, trong đó có 11 công ty mẹ - tổng công ty thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước với tổng số tiền 1.701 tỷ đồng.

Căn cứ danh mục tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đối với các doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, CPH Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án CPH theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối và có thể bán hết phần vốn Nhà nước nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược. Đây chính là giải pháp mạnh để thực hiện CPH triệt để, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia trực tiếp quản lý, điều hành và tăng quyền quyết định của các nhà đầu tư trong việc tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với 40 doanh nghiệp còn lại, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo triển khai các bước trong quy trình CPH, mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2015.

PV: Khối lượng công việc trong năm 2015 là rất lớn, cho đến thời điểm này, công tác CPH được thực hiện được như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt danh sách CPH, thành lập Ban chỉ đạo CPH tại 28 doanh nghiệp gồm 2 tổng công ty, 25 công ty con thuộc các tổng công ty, Bệnh viện Nam Thăng Long; phê duyệt thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để CPH 26 doanh nghiệp (Tổng công ty Cửu Long, 24 công ty con thuộc Tổng công ty ĐSVN, Bệnh viện Nam Thăng Long); phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH 28 doanh nghiệp gồm 21/24 công ty con thuộc Tổng công ty ĐSVN, 7/7 công ty con thuộc SBIC; hoàn thành IPO 6 doanh nghiệp; tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu, chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần đối với 17 doanh nghiệp; hoàn thành thẩm định báo cáo quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 24 doanh nghiệp (8 tổng công ty và 16 công ty con).

Riêng đối với Bệnh viện GTVT Trung ương, triển khai thực hiện phương án thí điểm CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã phê duyệt tiêu chí, trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và hoàn thành phương án CPH trong năm 2015.

Đối với công ty mẹ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đang tiếp thu, giải trình các bộ, ngành liên quan và hoàn thiện phương án CPH của 2 tổng công ty. Đối với Tổng công ty Cửu Long, Bộ GTVT đã hoàn thành tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ về phương án bổ sung vốn điều lệ khi tiến hành CPH tổng công ty và đã trình lại Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đối với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ và hoàn chỉnh phương án bổ sung vốn điều lệ khi CPH tổng công ty.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính để đủ điều kiện CPH đối với 4 công ty con thuộc SBIC (Đóng tàu Hạ Long, Đóng tàu Cam Ranh, Đóng tàu Thịnh Long, Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn). Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CPH doanh nghiệp thuộc Tổng công ty ĐSVN gồm: Xử lý tài chính đối với các công ty con (tài sản từ nguồn vốn vay ODA, trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định, miễn nợ thuế đất, chuyển đổi tài sản nhóm I, nhóm II), phương án sử dụng đất, cơ chế bán cổ phần... Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

PV: Xin ông cho biết, đối với các doanh nghiệp đã thực hiện xong CPH, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này như thế nào?

Ông Vũ Anh Minh: Các doanh nghiệp sau tái cơ cấu, CPH, thoái vốn đã có bước phát triển tốt do huy động được các nguồn lực xã hội, tình hình tài chính được nâng cao, năng lực, thiết bị được cải thiện, bổ sung, đặc biệt là công tác quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, những doanh nghiệp Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn hoặc tỷ lệ vốn Nhà nước còn nắm giữ thấp < 35% vốn điều lệ thì có tốc độ phát triển tốt hơn (điển hình là Cienco 1, Cienco 4).

Đối với 10 công ty mẹ - tổng công ty, sau khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần được 6 tháng tính đến thời điểm 31/12/2014, theo báo cáo tài chính được kiểm toán, tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của 10 doanh nghiệp trên so với năm 2013 được tổng hợp như sau: Vốn chủ sở hữu tăng 22%; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân giảm 16%; doanh thu tăng 22%; lợi nhuận trước thuế tăng 83%; thu nhập bình quân người lao động tăng 31%.

Các doanh nghiệp sau CPH đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ GTVT đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm, góp phần to lớn để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.Những kết quả đạt được như trên đã tăng cường củng cố niềm tin người lao động và toàn xã hội.

Những kết quả đạt được như trên là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về CPH doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu của CPH, đó là: Huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản trị nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

PV: Thưa ông, Bộ GTVT có kiến nghị gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH?

Ông Vũ Anh Minh: Nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH doanh nghiệp, phấn đấu cơ bản hoàn thành CPH doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2015, mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt phương án CPH Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; chấp thuận bổ sung tăng vốn điều lệ của VEC, Tổng công ty Cửu Long, tạo điều kiện cho các tổng công ty sau CPH là những doanh nghiệp mạnh, đủ nguồn lực thực hiện mục tiêu đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch chiến lược phát triển đã được phê duyệt; chấp thuận cơ chế bán cổ phần khi CPH các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty ĐSVN theo kiến nghị của Bộ GTVT; phê duyệt chủ trương Bộ GTVT triển khai thực hiện CPH 10 đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2015, đồng thời phê duyệt phương án xử lý tài chính đối với các công ty con thuộc SBIC để đủ điều kiện CPH o

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số bài học kinh nghiệm

Công tác CPH doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, đảng viên, người lao động nắm rõ về chủ trương CPH doanh nghiệp.

Không ngừng nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu nhà nước; phải bám sát thực tiễn, nắm bắt, chủ động đề xuất các cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ GTVT thường xuyên, trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, để CPH thành công thì doanh nghiệp phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO nhằm tạo thêm niềm tin, sức hút đối với các nhà đầu tư khác.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước có trình độ chuyên môn cao, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận