Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ

Giao thông 24h 03/09/2016 15:38

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 4), gồm: Quy Nhơn, Vũng Rô, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

 

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung
 Cảng biển Khánh Hòa - Ảnh: Internet

Nội dung quy hoạch chi tiết các cảng trong nhóm như sau:

Cảng biển Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại I), bao gồm các khu bến chức năng: Quy Nhơn - Thị Nại, Nhơn Hội và các bến Tam Quan, Đề Gi. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 18 - 20 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 52,3 - 58,3 triệu tấn/năm.

Cảng biển Vũng Rô (Phú Yên) là cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng, bao gồm các khu bến Tây Vũng Rô và Đông Vũng Rô và Bãi Gốc. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,8 - 6,3 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 16 - 17,2 triệu tấn/năm.

Cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), về lâu dài có thể phát triển đảm nhận chức năng chính là trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Loại IA). Bao gồm các khu bến: Đầm Môn (Bắc vịnh Vân Phong), Nam Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 15,9 - 18,6 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 39,7 - 46,2 triệu tấn/năm.

Cảng biển Ninh Thuận là cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng bao gồm các bến: Ninh Chữ, Cà Ná, bến phục vụ các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Lượng hàng thông qua dự kiến (không bao gồm hàng hóa Khu công nghiệp Cà Ná): giai đoạn năm 2020 khoảng 0,2 - 0,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 0,5 - 1 triệu tấn/năm.

Cảng biển Bình Thuận là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm các bến cảng: Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân, Sơn Mỹ, Hòa Phú, các bến dầu khí ngoài khơi. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 15,8 -17,5 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 24,3 - 27,7 triệu tấn/năm.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển

Để đạt được mục tiêu trên, ngành giao thông đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách như: Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...); tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định. Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...) của cảng biển, bến cảng quan trọng. Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Trường hợp Nhà đầu tư đề xuất được đầu tư cầu cảng, bến cảng với quy mô lớn hơn so với quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trên cơ sở xem xét cụ thể loại hàng, chủng loại tàu vào làm hàng tại cảng nhưng không làm thay đổi công năng cảng; đồng thời, Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của dự án…

Ý kiến của bạn

Bình luận